Giá phân bón tăng cao, giá nông sản giảm thấp, vì sao?

08/06/2022 - 06:37

PNO - Chiều 7/6, trong phiên chất vấn đầu tiên ở kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu Quốc hội đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan về vấn đề giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, đặc biệt là giá phân bón.

 

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh cần hết sức coi trọng thị trường tiêu thụ nông sản trong nước (trong ảnh: Công nhân chế biến atiso ở nhà máy Ladophar tại Lâm Đồng) - ẢNH: Đ.THƯ
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh cần hết sức coi trọng thị trường tiêu thụ nông sản trong nước (trong ảnh: Công nhân chế biến atiso ở nhà máy Ladophar tại Lâm Đồng) - ẢNH: Đ.THƯ

Có tình trạng tích trữ, ghìm giá 

Đại biểu (ĐB) Lê Thị Song An (tỉnh Long An) cho hay, giá phân bón hiện đã tăng 200% so với cách đây hai năm. Giá phân bón tăng nhanh trong thời gian qua gây ra nhiều khó khăn, hệ lụy cho sản xuất nông nghiệp. Trong khi đó, giá nông sản lại thấp, nhiều lúc không tiêu thụ được nên nông dân điêu đứng. Tại tỉnh Long An, nông dân đã phá bỏ nhiều vườn trồng thanh long do giá xuống quá thấp, giá phân lại tăng cao. 
Về vấn đề này, ông Lê Minh Hoan cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức nhiều cuộc họp với các ngành hàng, các doanh nghiệp (DN) ngành phân bón để thuyết phục nhằm kiểm soát giá. Ông thừa nhận, theo phản ánh của nông dân, có tình trạng ghìm giá, tích trữ hàng để tạo ra cú sốc giá. Bộ Công Thương đã chỉ đạo điều tra, phát hiện nhiều vụ việc vi phạm. 
Nêu giải pháp để kiềm chế đà tăng giá phân bón, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT kêu gọi nông dân tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, tái tạo các phế phẩm nông nghiệp để ứng dụng vào sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt. Đây không chỉ là giải pháp mang tính tức thời, tiết kiệm chi phí mà về lâu dài, còn góp phần hữu cơ hóa, sinh học hóa nền nông nghiệp, trồng trọt. Ông dẫn, nhờ sử dụng phế phẩm làm phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học, nông dân ở vùng Tây Nguyên đã giảm được giá thành sản xuất, tăng giá trị hàng hóa khi đưa ra thị trường.
Đồng tình với giải pháp này của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, ĐB Nguyễn Huy Thái (tỉnh Bạc Liêu) nêu thực tế, thói quen dùng phân bón hữu cơ thay cho vô cơ chủ yếu có ở miền Bắc và miền Trung. Nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) ít dùng phân bón hữu cơ. Làm thế nào để thay đổi thói quen này là vấn đề không đơn giản. 
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, do người dân ĐBSCL làm 2 - 3 vụ mỗi năm để tăng năng suất nên thường có thói quen dùng nhiều phân vô cơ và thuốc hóa học bảo vệ thực vật trên diện tích lớn. Việc thay đổi tập quán là khó nên cần phải tổ chức lại sản xuất, vận động bà con tham gia kinh tế tập thể, gia nhập các hợp tác xã (HTX) để chuyển dần việc dùng phân vô cơ sang phân hữu cơ. 
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói: “Khi vào HTX, mua hàng với số lượng lớn giúp giảm giá nguyên liệu đầu vào, tiết kiệm được chi chí và chi phí đó để dùng phân hữu cơ, hướng tới nền nông nghiệp sinh thái. Đây là cơ hội để chúng ta thay đổi”. Ông cho hay, Bộ NN-PTNT đã thành lập văn phòng điều phối ở 13 tỉnh vùng ĐBSCL để làm thay đổi thói quen này.
Ông đề nghị, các DN phải kiên quyết từ chối mua những nông sản chưa minh bạch về chất lượng, an toàn thực phẩm: “Nông nghiệp của ta vẫn mang ba lời nguyền là manh mún, nhỏ lẻ, tự phát. ĐBSCL là vùng đất đai rộng nhất nhưng giờ kiểm đếm lại, vẫn là manh mún. Sự manh mún, nhỏ lẻ dẫn đến không tổ chức được ngành hàng và còn rủi ro”. Bộ trưởng Bộ NN-PTNT tha thiết mong chính quyền các địa phương quan tâm và coi đây là mệnh lệnh với thị trường, bắt buộc phải thay đổi. 
Ông Nguyễn Hồng Diên - Bộ trưởng Bộ Công Thương - lý giải, giá phân bón, giá nhiều loại nguyên liệu, vật tư tăng cao là tình trạng phổ biến trên toàn cầu do sự đứt gãy chuỗi cung ứng, do lạm phát tăng. Trước tình hình này, Chính phủ đã chỉ đạo các ngành vào cuộc, có các chính sách giảm thuế, hỗ trợ tìm kiếm nguồn nguyên liệu đầu vào để giảm giá thành sản phẩm, tăng cường kiểm soát thị trường, kiểm soát xuất nhập khẩu. Đối với các mặt hàng mà thị trường trong nước cần thì hạn chế xuất khẩu, tăng cường nhập khẩu nguyên liệu đầu vào. 
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói: “Trong thời gian tới, bộ sẽ tham mưu Chính phủ, Quốc hội và các đơn vị liên quan nghiên cứu, điều chỉnh thuế. Trong trường hợp đặc biệt, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, có thể sẽ phải sử dụng các biện pháp an sinh cho nông dân”.
Phải xem trọng thị trường trong nước 

ĐB Phạm Thị Minh Huệ (tỉnh Sóc Trăng) băn khoăn trước thông tin cho rằng, nông sản Việt Nam khi được bày bán ở các siêu thị nước ngoài có giá rất cao, lên tới vài trăm ngàn đồng/kg, trong khi giá bán ở thị trường nội địa chỉ vài chục ngàn đồng/kg. Theo bà, giá bán ở nội địa thấp khiến thu nhập của nông dân trong nước không được cải thiện. 
Nhìn nhận vấn đề này thông qua câu chuyện vải thiều đi Nhật, đi Mỹ trong vài năm gần đây, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chỉ ra, để nông sản lên kệ hàng ở siêu thị nước ngoài thì chi phí logistics, chi phí thị trường chiếm tỷ trọng rất cao nên giá bán phải cao: “Cho nên, đừng quá háo hức khi thấy giá cao. Quan trọng là giá cao đó có phân bổ lại cho nông dân hay không”. Ông cho biết, đã giao cho các đơn vị, địa phương xem lại vấn đề này.
Theo ông, cần phải xem trọng thị trường trong nước thay vì kỳ vọng sẽ thu giá cao ở thị trường nước ngoài: “Lãnh đạo nhiều hiệp hội, ngành hàng nói với tôi rằng, đất nước mình giàu rồi, tầng lớp trung lưu cao rồi, sẵn sàng chấp nhận mua nông sản giá cao, thậm chí còn cao hơn so với những DN mua nông sản để xuất khẩu. Vấn đề là, cần tổ chức lại thị trường trong nước”. 
Ông tiếp: “Nhiều lãnh đạo DN nước ngoài nói với tôi rằng, muốn xây dựng thương hiệu nông sản Việt ở nước ngoài thì hãy làm tốt việc xây dựng thương hiệu nông sản ở trong nước. Điều này có nghĩa, niềm tin của người tiêu dùng trong nước là bệ đỡ của ngành hàng nông sản. Nếu chính người Việt Nam không dùng hàng Việt Nam thì làm sao hàng Việt Nam sống được ở thị trường nước ngoài. Đây là điều mà chúng ta cần phải bàn rất kỹ”. 

Bộ NN-PTNT đang cùng các bộ, ngành xây dựng ba thị trường để xuất khẩu nông sản là Hoa Kỳ, EU và Trung Quốc. Mỗi thị trường đều có một đề án riêng, đáp ứng chuẩn mực, tiềm năng và quy định rào cản của từng thị trường. Việc xây dựng đề án riêng nhằm tiếp cận thị trường bài bản, tránh tình trạng “đi buôn chuyến”. Với các đề án này, các DN Việt Nam trong từng loại thị trường sẽ kết nối với nhau, từ đó điều chỉnh lại khâu tổ chức sản xuất cho phù hợp từng loại thị trường, từng mùa vụ, từng vùng nguyên liệu cụ thể.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan

Minh Quang

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI