Phân luồng sau THCS không chỉ giải bài toán “cộng, trừ, nhân, chia”

06/05/2024 - 20:15

PNO - Dù có nhiều tín hiệu tích cực song công tác phân luồng học sinh sau THCS tại TPHCM còn nhiều điểm nghẽn.

Những tín hiệu tích cực

Từ khi thực hiện Đề án giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025 của Thủ tướng Chính phủ, ban hành kèm theo Quyết định số 522/QĐ-TTg từ 2018 đến nay, công tác phân luồng học sinh sau THCS tại TPHCM đã có nhiều tín hiệu tích cực.

Nhiều phụ huynh đã chủ động chọn các hướng khác ngoài THPT công lập sau khi con em tốt nghiệp THCS. Hệ thống giáo dục tư thục của thành phố ngày càng phát triển. Đến nay, toàn thành phố có 93 cơ sở giáo dục ngoài công lập tuyển sinh bậc THPT.

Công tác phân luồng sau THCS tại TPHCM thời gian qua đạt được nhiều tín hiệu tích cực
Học sinh lớp Chín, Trường THCS Tam Đông 1 (huyện Hóc Môn) tham quan cơ sở giáo dục nghề nghiệp

Ở hệ GDTX và nghề, cơ sở vật chất, trang thiết bị ngày càng khang trang. Nhiều trung tâm GDNN-GDTX còn phối hợp với các trường trung cấp, cao đẳng nghề mang “nghề” đến với học viên. Nhiều học viên ngay khi tốt nghiệp THPT đã có thể “vững nghề”.

Cô Nguyễn Thị Ngọc Thủy - Hiệu trưởng Trường THCS Đoàn Thị Điểm (quận 3) - cho biết, so với trước đây, hiện nay quan điểm về phân luồng của phụ huynh đã “thoáng” hơn. Một số phụ huynh chủ động cho con theo các hướng khác như GDTX hoặc ngoài công lập thay vì thi tuyển sinh lớp Mười.

Để từng bước thay đổi quan điểm của phụ huynh, nhà trường đã đẩy mạnh phối hợp với các trường cao đẳng, trung cấp nghề tư vấn cho phụ huynh hiểu được lợi ích của việc học nghề sau THCS, để có thể mạnh dạn rẽ đúng hướng.

Việc lựa chọn các trường nghề được nhà trường thẩm định, đánh giá kỹ để người được lợi trước hết là học sinh. “Công tác tư vấn cho phụ huynh được nhà trường làm rất kỹ qua nhiều lớp lang. Giáo viên chủ nhiệm, các chương trình tư vấn, thậm chí cả hiệu trưởng tư vấn, làm rõ những băn khoăn của phụ huynh để họ tự tin lựa chọn hướng đi phù hợp với năng lực của con”.

Tại Trường THCS Phan Bội Châu (quận 12), vài năm trở lại đây, tỉ lệ học sinh lớp Chín chủ động chọn các hướng đi khác, không thi tuyển sinh lớp Mười trung bình khoảng 10%. Nhiều học sinh có lực học khá, giỏi vẫn chọn học trường trung cấp, nghề, ngoài công lập do yêu thích môi trường học tập tại đó.

Cô Huỳnh Thị Liên - Phó hiệu trưởng nhà trường - nói rằng, để đạt được kết quả này, trường áp dụng phương thức “mưa dầm thấm lâu”. Nhà trường, giáo viên chủ nhiệm đã cùng phối hợp với các trường nghề, trường trung cấp, trường ngoài công lập giúp phụ huynh học sinh thấy được lợi ích của việc lựa chọn môi trường học này.

Làm sao "gỡ" điểm nghẽn?

Công tác phân luồng sau THCS tại TPHCM dù có nhiều tín hiệu vui song vẫn còn nhiều điểm nghẽn. Điểm nghẽn đó đến từ nhiều phía, đó là nhận thức của phụ huynh học sinh về giáo dục nghề nghiệp còn chưa cao, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên ngành giáo dục hiểu chưa đúng về phân luồng. Ngoài ra, hệ thống giáo dục nghề nghiệp chưa tương xứng với kỳ vọng nhu cầu của xã hội. Hệ thống giáo dục ngoài công lập dù phát triển về số lượng nhưng chưa có nhiều thương hiệu, tên tuổi đủ sức cạnh tranh với hệ thống công lập. Nhiều phụ huynh lo lắng về chất lượng, học phí và môi trường giáo dục khi lựa chọn môi trường này.

Với ngành giáo dục, câu chuyện phân luồng sau THCS mới chỉ đang được tính từ trước khi thi và khi kỳ thi tuyển sinh lớp Mười khép lại. Số học sinh không đậu đều được tính là phân luồng, nhưng phân luồng đi đâu, tỉ lệ bao nhiêu đi học nghề, học GDTX thì không có số liệu…

Dù vậy, công tác phân luồng cần phải được thực hiện đồng bộ, quan trọng nhất ở khâu hướng nghiệp
Công tác phân luồng cần phải được thực hiện đồng bộ, quan trọng nhất ở khâu hướng nghiệp

Chính vì những điểm nghẽn này mới có câu chuyện ngay khi kết thúc năm học lớp Tám, hiệu trưởng một trường THCS đã yêu cầu giáo viên chủ nhiệm gửi thông báo “thúc” phụ huynh của những em có sức học yếu kém cho con đi học lớp Chín hệ GDTX. Hay câu chuyện giáo viên chủ nhiệm khi tư vấn tuyển sinh lớp Mười “gợi ý” phụ huynh đăng ký các nguyện vọng hờ nhưng không chắc chắn theo học, chỉ đảm bảo tỉ lệ trúng tuyển.

Luật Giáo dục 2019 quy định: Phân luồng trong giáo dục là biện pháp tổ chức hoạt động giáo dục trên cơ sở thực hiện hướng nghiệp trong giáo dục, tạo điều kiện để học sinh tốt nghiệp THCS, THPT tiếp tục học ở cấp học, trình độ cao hơn hoặc theo học giáo dục nghề nghiệp hoặc tham gia lao động phù hợp với năng lực, điều kiện cụ thể của cá nhân và nhu cầu xã hội, góp phần điều tiết cơ cấu ngành nghề của lực lượng lao động phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước. Chính phủ quy định chi tiết hướng nghiệp và phân luồng trong giáo dục theo từng giai đoạn phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Như vậy, để phân luồng sau THCS hiệu quả, cần “gỡ” các điểm nghẽn, đặc biệt là làm tốt công tác hướng nghiệp chứ không chỉ cộng trừ nhân chia để cho ra các chỉ tiêu, tỉ lệ.

Quốc Trung

 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEtuyensinhvi /strCate=tuyensinh

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEsukienvandevi /strCate=sukienvande
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEgiaoducvi /strCate=giaoduc