Người dân, tiểu thương "thấy mưa là sợ"
Sau cơn mưa, chợ Thủ Đức biến thành “chợ nổi”. Nước tràn vào khắp nơi, len lỏi mọi ngóc ngách. Tiểu thương bất lực nhìn hàng hóa bị nước liếm, nước vồ; đồ đạc trôi theo dòng nước. Tình trạng ấy đã quá quen từ nhiều năm qua. Đáng nói là hệ thống thoát nước tại khu vực chợ vừa được đầu tư hơn 248 tỉ đồng và mới hoàn tất chưa đầy 1 năm.
Bà Hồng Chi - tiểu thương tại chợ Thủ Đức - chia sẻ: “Năm nào cũng ngập, nhưng cơn mưa ngày 10/5 vừa qua là ngập nặng nhất. Tủ lạnh, tủ đông bị nước tràn vào, hư hết. Nước ngập đến đầu gối, tràn vào nhà. Nhiều người sợ chập điện, phải trèo lên kệ hàng hoặc đứng trên ghế cao, không dám lội trong nước. Riết rồi, cứ thấy mây đen kéo đến là cả chợ lại nháo nhào gom hàng đối phó với mưa. Chỉ 20 phút mưa lớn là con đường trước chợ thành sông, nước ngập đến yên xe máy. Xe buýt, xe tải chạy ngang qua, sóng nước đập vào sạp, cuốn theo hàng hóa, làm ướt hết cả”.
Chị Ngọc Đào - chủ sạp vải - than thở: “Cứ mưa là nước nhanh chóng dâng lên quá đầu gối, tới cả đùi. Vải vóc rơi xuống phơi cả tuần không khô. Buôn bán thế này thì lỗ nặng”.
Bà con sống trên các tuyến đường lân cận khu chợ Thủ Đức như Kha Vạn Cân, Lê Văn Ninh, Tô Ngọc Vân cũng chung số phận. Chỉ sau vài phút mưa lớn là nắp cống bật tung, nước trào lên kéo theo rác lềnh bềnh. Để ngăn nước, chống ngập, người dân phải kê cao đồ đạc, dùng bao tải chèn ngạch cửa. Ai không kịp về nhà là không thể về.
Chị Nguyễn Trần Phương Vy (ngụ Thủ Đức) cho biết, đến mùa mưa là chị phải để sẵn 1 bộ quần áo ở cơ quan hoặc trong xe để sử dụng khi cần. Hễ thấy mây đen kéo đến là lòng thấp thỏm, lo cho quãng đường về nhà. “Ba mẹ tôi khuyên, mưa thì cứ ngủ lại cơ quan cho an toàn. Sống giữa thành phố mà phải tìm chỗ ngủ nhờ chỉ vì trời mưa!” - chị Vy ngao ngán.
Sau cơn mưa lớn chiều 10/5 vừa qua, mọi thứ đồ đạc như tủ lạnh, bàn ghế... trong nhà bà Như Mai (đường Võ Văn Ngân, phường Trường Thọ) lại được đưa lên những bệ gạch hoặc kệ kim loại. Bà Mai thở dài: “Cả nhà lúc nào cũng trong tình trạng sẵn sàng kê đồ chạy lũ. Chúng tôi đã nâng nền nhà lên nhiều lần để tránh ngập, nhưng mọi nỗ lực đều bất thành”.
Trên đường Kha Vạn Cân (đoạn phường Linh Tây), cứ trời mưa là xe máy té ngã xuống đường. Nhiều xe chết máy, phải đẩy cả trăm mét mới ra khỏi dòng nước. Ông Lê Văn Minh - một cư dân - cho hay, trận mưa gần đây khiến người dân bất lực. Lực lượng dân quân đã được điều động ra hỗ trợ người dân đi lại trong mưa nhưng chỉ là giải pháp tạm thời. Dân mong chờ một giải pháp bền vững hơn.
 |
Cơn mưa đầu mùa vào sáng 10/5 vừa qua khiến khu vực chợ Thủ Đức bị ngập nặng |
Cần các giải pháp đồng bộ
Ông Võ Phan Ninh - chuyên viên Sở Xây dựng TPHCM - cho rằng, việc giải quyết tình trạng ngập úng tại khu vực chợ Thủ Đức cần phân biệt đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và trang bị thiết bị kỹ thuật. Theo ông, trong ngắn hạn, việc sử dụng máy bơm nước là cần thiết để giảm ngập. Nhưng đây chỉ là giải pháp tạm thời, đối phó.
Về lâu dài, thành phố cần tập trung đầu tư xây dựng cơ bản, đặc biệt là hệ thống hồ điều tiết, cải tạo cống thoát nước, đồng thời hạn chế quá trình bê tông hóa đô thị.
Ông Võ Phan Ninh chỉ ra nguyên nhân sâu xa dẫn đến ngập lụt hiện nay là do quá trình đô thị hóa mạnh mẽ, thiếu tính toán khoa học, làm giảm diện tích thấm nước tự nhiên, khiến nước mưa chảy tràn trên bề mặt, gây quá tải cho hệ thống cống vốn đã xuống cấp hoặc bị rác thải che lấp.
Nguyên nhân khác là hệ thống thoát nước hiện nay phụ thuộc vào miệng hố ga. Nếu hố ga bố trí không hợp lý, ít hoặc bị tắc nghẽn, sẽ làm việc tiêu thoát nước chậm và gây ngập. Do đó, cần đồng bộ hóa từ hạ tầng kỹ thuật đến ý thức cộng đồng.
Các công trình xây dựng mới phải dành diện tích tối thiểu cho thoát nước bề mặt, hạn chế bê tông hóa toàn bộ khuôn viên. Mỗi công trình cần có sân, vườn hoặc mảng xanh tự nhiên để nước mưa có thể thấm xuống đất, từ đó giảm áp lực cho hệ thống thoát nước công cộng.
Ông Võ Phan Ninh đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của các hồ điều tiết trong quy hoạch đô thị hiện đại. Đây là giải pháp căn cơ giúp thu gom nước mưa, giảm tải cho sông, rạch vốn ngày càng bị lấn chiếm nghiêm trọng. Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp giữa cơ quan chức năng và người dân trong việc gìn giữ, không lấp kênh rạch, không xả rác làm tắc nghẽn dòng chảy.
Theo ông Nguyễn Quang Chi - Phó phòng Giao thông công chánh, UBND TP Thủ Đức - khu vực chợ Thủ Đức tiếp tục đối mặt với nguy cơ ngập nặng trong mùa mưa năm nay. Nguyên nhân chính là do địa hình trũng thấp, hệ thống thoát nước quá tải và nhiều điểm “thắt cổ chai” nghiêm trọng.
Cụ thể, chợ Thủ Đức nằm ở vị trí lòng chảo, đón nước lớn từ nhiều hướng: phía bắc là đường Hoàng Diệu, Kha Vạn Cân; phía tây bắc từ tỉnh Bình Dương theo đường sắt Bắc - Nam và Phạm Văn Đồng; phía đông từ ngã tư Thủ Đức theo đường Võ Văn Ngân đổ về, thoát qua rạch Cầu Ngang và rạch Thủ Đức.
Tuy nhiên, khu vực Cầu Ngang (nút giao đường Kha Vạn Cân với rạch Cầu Ngang) chỉ rộng 5,3m, gây nghẽn dòng chảy, nước không thoát kịp, dẫn đến ngập nặng. Bên cạnh đó, quá trình đô thị hóa, bê tông hóa khiến bề mặt đất mất khả năng thấm nước, gây quá tải hệ thống thoát nước hiện hữu. Ngoài ra, biến đổi khí hậu, El Nino và mực nước biển dâng cũng khiến tình trạng ngập nghiêm trọng hơn, đặc biệt là mưa lớn trùng với triều cường.
Trong bối cảnh đó, TP Thủ Đức đã triển khai nhiều giải pháp cấp bách. Theo đó, các phường Linh Tây, Trường Thọ, Linh Đông, Linh Chiểu đã tăng cường lực lượng xung kích phòng chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ, 3 sẵn sàng”, chủ động xử lý các điểm ngập, hướng dẫn người dân lưu thông khi có mưa lớn, hỗ trợ khi nhà dân bị ngập.
Lực lượng này phối hợp với Thanh tra Xây dựng TP Thủ Đức tăng cường kiểm tra, xử lý các công trình lấn chiếm kênh rạch, cửa xả, miệng hố ga và hệ thống thủy lợi trên địa bàn.
Trung tâm Phát triển hạ tầng kỹ thuật TP Thủ Đức cũng chỉ đạo đội phản ứng nhanh xử lý ngập gồm 3 tổ với 3 máy bơm, phối hợp bơm nước, vớt rác để tăng khả năng thoát nước tại các tuyến đường Dương Văn Cam, Đặng Thị Rành, Kha Vạn Cân, hẻm 17 và 57 Dương Văn Cam. Đồng thời, các đơn vị cũng vận hành cống ngăn triều rạch Thủ Đức theo quy trình giúp giảm ngập.
Trong dài hạn, UBND TP Thủ Đức cho biết, hiện dự án cải tạo hệ thống thoát nước khu vực chợ Thủ Đức (trên các tuyến Dương Văn Cam, Đặng Thị Rành, Kha Vạn Cân, Hồ Văn Tư) đang trong quá trình đấu thầu, dự kiến thi công trong quý IV/2025.
Dự án xây dựng mới cống Rạch Cầu Ngang đang thi công đóng cọc thử, dự kiến hoàn thành vào tháng 9/2025. Các dự án nâng cấp mặt đường và hẻm tại khu vực Tâm Tâm Xã cũng đang chuẩn bị đấu thầu, dự kiến khởi công tháng 7 và hoàn thành trong tháng 10/2025.
Đề xuất hơn 5.000 tỉ đồng chống ngập căn cơ Đặc biệt, để giải quyết căn cơ tình trạng ngập úng tại chợ Thủ Đức, TP Thủ Đức đề xuất UBND TPHCM phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng hệ thống thoát nước theo mương Ngọc Thủy (phường Trường Thọ) với tổng kinh phí khoảng 85,7 tỉ đồng, nhằm san sẻ lưu vực đường Võ Văn Ngân, thoát nước ra rạch Nhà Trà và rạch Thủ Đức. TP Thủ Đức cũng kiến nghị Sở Xây dựng sớm lập báo cáo đề xuất chủ trương dự án xây dựng kè, cải tạo, nạo vét rạch Thủ Đức và xây trạm bơm công suất 120.000m³/giờ (đoạn từ Cầu Ngang đến sông Sài Gòn) với kinh phí ước tính hơn 5.173 tỉ đồng nhằm giảm tải lưu lượng nước và cải thiện tiêu thoát nước cho toàn khu vực. |
Thanh Tâm