Giới trung lưu Việt Nam kiếm tiền theo một cách khác

05/11/2018 - 13:30

PNO - 70% người dân Việt Nam hiện đã có đời sống kinh tế được đảm bảo, trong đó có 13% thuộc tầng lớp trung lưu theo chuẩn thế giới.

Đối với nhiều quốc gia, tầng lớp trung lưu được xem là xương sống của xã hội, vì đây là tầng lớp gắn liền với những kích thích đổi mới, sáng tạo.

Tầng lớp trung lưu cũng được xem là trụ cột cho sự hình thành, ổn định và phát triển xã hội, bao gồm ba yếu tố: về tài sản, họ không thuộc tầng lớp giàu có nhưng cũng không phải tầng lớp thu nhập thấp; thu nhập của họ không phụ thuộc trực tiếp hay gián tiếp vào chính quyền; họ đặc biệt quan tâm đến chính trị và có ý thức tham gia tích cực vào việc kiến tạo chính sách. 

Gioi trung luu Viet Nam kiem tien theo mot cach khac
 

Mới đây, Ngân hàng Thế giới (WB) thông tin: 70% người dân Việt Nam hiện đã có đời sống kinh tế được đảm bảo, trong đó có 13% thuộc tầng lớp trung lưu theo chuẩn thế giới. Hãng nghiên cứu tiêu dùng Nielsen còn dự đoán, đến năm 2020, tại Việt Nam, tầng lớp trung lưu sẽ tăng gấp ba lần hiện tại, đạt 33 triệu người. 

Tuy nhiên, giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Vân Nam (từng dạy môn luật sở hữu trí tuệ và luật cạnh tranh ở Trường đại học Humboldt, Berlin, Đức) không mấy lạc quan về thông tin này.

Ông cho biết: "Báo cáo của Ngân hàng Thế giới chỉ dựa trên tiêu chí về thu nhập. Theo đó, ai có thu nhập trong khoảng giữa thu nhập thấp và thu nhập cao được xếp vào tầng lớp trung lưu. Nó hoàn toàn khác khái niệm tầng lớp trung lưu dưới góc độ xã hội học, chính trị học.

Giới có thu nhập “trung lưu” ở Việt Nam hầu như không quan tâm đến chính trị, và thu nhập của họ ít nhiều liên quan đến chính quyền. Thậm chí, chính sự phụ thuộc vào quan hệ với chính quyền và thái độ tránh tham gia vào chính trị lại là những điều kiện và cơ hội để họ có thu nhập trung lưu". 

Cũng theo giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Vân Nam, thu nhập của tầng lớp trung lưu Việt Nam chủ yếu là nhờ kinh doanh chứng khoán, bất động sản sẽ dẫn đến sự phát triển kinh tế rất mất cân đối, làm giảm nguồn lực xã hội dành cho các lĩnh vực thiết yếu khác như giáo dục, y tế. Ngày càng có nhiều con em những người có thu nhập khá tại Việt Nam ra nước ngoài học tập, sinh sống, gây nỗi lo về chảy máu chất xám trong tương lai.

Giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Vân Nam dự đoán, kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng, thu nhập bình quân đầu người cũng sẽ tăng theo, nhưng các khoản tiền cần bù vào thu nhập gia đình để đảm bảo cuộc sống bình thường còn tăng nhanh hơn. Trong khi đó, cách mạng công nghiệp 4.0 đang lan tỏa rất nhanh, là cơ hội để phát triển nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến sự sống còn của một dân tộc. 

Do vậy, tầng lớp trung lưu Việt Nam nên có sự thay đổi trong cách kiếm tiền cũng như tích cực hơn trong sự đóng góp về chính sách. Ngoài ra, việc đầu tư vào lĩnh vực giáo dục của đất nước cũng rất cần sự chung tay của tầng lớp này, vì giáo dục là điều kiện thiết yếu bảo đảm sự sống còn của dân tộc, là động lực và công cụ cạnh tranh trong thế giới phẳng. 

"Giáo dục cũng sẽ giúp cho con người trở nên khoan dung hơn, chấp nhận sự chênh lệch và khác biệt trong xã hội để có động lực vươn lên. Nếu giáo dục cứ mãi trì trệ thì sẽ làm phân hóa, phân cực trong xã hội trở nên sâu sắc hơn, như vậy sẽ không thể có được sự hòa hợp và tương trợ lẫn nhau giữa các tầng lớp trong xã hội để cùng phát triển", giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Vân Nam nói.

Xuân Lộc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI