Đau thương dồn dập dải đất miền Trung

30/10/2020 - 07:25

PNO - Một lần nữa, huyện Nam Trà My lại gặp họa trời. Cả một ngọn đồi bị san phẳng, biến mất hoàn toàn, nước chảy tứ phía, cuốn trôi và vùi lấp hàng chục người...

Bất lực nhìn đất đá tràn xuống

Cũng khoảng thời gian này năm 2017,  huyện Nam Trà My từng chứng kiến cảnh đau thương của làng Khe Chữ. Khi đó, con số thương vong ít hơn, nhưng đã quá đau thương. Nay, một lần nữa, đất đá đổ xuống và con số thương vong khủng khiếp hơn. 

Lực lượng cứu hộ đưa người bị thương đi cấp cứu - ảnh: đình Dũng
Lực lượng cứu hộ đưa người bị thương đi cấp cứu - Ảnh: Đình Dũng

Ngày 28/10, bão Molave (bão số 9) tràn vào tàn phá từ Quảng Ngãi ra Đà Nẵng. Giữa trưa, núi đồi ụp xuống cuốn bay 11 hộ dân ở thôn 1, xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Ở thôn 6, xã Trà Vân (thuộc huyện Nam Trà My), đất đá cũng tràn xuống vùi lấp 8 người dân. 

Ngay trong đêm, Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã trực tiếp chỉ đạo, lên phương án ứng cứu những người đang gặp nạn. Rạng sáng 29/10, lực lượng của Trung đoàn 885 (Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam) mở đường vào xã Trà Leng. Quốc lộ 40B là tuyến đường huyết mạch để đi từ huyện Bắc Trà My qua huyện Nam Trà My. Ngoài ra, đường thủy và đường không gần như không thể tiếp cận được hiện trường vụ sạt lở. 

Từ phía Tây Nguyên xuống, tuyến đường qua huyện Phước Sơn đến huyện Nam Trà My đã bị sạt lở, chia cắt. Thôn 3, xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn cũng chịu cảnh tang thương khi vào chiều tối 28/10, một trận sạt lở đất đã vùi lấp 11 người dân.

Huy động tất cả phương tiện và nhân lực, đến trưa 29/10, Trung đoàn 885 đã mở đường vào đến ngã ba Trà Dơn ngay cầu Trà Leng, cách hiện trường vụ sạt lở khoảng 10km, đến khoảng 14g ngày 29/10 bắt đầu tiếp cận được hiện trường.
Cảnh kinh hoàng của vụ sạt lở khiến những người chứng kiến không khỏi rùng mình. Cả một ngọn đồi bị san phẳng, biến mất hoàn toàn, nước chảy tứ phía.

Theo trí nhớ của anh Hồ Văn Việt (29 tuổi), chiều 28/10, mưa như trút nước, rồi bỗng nghe tiếng đất cựa mình tanh tách, nổ lớn và nước tung trắng xóa. Cả 11 hộ dân của nóc ông Đông biến mất, chẳng biết ai còn, ai mất. “Mưa to lắm, không nhìn thấy gì ngoài một màu trắng xóa. Thấy đó mà cũng không làm gì được, chạy cũng chẳng biết chạy về đâu. Bốn phía đất đổ xuống, che lấp cả” - anh Việt nhớ lại.

Mong điều kỳ diệu tiếp diễn

Khi đưa ra con số người mất tích, chẳng ai dám nghĩ đến việc họ sẽ còn sống, như trong những vụ sạt lở núi trước đây. Ngay cả người lạc quan nhất cũng không thể nghĩ có nhiều người còn sống vậy. Đó là điều kỳ diệu. Tính đến 15g ngày 29/10, lực lượng cứu hộ đã tìm được 33 người còn sống trong vụ mất tích, 6 người đã mất. Hiện lực lượng cứu nạn vẫn đang tìm 14 người mất tích. 

Các chiến sĩ quân y đang sơ cứu cho bé Hồ Hà My (một trong hai con gái của chị Hà may mắn thoát chết) ẢNH: NGUYỄN DƯƠNG
Các chiến sĩ quân y đang sơ cứu cho bé Hồ Hà My (một trong hai con gái của chị Hà may mắn thoát chết) - Ảnh: Nguyễn Dương

Thoát chết may mắn sau thảm nạn, anh Đinh Văn Thượng - công nhân làm việc tại một công trình gần trung tâm xã Trà Leng - cắt rừng, lần mò gần 1 ngày đường mới ra được Quốc lộ 40B nhờ cứu trợ. Thượng run lẩy bẩy: “Khoảng 12g đến 14g ngày 28/10, bọn em đang ngủ thì nghe ầm ầm, đất đá trôi từ đâu xuống hất bay cả ngôi nhà lớn. Năm người may mắn thoát chết nhờ nước và đất đẩy trôi, nhưng nhiều người bị vùi lấp”.

Tại đây, một nhóm người thoát chết, trọng thương, được dân làng băng rừng cáng ra, đưa đi cấp cứu. Đó là những người trong gia đình chị Hồ Thị Hà - ở thôn 1, xã Trà Leng. Ngay lập tức, quân y đã sơ cứu và điều động xe cứu thương chở về Trung tâm Y tế huyện Bắc Trà My chữa trị.

Ôm đứa con gái út với máu me bê bết trên mặt, chị Hà không còn sức để khóc. Ở góc ngoài kia, quân y đang băng bó và sơ cứu cho mẹ, em gái và con gái đầu của chị. Lúc gặp được bộ đội và mọi người, Hà còn ngẩn ngơ: “Nhà trôi sạch hết rồi, giấy tờ mất hết, không biết được chữa trị không”. Bộ đội và mọi người không cầm được lòng. “Cố gắng lên, yên tâm, mọi người sẽ được cứu chữa nhanh nhất” - một chiến sĩ quân y nói.

Chị Hà kể không còn rõ tiếng: “Nhà ba em đang làm lại. Hôm đó, em gửi hai đứa con gái ở nhà ba mẹ. Đến khoảng đầu giờ chiều, mưa gió tơi bời, nghe tiếng đất đá chảy ào ào, mọi người la thất thanh. Mẹ em bị thương, chạy ra ngoài kêu cứu, ba em bị tủ đè không thoát kịp, vùi lấp ngay tại chỗ. Những người còn lại bị thương và đất đẩy văng ra xa”.

Bên ngoài, tiếng xe cứu thương lội bùn chạy lên kêu inh ỏi. Giữa đường lộ là nơi duy nhất còn khô ráo, rộng rãi để đặt cáng sơ cứu các nạn nhân. Bé Hồ Hà My - con gái chị Hà - bị gãy đùi trái và nhiều vết thương khắp người, khóc khản tiếng khi bác sĩ nẹp cố định lại chân. “Ma, ma, đau…” - em bé M’Nông ré lên đau đớn, nắm chặt tay mẹ. “Hôm qua đến giờ, mấy người đau không ăn được gì, người làng thỉnh thoảng đút cho ít nước cầm hơi rồi băng rừng vượt ra ngoài này để đi cứu chữa” - chị Hà mếu máo. 

Mẹ con chị Hà chưa hết bàng hoàng sau khi được đưa đến nơi an toàn - ảnh: Đ.D.
Mẹ con chị Hà chưa hết bàng hoàng sau khi được đưa đến nơi an toàn - Ảnh: Đ.D.

Len trong những chuyến xe công vụ, một người đàn ông hớt hải chạy xe máy 100km từ dưới xuôi lên Trà Leng để tìm người thân. Ông Phạm Phương - ở thôn 10, xã Tam Thành, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam - cho biết: “Sáng 29/10, khi biết tin, tôi vội phóng xe chạy lên Trà Leng tìm vợ, sáng đến giờ chưa kịp ăn uống gì mà đường sá sạt lở khắp nơi, chưa vào được”.

Vợ ông là bà Đỗ Thị Danh, 44 tuổi. Ông Phương và bà Danh mở quán bán tạp hóa ở thôn 1, xã Trà Leng. Do bão số 9 nên bà Danh ở lại trông coi quán, ông phải về chống bão ở quê nhà. “Vợ chồng tôi gọi cuộc điện thoại cuối vào trưa 28/10, trước khi bão số 9 đổ bộ. Sau đó, tôi đã thử nhiều cách nhưng không liên lạc được. Tôi chỉ nghĩ bão làm mất điện nhưng sáng nay đọc báo, mới biết chuyện dữ” - ông bật khóc.

Ông Hồ Quang Bửu - có gần 10 năm làm Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My - cho biết: “Sau vụ sạt lở đất vùi lấp làng Khe Chữ, xã Trà Vân, UBND huyện đã có cả một đề án sắp xếp dân cư trên toàn huyện. Nhưng ở đây là lũ ống, lũ quét, không thể lường trước được. Mưa quá lớn. Giờ chỉ mong những người còn lại vẫn sống sót”.

Điều kỳ diệu đã đến với 33 người. Dù mong manh, nhưng hy vọng rằng nó sẽ tiếp tục đến với 14 người vẫn đang mất tích. 

Rừng thưa, mưa nhiều là nguyên nhân gây sạt lở đất đá ở miền Trung

Miền trung có đặc điểm địa hình miền núi phía tây, đồng bằng phía đông, nhưng khoảng cách từ tây sang đông lại hẹp, trong khi độ chênh cao lớn nên độ dốc địa hình và sông suối cao. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng làm cho hiện tượng trượt lở sườn dốc xảy ra phổ biến và dòng lũ chảy xiếc, tốc độ truyền lũ từ thượng nguồn về hạ du lớn. Đối với trượt lở sườn đồi thì yếu tố độ cao địa hình, lớp phủ thực vật (thực vật lâu năm có rễ bám sâu) và lượng mưa là những yếu tố quan trọng, địa hình càng dốc, rừng thưa, mưa càng nhiều sẽ gia tăng tai biến trượt lở.

Tuy nhiên, nói chung vùng đồi núi phía tây thường có hoạt động kiến tạo hiện đại phát triển (rõ nhất là động đất) và phân cắt địa hình mạnh, ngoài ra đá gốc gồm những đá trầm tích và trầm tích biến chất mạnh sẽ có đặc điểm uốn nếp mạnh. Đá gốc dễ phong hóa sẽ tạo ra lớp vỏ phong hóa dày nên khi trượt xảy ra sẽ có quy mô lớn hơn. Việc xảy ra trượt lở như thời gian vừa qua thì không thể khẳng định là do xây dựng thủy điện hay không, vì như chúng ta thấy, trượt lở có thể bất cứ đâu và gần đây nhất là xảy ra trượt khối rất lớn khu vực cửa khẩu Cha Lo - Quảng Bình (không xây dựng thủy điện).

Tóm lại, về nguyên nhận sạt lở xảy ra liên tục trong thời gian vừa qua có thể do lượng mưa tập trung quá lớn và kéo dài, trong khi trước thời gian mưa khu vực này chịu thời gian khô hạn kéo dài, khi mưa sẽ dẫn đến hấp thu nước nhiều, làm tăng khối lượng thể tích của đất nhưng lại giảm độ bền dẫn đến trượt.

Hiện nay, dân cư tập trung cụm điểm nên rất khó quy hoạch. Ngay cả các nước phát triển như Nhật Bản vẫn phải chịu ảnh hưởng của các loại tại biến này. Giải pháp hiệu quả nhất, như các nước đã làm như Đài Loan, là cài đặt các hệ thống cảnh báo sớm và cảnh báo dạng realtime. Tuy nhiên, giải pháp này chi phí mua sắm và bão dưỡng rất đắt đỏ, chỉ phù hợp cho những nước có diện tích nhỏ và kinh tế phát triển như Đài Loan. Việc sống chung với tai biến địa chất này gần như là không thể.

Hồ Ngọc Minh (ghi nhận theo ý kiến một nhà nghiên cứu địa chất học miền Trung)

 

Tối 28/10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có công điện yêu cầu khẩn trương cứu hộ, cứu nạn những người bị vùi lấp.

Trong đêm, các ngành chức năng đã họp khẩn bàn phương án cứu nạn. Rạng sáng 29/10, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã cùng lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Quân khu 5 và Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Nam đến kiểm tra, chỉ đạo công tác tìm kiếm cứu nạn các nạn nhân bị sạt lở ở huyện Nam Trà My. Ông Phan Việt Cường - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - yêu cầu chính quyền huyện Nam Trà My nhanh chóng đưa lực lượng cơ động tại chỗ của địa phương vào trước và sớm nhất có thể, huyện Bắc Trà My tiếp tục hỗ trợ Quân khu 5 khai thông đường, hỗ trợ lực lượng cơ động cho Nam Trà My; bằng mọi giá, phải tìm kiếm, cứu người càng sớm càng tốt khi thời tiết còn nắng ráo.

Lê Đình Dũng - Nguyễn Dương

 

 

 

 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI