Ăn chè bánh lọt hông?

07/05/2024 - 06:32

PNO - Hằng ngày, khoảng 10g sáng, quán chè được dọn ra. Từng hũ thủy tinh đựng bánh lọt màu trắng, hũ đậu xanh, đậu đỏ, đậu đen, hạt lựu… rất hấp dẫn.

Ảnh mang tính minh họa - Internet
Ảnh mang tính minh họa - Internet

Hồi nhỏ tôi rất mê món chè đậu xanh, bánh lọt, có nước cốt dừa. Nhà tôi ở đầu hẻm, bên hông nhà có quán chè “đủ thứ” của một gia đình trong xóm. Hằng ngày, khoảng 10g sáng, quán chè được dọn ra. Từng hũ thủy tinh đựng bánh lọt màu trắng, hũ đậu xanh, đậu đỏ, đậu đen, hạt lựu… rất hấp dẫn.

Buổi trưa đi học về, lũ con gái chúng tôi thường sà vào hàng chè, mỗi đứa 1 ly trước khi về nhà. 1 gắp bánh lọt, 1 muỗng nhỏ đậu xanh đánh, 1 muỗng nước cốt dừa và 1 muỗng nước đường. Ly chè bánh lọt được bưng ra, bên dưới có đậu xanh, bánh lọt và nước dừa, bên trên là đá bào đầy ụ. Lấy chiếc muỗng dầm đá bào cho ly chè vơi xuống rồi múc bánh lọt ăn trước, tận hưởng từng sợi bánh lọt dai dai lẫn trong vị nước dừa, đường cát đã thắng ngọt và béo, có thêm mùi đậu xanh thơm lừng trong miệng. Ăn riết thành ghiền, xa cách mấy tôi cũng ráng nhịn khát để về ăn ly chè bên hông nhà.

Một tối đi học về trễ, ghé quán chè, tôi phát hiện có một đứa con trai vẻ như lớn tuổi hơn tôi đang bào đá. Sau này tôi mới biết, “đứa con trai” học cùng trường và trên tôi 2 lớp, tên là Châu. Mỗi lần tôi ghé quán, anh đều mỉm cười với tôi như kiểu làm quen. Rồi từ đó, khi không có mẹ đứng bán hàng, Châu không tính tiền ly chè của tôi, tôi vô tư chấp nhận vui vẻ. Chúng tôi quen nhau từ đó.

“Anh Châu học rất giỏi, cần cù và chịu khó” là lời giới thiệu từ em trai tôi - cũng là “tín đồ” của món chè bánh lọt. Tuy nhiên nó “láu cá” hơn tôi là luôn đợi mẹ anh Châu đi vắng mới phóng ra ăn ly chè, để được anh miễn phí. Tôi không hề biết âm mưu của đứa em cho đến một hôm nó đưa tôi lá thư và nói: “Thư anh Châu gửi cho chị. Ảnh thích chị lắm đó”. Nó cười tinh quái: “Nếu chị trả lời thư cho ảnh thì em được ăn chè miễn phí mệt xỉu”.

Tôi không hề bực mình vì lá thư, chỉ tức thằng em quý hóa của mình. Từ đó, tôi chấm dứt việc ăn chè bánh lọt vào mỗi buổi đi học về. Do không nhận được hồi âm của tôi, Châu lảng đi khi gặp tôi trong sân trường, tránh mặt mỗi khi tôi đi ngang quán chè có anh đang bào đá. Mùa hè năm đó, anh thi đậu và nhận được học bổng đi du học nước ngoài. Tôi biết những tin tức ấy qua thằng em. Nó thường nói: “Chị không trả lời thư cho anh Châu, làm ảnh buồn lắm”.

1 năm sau, gia đình tôi dọn đi nơi khác. Tôi xa dần con hẻm, món chè bánh lọt, ký ức dần trôi mất hình ảnh người con trai dáng cao gầy, cúi khom lưng bào đá cho mẹ. Tôi học hành đỗ đạt, có việc làm ổn định. Ngôi nhà tôi ở bây giờ cũng ở đầu một con hẻm. Mỗi ngày, sáng đi, chiều tối mới về nhà, loay hoay đủ thứ công việc, tôi ít để ý đến những gì xảy ra xung quanh khu phố nhỏ của mình.

Một ngày rảnh rỗi, tôi mở cổng chặt cây, dọn quét và thật ngạc nhiên khi phát hiện ra bên hông nhà mình cũng có một quán chè “đủ thứ” bày từng hũ thủy tinh giống như quán chè bánh lọt ngày xưa. Hũ bánh lọt bây giờ đủ màu xanh đỏ, trên bàn có thêm mấy xoong chè nóng thật lớn.

Ký ức tuổi thơ ùa về làm tôi ngơ ngẩn. Tôi nhìn sững vào bàn đá bào bây giờ được quay bằng máy và bỗng dưng mắt tôi như hoa lên khi thấy một người con trai có dáng cao gầy đang khom lưng bào đá trên chiếc bàn bào bằng gỗ - một bàn chông cắm vào bên trên cục nước đá, bàn tay đưa tới, đưa lui, từng nhúm đá bào rớt xuống bên dưới.

Bàn tay bào đá ngừng lại và mái đầu ngẩng lên cười thật tươi với tôi: “Ly ăn chè bánh lọt nghen?”.

Kim Ly

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI