NÊN hay KHÔNG NÊN cho con mang cơm từ nhà thay vì ăn bán trú

09/12/2016 - 11:30

PNO - Nên cho con ăn cơm bán trú tại trường hay để trẻ tự mang cơm đến trường ăn trưa trở thành vấn đề đang gây nhiều tranh luận trong giới phụ huynh.

Một phụ huynh ở Hà Nội có con đang theo học và ăn cơm bán trú chia sẻ: "Em có con đang học tiểu học ở Hà Nội, vì lo thực phẩm bẩn nên em nấu cơm cho con mang đi học ăn.

Em xin cô giáo cho cháu mang cơm đi, và ở lại trường vào buổi trưa vì gia đình không có điều kiện đón con về. Và em vẫn xin đóng tiền chăm sóc bán trú cho con, nhưng cô không cho. Cô nói nếu mang cơm đi là cô cho về, không cho ở lại lớp" vị phụ huynh bức xúc kể lại.

Nên cho con ăn cơm bán trú tại trường hay để trẻ tự mang cơm đến trường ăn trưa trở thành vấn đề đang gây nhiều tranh luận trong giới phụ huynh.

Phụ huynh không yên tâm để con ăn cơm tại trường

Trước câu chuyện này, trao đổi với PV, anh Nguyễn Xuân Dương (Hà Nội) bình luận: "Ăn uống thế nào là chuyện riêng tư của mỗi học sinh và gia đình các cháu, phụ huynh của các cháu có quyền quyết định. Tất cả là vì sức khỏe và sự phát triển của các con".

NEN hay KHONG NEN cho con mang com tu nha thay vi an ban tru
Phụ huynh không yên tâm để con ăn cơm tại trường (Ảnh minh họa).

Kể lại câu chuyện của mình, Tú Mai (một phụ huynh tại Hà Nội) chia sẻ: "Hồi con mình mới học lớp 2, cháu không chịu ăn tại trường, thực ra là con từ chối thức ăn, chỉ ăn cơm và nước canh, mẹ hỏi thì nói là con không thể ăn được thức ăn trường nấu. Mình đã đến lớp, tìm hiểu bữa trưa, thấy các bạn ăn uống bình thường, đồ ăn thì tất nhiên không thể bằng ở nhà được, nhưng không đến nỗi là không thể ăn được. Mình cố gắng động viên con nhưng không xong. Vậy là phải tìm cách mang cơm đi.

Mình biết những khó khăn của nhà trường khi trong bữa bán trú lại có học sinh tự mang cơm hộp đi. Tuy nhiên, bữa bán trú là thoả thuận giữa gia đình và nhà trường, ngoài quy định chung, luật giáo dục không can thiệp sâu chỗ này. Các trường có tổ chức bán trú, bên cạnh quy định chung về vệ sinh an toàn thực phẩm, thường có nội quy riêng cho mục này, học sinh tham gia ăn bán trú sẽ phải tuân thủ theo nội quy.

Mình đến gặp cô chủ nhiệm, nhờ cô giúp. Cũng may cô giáo hiểu vấn đề, nên bàn tới bàn lui, cuối cùng quyết định cho cháu đem cơm hộp đi.

Vấn đề ở đây là tất cả vì các con. Phụ huynh nên trao đổi thẳng thắn với nhà trường, tự chịu trách nhiệm vệ sinh an toàn thực phẩm của con mình, rèn con không làm ảnh hưởng tới việc ăn uống của các bạn. Cô giáo giúp bằng cách nói lý do với lớp... Như vậy, 2 năm con mình đều mang bento đi học, cô trò đều vui vẻ cả", chị Mai nói.

Đồng quan điểm với các bậc phụ huynh này, chị Lê Thủy cho rằng câu chuyện ở đây không đặt nặng vấn đề đúng sai, cả cha mẹ và nhà trường cần hợp tác vì các con:

"Như trường của con tôi, thì việc này đã được cô Hiệu trưởng nói chuyện đến tất cả phụ huynh để các vị yên tâm. Nếu cháu nào không hợp thức ăn bán trú của trường, hoặc sức ăn hơn mức trung bình có thể đem bữa trưa, hoặc đem thêm thức ăn đến lớp, các cô bán trú vẫn chăm sóc như các bạn khác và ăn chung với các bạn ăn bán trú khác.

Trẻ con nhìn sang các bạn, cũng có thòm thèm 1 tý thôi, nhưng chúng nó vui vẻ. Còn con mình thì kể cả sáng cả trưa, cháu vẫn thích ăn cùng các bạn ở trường, vì rất vui nên ăn rất ngon", chị Thủy nói.

Một minh chứng khác từ chị Thủy Nguyễn: "Con tôi học trường quốc tế. Giờ trưa, cháu nào thích mang cơm nhà để ăn thì cứ mang, cháu nào không mang cơm thì vào căng tin mua. Nhà trường thu xếp một góc ở căng tin để cho các cháu có chỗ để hộp cơm. Cháu nào mua cơm thì mang tiền đến trường nộp vào thẻ, mỗi bữa ăn thì quẹt thẻ", theo chị Nguyễn, câu chuyện hết sức bình thường, nhà trường và các phụ huynh nên làm như thế.

Liệu có tốt cho trẻ?

Nhìn nhận ở một khía cạnh khác, chị Vũ Thị Kim Hoa (Giảng viên Học viện báo chí cho rằng): "Mình không rõ phản ánh của mẹ trên ở trường nào. Mình đang là phụ huynh có con học cấp 1 trường công, mình thấy rằng không phải thầy cô tiếc gì bữa ăn hay muốn có thêm bữa ăn của con bạn ấy làm gì đâu. Thỉnh thoảng có cháu bị ốm không ăn được cơm cô vẫn để bố mẹ mang bánh hoặc cháo đến cho con, nhưng những ngày ấy cô rất vất vả. một lớp có hơn 60 con, nhiều con nhòm vào xuất của bạn, xúm lại xin bạn hoặc tranh của bạn lớp sẽ rất ầm ĩ.

NEN hay KHONG NEN cho con mang com tu nha thay vi an ban tru
Nên cho con ăn cơm bán trú tại trường hay để trẻ tự mang cơm đến trường ăn trưa trở thành vấn đề đang gây nhiều tranh luận trong giới phụ huynh. (Ảnh minh họa).

Hơn nữa, một con mang đi được, các con khác cũng đòi mang đi, chưa đến giờ ra chơi, có khi đang giờ học cũng mở ra. Nếu không muốn thể lại phải có chỗ cho con để cơm, mà lớp thì vốn rất chật chội. Chưa kể, các con lại xin nhau tranh nhau hoặc là có biểu hiện ganh đua trong lớp nhà bạn giàu nên cơm bạn ngon... sẽ phức tạp hơn nhiều.

Bếp ăn của nhà trường còn được đặt mua thực phẩm tốt hơn ở nhiều nhà, ví dụ con mình được ăn rau sạch do 1 công ty cung cấp, nhà trường cho phụ huynh (đại diện) ăn thử và lên kiểm tra bất kì, thực phẩm và những đồ khác cũng tương tự.

Thức ăn sau khi nấu trữ ở tủ lạnh một ít để phòng khi có chuyện xảy ra... Thêm vào đó nếu ở lớp có 1 con thuộc dạng "quý tử" sẽ rất khổ cho cô giáo.

Mình cũng rất yêu con, rất chăm con nhưng tốt nhất hãy để con hòa đồng cùng lớp và sinh hoạt cùng các bạn. Nếu đến lớp vào giờ cho con ăn mới hiểu nỗi vất vả của các cô.

Mình không bênh gì các cô nhưng cũng nên hiểu cho các cô giáo nhất là cô giáo tiểu học. Không phải cô nào cũng xấu, cũng vì tiền cả đâu. Mình nghĩ nếu quá lo láng như vậy hãy cố gắng kiếm tiền để cho con vào trường quốc tế", chị Hoa chia sẻ.

Chị Thu Hạnh cũng đặt ra một vấn đề về việc quản lý an toàn thực phẩm: "Nếu như, phụ huynh nào cũng có nhu cầu đưa thức ăn từ nhà đi, các con trao cho nhau, ngộ độc thực phẩm thì ai chịu trách nhiệm? Hơn nữa, ăn bán trú còn giúp trẻ hình thành nhiều kỹ năng chứ ko đơn thuần là một bữa ăn", chị Hạnh nói.

"Hành vi của phụ huynh là sai, đã xác định gửi con ở trường thì nên tin tưởng cô giáo, bản thân mình không tin tưởng giáo viên, không tin tưởng nhà trường lại muốn nhà trường tận tình với con mình là sao, với lại nếu cả lớp các cháu đều mang cơm từ nhà đến thì liệu lớp học còn là lớp học nữa không, đã cho con e đi học thì nên để con được hòa đồng với các bạn, các bạn ăn gì mình ăn ý không nên ăn một mình một xuất. Điều này tạo cho trẻ tính ích kỷ, và làm cho các trẻ khác nghĩ bạn đó được ưu ái hơn mình", anh Bích Tuấn nhìn nhận.

Theo anh Nguyễn Ngọc Tự: "Nguyên tắc đầu tiên trong giáo dục là tạo ra sự bình đẳng hết sức có thẻ giữa các thành viên trong lớp. Phụ huynh trong post này vô tình biến con mình thành cá biệt, nó là 1 dạng bạo hành tâm lý kiểu (isolating). Nếu nhà trường cho phép hoặc mua hoặc mang đi và có nhiều bạn mang đi thì không vấn đề, nhưng nếu chỉ có một bạn mang đi thì vấn đề trở nên trầm trọng đấy (cho cả các bạn khác và cho chính bé này).

- Xét ở khía cạch nội quy học đường nếu bé không tuân theo thì sẽ tạo ra một hệ lụy tâm lý khủng khiếp, đãn tới nahanj thức sai lệch về các giá trị, hành vi không đúng,..., Trước hết, con muốn học tốt thì phải học được cách tôn trọng tất cả mọi người, tôn trọng tập thể. Góc nhìn thiếu lòng tin của phụ huynh rất dễ ảnh hưởng đến bé".

Lam Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI