TP Thủ Đức khuyến cáo phụ huynh học sinh không mua hàng rong trước cổng trường

04/05/2024 - 10:43

PNO - Phòng chống ngộ độc thực phẩm trong mùa nắng nóng, TP Thủ Đức khuyến cáo phụ huynh học sinh không mua hàng rong trước cổng trường; đồng thời yêu cầu các cơ sở giáo dục tăng cường kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm tại bếp ăn và căn tin.

Yêu cầu được phòng GD-ĐT TP Thủ Đức nêu ra trong công văn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm mùa nắng nóng trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP Thủ Đức - ngày 4/5.

Cụ thể, nhằm thực hiện tốt công tác an toàn vệ sinh thực phẩm, không để ngộ độc thực phẩm xảy ra trong các cơ sở giáo dục, TP Thủ Đức yêu cầu hiệu trưởng các đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm tại cơ sở.

Hàng rong vây kín cổng trường tiểu học tại TP.HCM
Hàng rong vây kín cổng trường tiểu học tại TPHCM

Tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, giáo viên, nhân viên, phụ huynh, học sinh về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, các bệnh lây truyền qua thực phẩm và ngộ độc thực phẩm. Tuyên truyền cách lựa chọn thực phẩm an toàn, chú ý vệ sinh ăn uống, vệ sinh cá nhân nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen không đảm bảo an toàn thực phẩm trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và sử dụng thực phẩm.

Tăng cường phối hợp giữa nhà trường với chính quyền địa phương trong giáo dục, hướng dẫn học sinh về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt trong mùa nắng nóng. TP Thủ Đức khuyến cáo phụ huynh học sinh không mua thực phẩm hàng rong trước cổng trường không rõ nguồn gốc xuất xứ, thực phẩm chế biến không được bảo hộ lao động (khẩu trang, găng tay), thực phẩm sử dụng quá nhiều phẩm màu…

Phòng GD-ĐT TP Thủ Đức yêu cầu nhà trường tăng cường kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm tại bếp ăn và căn tin:

Trong đó, với các cơ sở giáo dục tự tổ chức bếp ăn phải đảm bảo bếp ăn theo quy trình một chiều, lưu mẫu, có phòng phân chia thức ăn riêng. Thực hiện công khai thực đơn, nguồn gốc nguyên liệu hàng ngày tại bảng thông báo của trường để cha mẹ học sinh được biết và giám sát. Thời gian từ sau khi nấu chín đến khi ăn không để quá 2 giờ.

Đối với các đơn vị cung cấp suất ăn công nghiệp, trường phải ký hợp đồng với các cơ sở cung cấp suất ăn đã được cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm hoặc giấy chứng nhận trong chuỗi an toàn thực phẩm, chứng nhận HACCP, ISO 22000:2005, VietGAP, GlobalGAP...; cơ sở chế biến phải đảm bảo theo quy trình một chiều. Thời gian từ sau khi nấu chín đến khi ăn không để quá 2 giờ.

Riêng các cơ sở giáo dục mầm non không thực hiện hợp đồng dịch vụ với đơn vị cung cấp suất ăn.

Đối với căn tin trường học phải có giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm hoặc giấy chứng nhận trong chuỗi an toàn thực phẩm, chứng nhận HACCP, ISO 22000:2005, VietGAP, GlobalGAP... Không quảng cáo, kinh doanh nước ngọt có gas, thực phẩm không có lợi cho sức khỏe trong trường học. Không dùng vật liệu nhọn, sắc để xiên, ghim đồ ăn (que tre nhọn...).

Nguồn nguyên liệu làm trà sữa phải rõ nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng…

Khi có sự việc bất thường liên quan đến an toàn thực phẩm của học sinh tại cơ sở, hiệu trưởng phải báo cáo nhanh về phòng y tế, trung tâm y tế TP Thủ Đức, phòng GD-ĐT để có hướng xử lý kịp thời…

Năm học 2023-2024, TP Thủ Đức có 405 cơ sở giáo dục, gồm 175 cơ sở giáo dục công lập và 230 đơn vị ngoài công lập. Tổng số học sinh từ mầm non đến THPT là gần 240.000 em.

Quốc Trung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI