Giữ kín thông tin người nhiễm COVID-19 để tránh kỳ thị?

11/03/2020 - 12:00

PNO - Thông tin danh tính người nhiễm và nghi nhiễm COVID-19 chỉ nên nhằm phục vụ cho việc cách ly, phòng dịch chứ không để đăng tải lên mạng xã hội.

Tại bang California (Mỹ), nơi chứng kiến hàng loạt ca nhiễm COVID-19, các quan chức cho biết, họ đang cố gắng minh bạch nhất có thể bằng cách giữ một tàu du lịch ngoài biển, cập nhật cho người dân về các trường hợp mới và cung cấp các nguồn lực khẩn cấp để chống lại dịch bệnh.

Tuy nhiên, tên của những người mắc bệnh hoặc đã chết vì COVID-19 là điều bí mật. Các chuyên gia về y tế công cộng và đạo đức sinh học nói rằng, ngoài việc giúp đỡ, quyết định tiết lộ danh tính những người đã nhiễm COVID-19 - dù sống hay chết - và nghi nhiễm sẽ là một thảm họa khi có thể tạo ra sự kỳ thị sâu rộng.
 

Người đàn ông nhiễm COVID-19 tại Nhật Bản nhiều lần tiếp xúc với các nhân viên quán bar trước khi thừa nhận mình dương tính với vi-rút SARS-Cov-2
Người đàn ông nhiễm COVID-19 tại Nhật Bản nhiều lần tiếp xúc với các nhân viên quán bar trước khi thừa nhận mình dương tính với vi-rút SARS-Cov-2

Jeffrey Kahn - Giám đốc Viện Đạo đức sinh học Johns Hopkins Berman ở bang Maryland - nhận xét: “Dù là nhiễm HIV, giang mai, vi-rút corona hay bất cứ thứ gì khác, mọi người sẽ sợ tiết lộ triệu chứng với bác sĩ nếu họ cảm thấy mình sẽ bị xã hội cách ly, kỳ thị”. 
Claire Wheeler - giáo sư sức khỏe cộng đồng tại Đại học bang Portland - cho rằng, dù các quan chức y tế không tiết lộ tên của bệnh nhân COVID-19, họ vẫn không ngăn được những người xung quanh chia sẻ thông tin chi tiết về bệnh nhân với bạn bè hoặc thông qua phương tiện truyền thông xã hội. Điều đó có thể rất tệ cho những cá nhân bị ảnh hưởng, bởi giữa nỗi sợ về dịch bệnh, mọi người trở nên thiếu kiềm chế.

Quay trở lại Nhật Bản, không chỉ bệnh nhân mà một số nhân viên y tế điều trị cho người nhiễm COVID-19 cũng bị kỳ thị. Cuối tháng 2/2020, Hiệp hội Y khoa trong thảm họa Nhật Bản (JDAM) đưa ra tuyên bố mạnh mẽ, kêu gọi các bệnh viện và trường học ngăn chặn sự quấy rối đối với một số thành viên của hiệp hội, cho rằng điều đó là vi phạm nhân quyền. JDAM nhận được hàng chục báo cáo về sự quấy rối nhân viên cấp cứu, bao gồm một người bị cách ly tại bệnh viện nơi nhân viên này làm việc, và một người khác bị các đồng nghiệp xem như nguồn lây nhiễm. Một chuyên gia y tế từng đến hỗ trợ tàu du lịch Diamond Princess báo cáo rằng, người quản lý bệnh viện yêu cầu anh xin lỗi vì vắng mặt và gây ra tình trạng thiếu nhân viên. Thậm chí, con cái của nhân viên cấp cứu cũng được yêu cầu ở nhà thay vì đến trường.

Những sự cố trên cho thấy, sự kỳ thị có thể ảnh hưởng không chỉ với người nhiễm hoặc nghi nhiễm COVID-19 mà còn có thể lan rộng cho nhiều người khác xung quanh. Thông tin về họ nên được giữ kín, không để các cá nhân đăng tải lên mạng xã hội. Đi đôi với điều này là thái độ minh bạch và quyết liệt từ lực lượng chức năng. 

Ngọc Hạ (theo Bunshun.jp, SCMP, USA Today)

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(2)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI