Giám sát con ở “tuổi nổi loạn” - Bài cuối: Ranh giới nào trong việc giám sát con?

15/02/2022 - 04:40

PNO - Theo các chuyên gia tâm lý và pháp luật, việc cha mẹ thuê “thám tử” giám sát con là nhằm bảo vệ con, hạn chế các tình huống xấu xảy ra với con nhưng việc này cũng có thể gây tổn thương tâm lý, vi phạm bí mật đời tư của con.

Ông Đặng Lê Anh - chuyên gia tâm lý trị liệu và chữa lành: “Gia đình cần kết nối hơn là giám sát”

Có nhiều lý do để phụ huynh đặt con mình dưới sự giám sát chặt chẽ, trên mức bình thường. Nếu bình thường, không ai lại đi thuê “thám tử” giám sát con mình. Phụ huynh chỉ giám sát con cái khi con có dấu hiệu không an toàn như bị bắt nạt, nghiện ngập, quan hệ yêu đương quá sớm, có nguy cơ bị bạn bè xấu lôi kéo…

Khi tôi còn làm quản lý giáo dục ở Trường nội trú IVS, nhiều phụ huynh chia sẻ với tôi rằng, con họ bị nghiện game, chơi game suốt ngày, thường bỏ nhà đi bụi… trong khi họ quá bận việc, không có thời gian trông coi, giám sát con nên phải thuê “thám tử”. Đây là một cách để phụ huynh biết đứa trẻ đó chơi game ở đâu, chơi với những bạn nào hay ở khách sạn nào... Việc giám sát nhằm có những thông tin xác thực về con mà không cần trực tiếp “ra mặt”, tức là ở góc độ nào đó, phụ huynh không còn tin con mình. Việc giám sát này có cả mặt tích cực lẫn tiêu cực.

Trong cuộc sống, khi quản lý một doanh nghiệp, một gia đình hay chính cuộc sống của bản thân, bao giờ cũng cần sự kiểm tra, giám sát. Về mặt tích cực, nó sẽ giúp người ta kịp thời chấn chỉnh, cải tiến, thay đổi những thứ chưa tốt, có thể gây hậu quả xấu. Tuy nhiên, có rất nhiều cách để giám sát. Với trẻ vị thành niên, ta có thể giám sát qua bạn bè, người thân. Khi con mình xin đến nhà bạn chơi, ta có thể gọi điện cho bạn của con, hỏi xem con mình có đến đó thật không. Việc thuê “thám tử” giám sát theo tôi là giải pháp rất thụ động.

Các phụ huynh thường nghĩ rằng, việc giám sát như vậy không phải là xâm phạm đời tư hay cản trở các hoạt động giao lưu, tiếp xúc của con mà nhằm che chở, bảo vệ, tránh các sự cố đáng tiếc ngoài ý muốn. Nhưng trẻ thường không thích như thế và coi đó là sự xâm phạm. Đến tuổi vị thành niên, tâm lý chung của trẻ là muốn tự do. Đứa trẻ khi còn nhỏ càng được nuông chiều thì lớn lên sẽ càng muốn khẳng định sự tự do, không thích ai kiểm tra, giám sát. Vì vậy, sự giám sát này có thể làm tổn thương nghiêm trọng đến tâm lý của trẻ.

Chúng ta phải nhìn nhận rằng, trẻ có một thế giới riêng. Ở không ít gia đình hiện nay, cha mẹ chỉ đơn thuần là người cung cấp tiền, đáp ứng các nhu cầu của con cái. Thành ra, mối quan hệ gia đình ở đây là một bên cung cấp, một bên hưởng thụ theo đúng trách nhiệm, thiếu một thứ rất căn bản là sự kết nối nên không ai tin ai. Gia đình cần kết nối hơn là giám sát.

Có một thực tế cần nhìn nhận là phụ huynh chưa được dạy cách làm cha mẹ. Lúc này, đứa trẻ vô hình trung là người thầy dạy phụ huynh làm cha mẹ. Phụ huynh hoàn toàn bị động trong cách dạy con, thường chạy theo những đòi hỏi một cách thái quá của trẻ chứ không phải đang giáo dục trẻ. Khi phụ huynh có kiến thức giáo dục, họ sẽ hiểu rằng việc giáo dục một đứa trẻ rất quan trọng. Việc giáo dục này căn bản là sử dụng tình thương đúng cách. Chúng ta thường làm theo mọi yêu cầu của con vì sợ con mình khóc; khi ai động đến con mình thì “xù lông” lên. Như vậy, khi lớn lên, trẻ sẽ mất đi tính tự chủ, tự lập, cho rằng mình sẽ không phải chịu trách nhiệm cho hành động của mình vì đã có cha mẹ lo. Khi đó, cha mẹ buộc phải giám sát con mình bằng những biện pháp như thuê “thám tử”.

Để thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn này, phụ huynh nên hiểu rằng, chúng ta phải là người chủ động trong giáo dục, cần dạy cho trẻ tính tự giác ngay từ nhỏ. Nếu một đứa trẻ được dạy tính chủ động, tự giác, cách quản lý cuộc sống, việc học hành… ngay từ nhỏ thì sự liên kết, kết nối giữa hai bên được xây dựng bằng niềm tin chứ không phải là giám sát thụ động theo kiểu thuê “thám tử”.

Đại tá - phó giáo sư - tiến sĩ Đỗ Cảnh Thìn - chuyên gia tội phạm học: “Giám sát thái quá dễ ảnh hưởng đến tâm lý trẻ”

Việc bảo vệ an ninh, an toàn cho một đứa trẻ là trách nhiệm chung của gia đình, các cơ quan nhà nước và toàn xã hội. Đứa trẻ cần được bảo vệ một cách tốt nhất để được học tập, sinh hoạt, vui chơi lành mạnh và an toàn. Tất cả các động tác nhằm để bảo vệ tích cực cho đứa trẻ đều được hoan nghênh. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là đặt các em dưới sự giám sát thái quá kiểu 24/24 giờ, kiểm soát hoàn toàn sự tự do của trẻ. Việc giám sát phải đảm bảo thuận lợi nhất cho các sinh hoạt vui chơi, giải trí và tránh ảnh hưởng đến quyền riêng tư của trẻ. 

Nếu không đảm bảo các yếu tố trên, sự giám sát sẽ là cực đoan, phản khoa học. Chẳng hạn như khi phụ huynh thuê người giám sát con và đứa con phát hiện được điều này, trẻ sẽ bị căng thẳng, trầm cảm, mệt mỏi. Chắc chắn đứa trẻ sẽ cảm thấy không thoải mái. Điều này ảnh hưởng xấu đến chất lượng cuộc sống, kết quả học tập cũng như nhân cách xã hội của trẻ. Tâm lý chung của trẻ ở độ tuổi vị thành niên là thích khám phá, thích thể hiện nên sự kiểm soát thái quá sẽ dồn nén tâm lý đứa trẻ. Chiếc lò xo bị dồn nén hết cỡ, khi bung lên, sẽ dễ xảy ra những hệ quả không tốt. 

Khi nghiên cứu về tội phạm vị thành niên, tôi nhận thấy rằng, một số trẻ được gia đình kiểm soát, giám sát gần như tuyệt đối, có người đưa đón, theo dõi, trông nom nhưng chỉ cần gia đình lơ là vài phút, đứa trẻ liền nổi loạn và có những hành vi mất kiểm soát, dẫn đến vi phạm pháp luật. Như vậy, có thể thấy, sự giám sát thái quá dễ tác động xấu đến tâm lý trẻ và tạo ra tác dụng ngược.

Theo tôi, gia đình và nhà trường là nơi có điều kiện tốt nhất để giám sát và bảo vệ đứa trẻ. Thay vì thuê “thám tử”, chúng ta hãy cố gắng dành nhiều thời gian hơn cho con, cần tư duy cách giáo dục trẻ cho phù hợp thay vì vung tiền để đẩy trách nhiệm đó cho người lạ. Tôi cũng lưu ý rằng, việc thuê “thám tử” giám sát con cần tuân thủ các quy định của pháp luật bởi đây là hoạt động liên quan đến an ninh con người và trật tự xã hội. 

Có khi, đối tượng xấu lợi dụng việc được cha mẹ thuê giám sát để xâm hại hoặc gây bất an cho đứa trẻ. Những người làm “thám tử” cần được đào tạo, huấn luyện, có chứng chỉ nghiệp vụ, trình độ pháp lý. Việc muốn thuê ai làm “thám tử” thì thuê, ai muốn làm “thám tử” thì làm sẽ để lại những hệ lụy cho người bị giám sát và xã hội.

Luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TPHCM): “Coi chừng vi phạm bí mật đời tư”

Trước đây, khi Nghị định 108/2006/NĐ-CP còn hiệu lực thì dịch vụ thám tử tư bị nghiêm cấm. Nhưng theo quy định pháp luật hiện hành là Luật Doanh nghiệp năm 2020 và Luật Đầu tư năm 2020, dịch vụ thám tử không còn bị liệt kê trong danh mục các ngành kinh doanh bị cấm đầu tư. Tuy nhiên, loại hình kinh doanh này vẫn không được liệt kê trong danh mục các ngành nghề được phép kinh doanh. 

Trong hệ thống pháp luật ở nước ta hiện nay, chưa có quy định rõ ràng, nhất quán về việc kinh doanh dịch vụ thám tử tư, cũng chưa có quy định cụ thể về điều kiện để hoạt động này nên dịch vụ thám tử không thể hoạt động hợp pháp. Vì vậy, việc thuê “thám tử” giám sát con chỉ là một cách gọi của một công việc đơn thuần như là vệ sĩ âm thầm theo dõi, sẵn sàng bảo vệ đứa trẻ trước những tình huống xấu. 

Do đó, các bậc phụ huynh cần cân nhắc về ranh giới của sự quan tâm và vi phạm bí mật đời tư. Theo điều 38 Bộ luật Dân sự năm 2015, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Việc cá nhân, tổ chức cố tình theo dõi, thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin về đời sống riêng tư, bí mật của cá nhân phải được chính người đó đồng ý. Nếu không có sự đồng ý của người đó thì các hành vi nêu trên được xem là xâm phạm đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và đều là hành vi vi phạm pháp luật. 

 

 

 

Nhiều cha mẹ thuê “thám tử” để giám sát con ở “tuổi nổi loạn”
Nhiều cha mẹ thuê “thám tử” để giám sát con ở “tuổi nổi loạn”

Sơn Vinh (ghi





 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI