Giận mình, giận người viết sử

18/02/2019 - 08:41

PNO - “Năm 1979, Trung Quốc tấn công các tỉnh biên giới, sách sử có viết rõ, chẳng dòng nào cho thấy chúng đã áp vào bờ biển Nam Định. Hay là thuyền cá nhà bạn đụng chúng ngoài khơi? Và bạn giáp mặt chúng trên boong tàu?”.

1. Giữa tháng 1/1979, mẹ tôi sinh em thứ ba trong nhà. Ba tuần sau, bố tôi nhập ngũ sau lệnh tổng động viên. Ký ức của tôi sắp xếp theo trật tự lộn xộn kiểu trẻ thơ. Ví dụ, tôi chỉ nhớ đột nhiên chị gái được gửi về quê nội cho ông bà chăm sóc, tôi ở lại giúp mẹ trông em. Những đêm khuya, em khó ngủ, mẹ ru giờ này sang giờ khác dưới ngọn đèn dầu mờ đục. Tiếng hát của bà, tới nay tôi vẫn nhớ rõ mồn một.

Đó là các câu như “Ngày mai anh lên đường, ngày mai anh ra chiến trường”, “Quân xâm lược bành trướng Bắc Kinh, đã động đến dải đất tiền phương.... Thú thật, tôi còn quá nhỏ để nhớ mình buồn hay vui, nhưng những buổi tối mẹ ôm em hát hết bài này tới bài khác, tôi biết mẹ rất sợ, sợ tin từ chiến trường, sợ cuộc chiến có những động thái mới. Tôi thì giật mình trước những tiếng động lạ từ lùm chuối bên nhà. Có lần, mẹ quả quyết đó là bước chân bố tôi về thăm nhà, nhưng rõ ràng không phải...

Bố tôi lên biên giới phía Bắc ở tuổi 30, không còn độ tuổi tuyển quân thông thường. Trong không khí căm thù sôi sục và cả nước lên đường thì dù vợ mới sinh con ba tuần, có thể cũng chẳng phải là điều quá ghê gớm. Điều may mắn hơn nữa là sau này ông trở về, lành lặn.

Bố tôi kể rằng, ông không trực tiếp cầm súng chiến đấu. Đang là công nhân kỹ thuật của một nhà máy, nên ông được phân vào bộ phận kỹ thuật có liên quan tới bảo quản vũ khí. Ngay sau lệnh tổng động viên, phía Trung Quốc cũng tuyên bố rút quân, nên bố tôi kể rằng, các cuộc đụng độ diễn ra kiểu như không chính thức. Đơn vị ông phía này đường biên, lính Trung Quốc phía bên kia, thi thoảng còn nghe lao xao tiếng của nhau. Pháo địch thi thoảng bắn sang, căng thẳng nhất là chuyện đường biên. Cột mốc khi ấy là rừng rú, cây cối, vốn không rõ ràng, có một con suối tạm dùng để chia địa phận, giặc thường xuyên vượt suối qua bên này, chỉ cần một cự cãi nhỏ là có thể xảy ra thương vong. “Lính Tàu tàn bạo và rất thích xài dao găm, dao bầu” - bố tôi kể.

Sau này, bố tôi cũng sinh hoạt trong các câu lạc bộ cựu chiến binh, ông rất lép vế so với các cựu binh thời chống Pháp, chống Mỹ. Trong năm, các cựu binh ấy có những ngày kỷ niệm, họ được trường học mời nói về các trận đánh, những chiến dịch lịch sử. Suốt những năm học tiểu học, chính chúng tôi cũng đùa cợt bố: “Vậy mà cũng gọi là đi bộ đội. Đi là phải cầm súng giết được bao nhiêu tên Pháp, tên Mỹ. Ít ra cũng là thương binh như chú X. để con còn được giảm học phí chứ”.

Nghĩ lại chuyện như vậy, tôi thật giận mình, mà cũng giận những người viết sử. Cả một thời gian dài, người ta né tránh nói về chiến tranh biên giới phía Bắc, không nói về những người lính như cha tôi trải qua nhiều năm dài trên đường biên căng thẳng.

Gian minh, gian nguoi viet su
Bộ đội chuẩn bị trận địa trong chiến tranh biên giới phía Bắc.

2. Chúng tôi đều sinh ra sau 1975. Vậy mà cô bạn tên Hoa ở lớp chuyên văn huyện Hải Hậu, tỉnh Hà Nam Ninh hồi những năm 1988-1990 lại có những cơn ác mộng làm đầm đìa mồ hôi. Hoa kể với tôi, bạn bị ám ảnh chết chóc từ sau khi giáp mặt “thằng giặc”. Hoa nói bạn không nhớ hồi ấy bạn mấy tuổi, nhà bạn đã một lần chạy giặc và bạn do chậm chân nên giáp mặt một tên “Tàu”. Khi đó, quân Trung Quốc từ biển đổ vào làng chài, mọi người chạy tán loạn, đứa trẻ là bạn sợ hãi đến độ tè dầm ra quần, chân nặng như chì.

Tôi khẳng định rằng bạn bịa chuyện. Tôi nói: “Năm 1979, Trung Quốc tấn công các tỉnh biên giới, sách sử có viết rõ, chẳng dòng nào cho thấy chúng đã áp vào bờ biển Nam Định. Hay là thuyền cá nhà bạn đụng chúng ngoài khơi? Và bạn giáp mặt chúng trên boong tàu?”.

Bạn Hoa của tôi không tranh cãi. Ký ức của bạn có lý lẽ riêng, ký ức có khuôn mặt tên giặc Tàu với đôi mắt ti hí nên những giấc mơ trong ký túc xá của bạn vẫn ăm ắp hoảng loạn. Hoa là một điển hình học sinh sống thu mình, luôn ngủ nằm sấp cho khỏi chới với trong các cơn mộng mị. Thật lòng, tôi muốn đưa bạn ra khỏi ác mộng, bằng kiến thức lịch sử có được, để khẳng định bạn nhầm gì đó và hãy quên đi quá khứ kinh hoàng kia.

Sau này, có mạng internet, tôi cố gắng tìm ra những tài liệu liên quan các cuộc tấn công của lính Trung Quốc trên lãnh thổ Việt Nam, để tìm hiểu vì sao câu chuyện của cô học sinh ngày ấy lại có khuôn mặt giặc Tàu. Tiếc thay, tôi chỉ tìm được rải rác vài ba clip về những trận chiến năm 1988 khi hải quân Trung Quốc chiếm một số đảo trong quần đảo Trường Sa của chúng ta. Những cuộc gây nhiễu ngư dân, áp sát bờ biển nước Việt hay đổ quân lên bờ chưa từng được ai nhắc tới.

Bao xương máu đã rơi để canh từng mét đất, để từng cột mốc trở về vị trí cũ. Vậy nhưng, tới tận phút này, vẫn quá ít tài liệu được công bố. Và câu chuyện lính Trung Quốc đổ bộ trên bờ biển đồng bằng Bắc bộ đe dọa ngư dân của cô bạn tôi thời ấu thơ vẫn là món nợ của riêng tôi.

Hồng Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI