Gỡ điểm nghẽn môn tích hợp: Đừng đào tạo “thợ dạy” mà phải là nhà giáo dục

16/08/2023 - 06:02

PNO - Cái khó nhất trong dạy môn tích hợp là đa số giáo viên không được đào tạo để dạy mà chỉ qua tập huấn để dạy liên môn. Bên cạnh đó, năm 2019 mới có mã ngành sư phạm lịch sử - địa lý, khoa học tự nhiên. Kết thúc năm học 2022-2023, mới có khoảng 60 cử nhân sư phạm môn tích hợp.

Từ điểm cầu Khánh Hòa, cô Hoàng Hải Vân (bìa phải) -  giáo viên THCS - trao đổi với bộ trưởng về những bất cập trong giảng dạy môn tích hợp (ảnh chụp màn hình)
Từ điểm cầu Khánh Hòa, cô Hoàng Hải Vân (bìa phải) - giáo viên THCS - trao đổi với bộ trưởng về những bất cập trong giảng dạy môn tích hợp (ảnh chụp màn hình)

Thiếu sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đồng bộ

Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang - người đứng đầu Hệ thống giáo dục Marie Curie (Hà Nội) - nhận định, việc triển khai thực hiện môn tích hợp ở bậc THCS là quá khiên cưỡng. Sách giáo khoa (SGK) môn khoa học tự nhiên (KHTN) lớp Sáu, Bảy được viết thành các chủ đề hoặc chương. Chương này có thể là lý, chương sau sẽ là hóa, chương sau nữa là sinh - sắp xếp lẫn lộn như “xôi đỗ”. Không có sự tích hợp các kiến thức lý, hóa, sinh trong từng bài học cũng như cả chương trình.

Ông cho biết, các giáo viên của Trường THCS Marie Curie đã được cử đi học những khóa học khoảng 8 tháng do các Trường đại học Sư phạm Hà Nội và Trường đại học Thủ đô tổ chức. Tuy nhiên, các giáo viên sau khi học xong vẫn rất vất vả, thiếu tự tin khi giảng dạy 2 môn - vốn không phải là môn chuyên dạy của mình.

Các giáo viên của Trường THCS Marie Curie đã tiếp cận với SGK môn KHTN lớp Tám, thì thấy SGK thể hiện 4 phần riêng biệt, không thấy bóng dáng của tích hợp như lớp Sáu, Bảy nữa mà tương tự tổ hợp 3 phân môn lý, hóa, sinh. Theo ông, sự khác biệt này giúp việc phân công dạy môn KHTN thuận lợi hơn, giáo viên của phân môn nào sẽ dạy phân môn đó. Các phân môn cũng được dạy đồng thời từ đầu năm đến cuối năm. Riêng môn lịch sử - địa lý thì chỉ là gộp 2 môn vào một cuốn SGK nên việc tổ chức dạy không vướng phải những khó khăn như với môn KHTN.

Từ khi triển khai chương trình mới ở bậc THCS, dạy môn tích hợp là vấn đề các giáo viên, các cơ sở giáo dục nói đến nhiều nhất. Nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ cho rằng, một trong những nguyên nhân chính của việc giảng dạy môn tích hợp không được như kỳ vọng là do lần đổi mới giáo dục này, khâu thử nghiệm, thực nghiệm đã bị bỏ qua. Và môn tích hợp hiện nay chỉ là cộng một cách cơ học các môn vào một cuốn SGK chứ không phải là tích hợp. Bên cạnh đó, những khó khăn trong giảng dạy môn tích hợp trong thời gian qua còn là câu chuyện tự bồi dưỡng kiến thức của mỗi giáo viên để đáp ứng yêu cầu công việc. 

Không thể đào tạo theo mô hình cũ

Tại buổi gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành giáo dục ngày 15/8, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, môn tích hợp là điểm mới trong chương trình 2018. Những người thiết kế chương trình cũng đã tham khảo, tìm hiểu kinh nghiệm quốc tế cùng với mục tiêu phát triển năng lực toàn diện cho học sinh.

Tuy nhiên, thực tế 2 năm triển khai dạy và học môn tích hợp cho thấy, đã có những nhà giáo đủ năng lực để dạy các hợp phần, nhưng đa số giáo viên vẫn chia ra thành từng phần riêng với những mảng kiến thức riêng. Biên soạn SGK cũng đang thực hiện với những phần riêng biệt. Đặc biệt ở các vùng khó khăn, giáo viên dù đã được tập huấn nhưng thực tế đảm nhiệm môn tích hợp vẫn là thách thức lớn. Đến nay, giảng dạy môn tích hợp là điểm nghẽn trong việc triển khai chương trình mới.

“Chúng ta vẫn kiên trì dạy môn tích hợp ở bậc tiểu học, bởi thực tế giảng dạy môn tích hợp ở bậc học này đã được thực hiện tốt. Riêng môn tích hợp ở bậc THCS, Bộ GD-ĐT sẽ tham khảo, cân nhắc ý kiến của các chuyên gia, và khả năng cao là sẽ đưa ra điều chỉnh trong thời gian sắp tới. Nhưng cần phải điều chỉnh làm sao để không gây ra những xáo trộn tiếp theo kể cả đối với việc sử dụng đội ngũ giáo viên, năng lực giáo viên đã được chuẩn bị trong thời gian qua. Đồng thời không ảnh hưởng đến cái đích đầu ra của sự đổi mới, mục đích của đổi mới” - bộ trưởng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp gỡ khó trước mắt. Nhiều nhà nghiên cứu giáo dục cho rằng, nguyên nhân then chốt cũng như lời giải cho việc giảng dạy môn tích hợp vẫn là đào tạo sư phạm. Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, phó giáo sư Trần Kiều cho biết, vấn đề tích hợp đã được chuẩn bị từ năm 2000, nhưng chúng ta lại chưa có sự chuẩn bị nào về đội ngũ giáo viên dạy môn học này. Ngành sư phạm dường như cũng “đứng ngoài” sự đổi mới. Năm 2019, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo trường sư phạm phải đào tạo nhà giáo dục thay cho việc đào tạo “thợ dạy”. Năm 2019 cũng mới có mã ngành sư phạm lịch sử - địa lý, KHTN. Kết thúc năm học 2022-2023, mới có khoảng 60 cử nhân sư phạm môn tích hợp.

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT) - cho rằng, việc đào tạo sinh viên sư phạm theo chương trình mới nói chung, sinh viên môn tích hợp nói riêng vẫn theo mô hình cũ - đào tạo “thợ dạy” nên sẽ khó đạt hiệu quả. Bởi đào tạo “thợ dạy” thì hễ có bất cứ thay đổi nào về SGK, hay về chương trình là họ không thể dạy được. Nhưng với các nhà giáo dục thì SGK nào, chương trình nào họ cũng có thể dạy. Đặc biệt, ở bối cảnh xã hội hiện đại trong và ngoài nước đều đang thay đổi, phát triển rất nhanh, ảnh hưởng trực tiếp đến giáo dục; thì chỉ có nhà giáo dục mới có thể thích ứng được mọi sự thay đổi để nền giáo dục hoàn thiện hơn, cởi mở hơn cũng như đi vào guồng đổi mới nhanh chóng, hiệu quả hơn. 

Minh Tuệ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI