Gia đình hiện nay đang thiếu gắn kết, sẻ chia

01/07/2020 - 08:57

PNO - Giáo sư - tiến sĩ Lê Thị Quý (Viện trưởng Viện Nghiên cứu giới và phát triển) mổ xẻ vấn đề theo một trục móc xích, ở đó, mỗi cá nhân có thể kiến tạo hoặc đập vỡ sợi dây liên kết gia đình từ chính nhận thức của mình.

Những “tội nhân” trong vụ giết người đổ bê tông phi tang xác gây rúng động dư luận ở Bình Dương được đưa ra xét xử vừa qua, hay nạn nhân của các tà đạo gây xôn xao trước đó khiến chúng tôi suy nghĩ rất nhiều về sợi dây liên kết giữa các thành viên trong gia đình cũng như những vấn đề xã hội sau câu chuyện tà đạo, dị giáo. 

Giáo sư - tiến sĩ Lê Thị Quý
Giáo sư - tiến sĩ Lê Thị Quý

Nhiều người hiểu sai về quyền cá nhân 

Phóng viên: Ba trong số bốn bị cáo liên quan tới vụ giết người rồi đổ bê tông phi tang xác ở Bình Dương mới đây hay rất nhiều người Hội thánh Đức Chúa trời mẹ cách đây không lâu đều là những người có học thức. Việc những người có trình độ lại đi theo dị giáo thể hiện điều gì, thưa bà?

Giáo sư Lê Thị Quý: Người ta có thể có học thức, có trình độ, có học hàm, học vị nhưng bản thân mỗi người lại có một lối sống, lối sinh hoạt khác nhau.

Từ đó, họ có thể hoặc không chấp nhận một giáo lý rất không rõ ràng, hay trong con người họ đã có sẵn mầm mống tội ác, phi nhân tính chẳng hạn. Ví dụ, giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ… vẫn phạm tội giết người. 

Học vấn chỉ nói lên một phần của câu chuyện. Lâu nay ta chỉ nhìn vào việc người đó được giáo dục cẩn thận nhưng lại phạm tội, mà quên đi khía cạnh bản chất cá nhân, tính cá nhân, đặc tính tội phạm có thể có trong một số người. Với đặc tính tội phạm đó, nếu anh không phấn đấu, không tự bồi dưỡng thì anh sẽ tự đưa mình vào tội ác.

* Như gia đình chủ mưu Phạm Thị Thiên Hà, khi thấy con tu luyện theo cách thức đó đã khuyên nhủ, nhưng chị ta không nghe. Hay người khác trong nhóm, có thời điểm bỏ nhà đi tu luyện 8-10 tháng trời. Liệu sự gắn kết gia đình của những người đó có bị lỏng lẻo không?

- Ở đây có sự tác động, ảnh hưởng qua lại. Những hành vi, tội ác của nhóm người đó biểu hiện của rạn nứt gia đình, thiếu giáo dục gia đình. Niềm tin mù quáng, không có bất kỳ căn cứ nào nhưng vẫn lao theo - đó là vấn đề của xã hội, khiến không ít gia đình khủng hoảng. Đó cũng là lý do vì sao Nhà nước ta và nhiều quốc gia trên thế giới cấm tà đạo.

Tôn giáo, về nguyên tắc là hướng thiện, còn những người nào làm điều ác mà lại nhân danh tôn giáo, rõ ràng là bậy bạ. Nếu không cấm tà đạo, dị giáo, nó sẽ lan truyền gây nguy hiểm cho xã hội.

* Theo bà, điều gì đã làm cho sự liền mạch của gia đình truyền thống đứt gãy trong thế giới hiện đại?

- Việc thiếu gắn kết, chia sẻ trong gia đình hiện nay là phổ biến. Chủ nghĩa cá nhân của phương Tây du nhập vào Việt Nam đã khiến quan điểm của người Việt về cá nhân có những thay đổi. Nhiều người đã không hiểu ý nghĩa tích cực của quan niệm này mà phát triển phần tiêu cực của nó.

Ngày trước gia đình là tổ chức chặt chẽ, tất cả các thành viên đều tuân thủ theo chuẩn mực đạo đức, giá trị như “cha từ, con hiếu”, “anh em như thể tay chân”, “vợ chồng chung thủy”…

Nhưng bây giờ, có những thành viên trong gia đình cho rằng mình có quyền cá nhân, có tự do của mình và vi phạm những chuẩn mực trên.

Hoặc có những người theo các tà giáo lại giấu giếm gia đình, họ càng không chia sẻ nếu trong gia đình có người phản đối.

Quyền cá nhân của con người lớn hơn trước đây rất nhiều và rất đáng trân trọng nhưng nhưng không có nghĩa rằng, tôi muốn làm gì thì đó là quyền của tôi. Quyền cá nhân phải tôn trọng pháp luật, tôn trọng quyền của tập thể, xã hội.

Phát triển văn hóa không tương xứng sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy

* Xin hỏi bà, ở một góc nào đó, việc giáo dục tín ngưỡng/tôn giáo trong gia đình có vai trò ra sao?

- Việc giáo dục tôn giáo còn tùy theo trình độ, nhận thức, đức tin của từng gia đình. Để con cháu có được cái nhìn đúng đắn về tôn giáo, không đơn giản chỉ có giáo dục gia đình mà còn cả giáo dục của nhà trường, xã hội, các đoàn thể chung tay. Chỉ riêng giáo dục trong gia đình thì không thể, bởi nhiều ông bố bà mẹ hiện nay đều rất bận, con cái vì thế mà bị thả lỏng suốt ngày. Nếu có chuyện con cái bị rủ rê, cũng là điều dễ hiểu. 

Điều quan trọng là chúng ta phải củng cố lại, không nên dễ dãi với các quan điểm tôn giáo khác nhau trong xã hội, vì hiện nay những quan điểm này rất phức tạp.

Nhà nước ta “nói không” với tà đạo. Trên thế giới cũng có nhiều quốc gia chống lại tà đạo một cách rất mạnh mẽ.

* Thế giới tồn tại không ít tôn giáo chính thống, nhiều tôn giáo có lịch sử hàng ngàn năm và hướng con người đến chân, thiện, mỹ; nhưng tại sao nhiều tà giáo, dị giáo vẫn có “đất” để tồn tại? Đó có phải là điều tất yếu trong xã hội hiện đại không, thưa bà?

- Chúng không phải là tất yếu của xã hội hiện đại; mà là sản phẩm của một số người có quan niệm lệch lạc lập ra và những người theo nó - thể hiện nhận thức pháp luật chưa cao, không phân biệt được đâu là chính, đâu là tà. Tà giáo, dị giáo rất ít xảy ra trong một xã hội trong sạch, nghiêm minh.

* Liệu áp lực của đời sống hiện đại có là một trong những nguyên nhân “đẩy” người ta đến tà đạo, dị giáo không?

- Đó cũng là một trong những nguyên nhân. Đồng thời cũng biểu hiện cho sự phát triển thiếu cân đối. Tôi nghĩ, nếu kinh tế đi lên, trong khi văn hóa đi xuống sẽ dẫn đến những khủng hoảng xã hội, khủng hoảng văn hóa. 

Hai yếu tố này phải phát triển ngang nhau - văn hóa cần phát triển xứng tầm với phát triển kinh tế thì con người mới có thể hạnh phúc được. Nếu con người giàu có theo tính chất trọc phú thì sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy.

* Cảm ơn giáo sư. 

Uông Ngọc (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI