Giàu vẫn đòi đất thừa kế

10/04/2022 - 11:02

PNO - Tôi định nhượng bộ, nhưng tôi sợ anh chị tiếp tục lấn lướt, bòn mót tài sản của cha mẹ. Mỗi lần nhớ lại ngày thơ bé bên nhau, nước mắt tôi lại rơi.

Ngày nghỉ lễ cũng là dịp cuối tuần, vợ chồng tôi đưa hai con về nhà ngoại chơi. Nhà cha mẹ tôi khá rộng, lũ trẻ vui vẻ chạy nhảy ngoài vườn, khác với chúng, trong nhà người lớn buồn hiu.

Ba mẹ tôi thở dài lặng lẽ, tới bữa, mâm cơm ê chề thức ăn, không ai muốn đụng đũa. Lòng tôi nặng trĩu vì chỉ anh Ba và hai cháu đến, chị dâu và vợ chồng anh Hai đều báo bận việc và không về.

Vì tranh cãi xung quanh mảnh đất ba mẹ cho tôi mà anh em không khó  mặt nhau. Ảnh minh họa
Vì tranh cãi xung quanh mảnh đất ba mẹ cho tôi mà anh em khó nhìn mặt nhau (Ảnh minh họa)

Nhà tôi có ba anh em, hai trai - một gái, đều có gia đình riêng. Trước đây, vợ chồng anh Hai ở cùng cha mẹ, sau khi anh Ba cưới vợ thì vợ chồng anh Hai ra riêng. Ba mẹ tôi có căn nhà hai lầu mặt phố cho thuê nên anh Hai chuyển ra đó.

Nhưng vợ chồng anh Ba sống với ba mẹ một thời gian lại không hợp, đòi đổi ra ở nhà mặt phố và anh Hai đưa vợ con về lại sống cùng cha mẹ. Cứ ở được vài năm, gia đình hai anh lại đổi chỗ ở như vậy.

Đến khi gia đình vợ anh Ba cho một mảnh đất thì anh chị xây nhà mới rồi chuyển đi. Vợ chồng anh Hai cũng bám trụ nhà mặt phố chứ không chuyển về sống chung nữa. Tôi lấy chồng trên thành phố, thỉnh thoảng mới về thăm nhà. Nhìn hai ông bà già lụi cụi chăm nhau, rất sốt ruột.

Trong những lần họp mặt gia đình, ba tôi nói sẽ cho vợ chồng anh Hai ngôi nhà mặt phố, còn ngôi nhà ba mẹ đang ở là phần của anh Ba, tôi được nhận phần đất dư sát bên cạnh. Ba mẹ tính sẽ làm di chúc thừa kế rõ ràng. Chúng tôi nghe thế nhưng không mấy quan tâm.

Một năm trước, vợ chồng anh Hai bỗng dưng muốn về sống gần ba mẹ. Anh chị nói sẽ bán căn nhà mặt phố, xây nhà mới trên mảnh đất ba mẹ cho tôi để ở riêng chứ không chung nhà với ông bà. Ba mẹ tôi đã già, cũng muốn có con ở cạnh nên đồng ý, hứa sẽ phụ thêm tiền xây nhà.

Ba gọi chúng tôi về để bàn bạc chuyện đó. Ba hỏi tôi có đồng ý cho anh Hai làm nhà trên mảnh đất của tôi không. Tôi không băn khoăn gì, nhưng anh Ba đề nghị, nếu anh Hai bán căn nhà mặt phố thì phải đưa tiền lại cho tôi, coi như mua đất của tôi.

Mỗi lần nhớ lại ngày xưa thơ bé của ba anh em, nước mắt tôi lại rơi, chúng tôi đã từng yêu thương nhau rất nhiều…
Mỗi lần nhớ lại ngày xưa thơ bé của ba anh em, nước mắt tôi lại rơi, chúng tôi đã từng yêu thương nhau rất nhiều…(Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, anh Hai nói phải dùng toàn bộ tiền bán nhà để xây nhà mới, chứ lấy đâu ra mà trả cho tôi. Tôi cũng định không nhận phần thừa kế nữa. Nhưng sau đó, tôi được biết, vợ chồng anh Hai tính toán rất chi li: Anh chị dự định bán nhà, lấy một nửa số tiền để mua xe hơi và chuẩn bị cho con lên TPHCM học trường đại học đắt tiền. Tiền xây nhà mới, anh chị xin ba mẹ tôi phải phụ thêm hơn một nửa và ông bà đã đồng ý, dù đó là toàn bộ lương hưu dành dụm của ông bà.

Tôi càng bực hơn khi chị dâu nói với anh chị Ba: “Cô út giàu vậy mà vẫn về nhà giành đất. Cô nhiều nhà đất như thế, ở làm sao hết!”.

Quả thật, chồng tôi làm ăn được, chúng tôi cũng có vài mảnh đất chỗ này chỗ kia, nhưng chuyện nào phải ra chuyện đó chứ! Tôi nói rõ: "Đất nơi khác là đất chung của vợ chồng em. Mảnh này cha mẹ cho riêng em, em có thể bán khi cần giải quyết việc riêng. Anh chị làm nhà trên mảnh đất ấy thì cho em xin tiền".

Vì chuyện mảnh đất mà gia đình căng thẳng. Tôi từng định thoái lui, nhưng thấy vợ chồng anh Hai càng lúc càng quá quắt, chỉ bo bo tính toán cho mình chứ không quan tâm chăm sóc cha mẹ, nên tôi quyết đòi tiền đất. Có thể tôi dành số tiền này để mua bảo hiểm dưỡng già cho ba mẹ, có thể chỉ để đó dành khi cha mẹ ốm đau...

Từ đó, vợ chồng anh Hai cắt liên lạc với tôi. Thấy ba mẹ buồn, có lúc tôi muốn nhượng bộ, nhưng tôi sợ anh chị tiếp tục lấn lướt, bòn mót tài sản của cha mẹ. Mỗi lần nhớ lại ngày xưa của ba anh em, nước mắt tôi lại rơi, chúng tôi đã từng yêu thương nhau rất nhiều…

Bảo Phương (Bình Phước)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI