Gia đình đang cần, chúng tôi về để gây dựng lại sau bão

30/10/2020 - 08:23

PNO - Nhiều người đàn ông của dải đất miền Trung, rời quê đến đất khách mưu sinh, nhưng gầy dựng bao nhiêu, tai ương cứ đến hẹn lại dội xuống, phá sạch. Họ lại trở về trong tất bật, âu lo trước cảnh quê nhà bị thiên tai tàn phá...

Anh đứng dựa vô tường, gương mặt đăm chiêu nhìn vào khoảng không trước mặt. Thỉnh thoảng, anh đưa chiếc điện thoại lên, nhìn vào màn hình, bồn chồn. Vài phút nữa thôi, chuyến xe sẽ lăn bánh đưa anh rời TPHCM về với quê nhà - mảnh đất vừa hứng trọn cuộc quần thảo dữ dội của cơn bão số 9. Nhưng đoạn đường đó hãy còn xa lắm, gần 700 cây số. Anh sốt ruột, muốn gọi cho em gái nhưng điện thoại của em gái lại hết pin, trong khi hai hôm nay, ở quê không có điện.

Những người đàn ông miền Trung xa xứ đang chờ lên xe về làm trách nhiệm của người trụ cột gia đình
Những người đàn ông miền Trung xa xứ đang chờ lên xe về làm trách nhiệm của người trụ cột gia đình

Anh tên Nguyễn Văn Hùng - 23 tuổi, ở huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi. “Bão đánh nát hơn hai mươi miếng fibro xi măng lợp mái nhà. May mà trước bão, mẹ và em gái tôi đã sang nhà người quen trú tránh. Nếu không…” - anh nói như muốn khóc. 

“Thôi con! còn người, còn của” - một người đàn ông lớn tuổi đứng cạnh, vỗ vai anh Hùng an ủi. Anh như lấy lại tinh thần, chất giọng vui hơn: “Dạ, chuyến này con về là để sửa lại nhà cho mẹ và em gái. Có như vậy, lòng con mới thấy an tâm”. 

Ông Nguyễn Văn Tụ - 60 tuổi, ở huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi - cũng sắp lên xe về quê, phụ vợ con dựng lại nhà sau bão. “Nhà tan nát hết, tiền bạc không có để sắm sửa lại. Tôi vét sạch, dư chưa đến năm triệu đồng, nên phải về đứng tên vay ngân hàng sửa nhà” - ông Tụ nói. Ông Tụ kể: “Mấy chục năm đời người, tôi không nhớ hết bao nhiêu lần phải chạy lũ, chống bão, nhưng bão đợt này ghê quá! Nhà tôi chưa từng sập hay bay nóc như đợt này”. 

Như nhiều người đàn ông của dải đất miền Trung, ông Tụ rời quê đến đất khách mưu sinh, nhưng gầy dựng bao nhiêu, tai ương cứ đến hẹn lại dội xuống, phá sạch. “Đi xa, năng nhặt thì chặt bị, chỉ còn cách đó thôi” - ông Tụ đúc kết.

Tôi đến nhà xe Tuấn Tú (tuyến TPHCM - Quảng Ngãi) từ lúc 14g, chứng kiến khách đi xe phần lớn là đàn ông, thanh niên, với vẻ ngoài lam lũ. Chiếc áo họ mặc ngả màu, ống quần xoăn tít, chân mang đôi dép cùn mòn. Họ - những người trụ cột của gia đình - rời quê để tìm đường mưu sinh, rồi lại trở về trong tất bật, âu lo trước cảnh quê nhà bị thiên tai tàn phá. 

Ông chủ nhà xe nói thật: “Đâu có xe mà về. Trong số chú bác đó, nhiều người phải ngồi ghế súp (ghế phụ, nhỏ). Tôi không muốn chở như vậy, nhưng họ năn nỉ quá. Nhiều người phải ở lại, đợi chuyến hôm sau”. Ông nói thêm, chạy xe trong những ngày này vất vả vì gió còn mạnh, nhiều đoạn quốc lộ bị nước tràn. 

Chiều 27/10, ông Trần Ngọc Thuận - 54 tuổi, quê tỉnh Quảng Nam - có mặt ở Bến xe miền Đông. “Không còn vé đi Quảng Nam. Tôi tranh thủ về trước bão để vợ con bớt lo hơn, mình cũng yên tâm. Nhưng, canh suốt ba giờ coi có ai hủy vé để mình mua lại mà không có” - ông Thuận cho hay. Qua hôm sau, ông lại ra bến xe chầu chực. Tối đó, ông nảy ra sáng kiến đi từng chặng, ngồi ghế súp đến Quảng Ngãi rồi đón xe đi tiếp ra Quảng Nam. 

Ông Thuận kể về cơn bão số 9: “Bay vài miếng tôn thôi, nhưng phải về vì đợt lũ trước không về được”. Đoạn, ông trầm tư: “Lũ, bão chồng chất. Mình là đàn ông trụ cột, những lúc như thế này, gia đình cần mình có mặt”. 

Tuyết Dân

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI