Giáo dục con từ thói quen

22/08/2018 - 09:30

PNO - Làm sao để phát triển nhân cách của con, dạy con có ý chí, kích thích trí sáng tạo và tư duy của con… luôn là những câu hỏi thường trực của các bậc cha mẹ.

Nuôi dạy con là việc chưa bao giờ dễ dàng và dường như đang càng khó khăn hơn khi có quá nhiều thông tin khiến các ông bố bà mẹ dường như bị mất phương hướng.

Giao duc con tu thoi quen
 

Tôi tìm đến cuốn sách 70 thói quen tốt trong việc nuôi dưỡng con bằng phương pháp Shichida của giáo sư Makoto Shichida trong hoang mang, vì không biết điều gì sẽ thật sự tốt cho đứa con trai hiếu động của mình. Tác giả cuốn sách - giáo sư Makoto Shichida là một nhà giáo dục tiên phong, đã có nhiều cống hiến trong lĩnh vực giáo dục sớm. Sách tập trung vào những thói quen cho trẻ dưới 7 tuổi, để giúp rèn luyện trẻ về kỷ luật lẫn tư duy.

Dựa trên những câu chuyện thực tế từ một người mẹ đã hối hận vì đã bỏ qua giai đoạn giáo dục quan trọng này của con, để khi bắt đầu đi học, đứa con của bà bị tụt lại so với các bạn khác. Hay lời tâm sự của một vị viện trưởng khi ông bỏ qua phương pháp giáo dục sớm người con thứ hai, khi nghe lời một chuyên gia trên truyền hình, để rồi bế tắc khi người con trai thứ hai, khi đi học, lại chậm hiểu, lười; trong khi người con trai đầu của ông hiện đang làm bác sĩ. Cuốn sách không đưa ra những gì quá cao siêu mà  hướng dẫn bố mẹ bảo ban con từ những điều nhỏ nhặt nhất trong cuộc sống thường ngày.

Mỗi đứa trẻ đều có một năng lực đặc biệt. Nếu chúng ta biết cách khơi gợi năng lực đó đúng cách, đúng thời điểm, chúng sẽ phát triển. Việc giáo dục sớm không phải chỉ dành cho thần đồng mà cho tất cả trẻ em dưới 7 tuổi, thậm chí ngay từ trong bụng mẹ.

Bên cạnh đó, sách còn nói về tình yêu và vai trò của cha mẹ với con. Tuy cha mẹ ai cũng yêu thương con, nhưng không phải ai cũng biết cách yêu thương hợp lý, khoa học; nuôi dạy con, chứ không làm hư con. Với giọng văn thân thiện, giản dị, cuốn sách không chỉ  hướng dẫn bạn cách suy nghĩ những điều nói với con, mà còn nói điều đó như thế nào để khích lệ con hợp tác và ngoan ngoãn.

Đây cũng là cuốn sách cần thiết đối với những gia đình có bé bị khuyết tật về não hoặc trí não chậm phát triển. Với những thói quen được rèn luyện bằng phương pháp giáo dục não phải sẽ giúp trẻ chuyển biến tốt.

Giáo sư Makoto Shichida còn nêu lên sự quan trọng của thai giáo và ăn uống trong thai kỳ. Giai đoạn này cũng quan trọng như việc nuôi dưỡng và chăm sóc sau khi trẻ chào đời.

Thực tế đáng ngại là các ông bố bà mẹ thường so sánh con với những đứa trẻ khác mà không chấp nhận sự tiến bộ hằng ngày của con. Họ chưa nhận ra điều mình đang làm  có thể dẫn đến những tác động tiêu cực to lớn đối với sự phát triển của trẻ.

Quỳnh Huỳnh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI