Gạo giả bán ra thị trường ngày càng phức tạp

10/12/2024 - 16:35

PNO - Từ năm 2023 đến 4 tháng đầu năm 2024, Tổng cục Quản lý thị trường tổ chức 57 vụ kiểm tra, kiểm soát mặt hàng gạo trên thị trường, trong đó có 49 vụ xử lý vi phạm về hàng giả, vi phạm về sở hữu trí tuệ với số tiền xử phạt trên 529 triệu đồng; tổng trị giá hàng tịch thu, tiêu hủy hơn 1,825 tỉ đồng.

Thông tin được ông Nguyễn Thành Nam - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) đưa ra tại hội thảo “Xây dựng thương hiệu quốc gia cho gạo Việt” do Báo Tuổi Trẻ, Bộ NN-PTNT và UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức vào chiều 10/12 tại tỉnh Sóc Trăng.

Ông Nguyễn Thành Nam - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) chia sẻ tại hội thảo “Xây dựng thương hiệu quốc gia cho gạo Việt” - Ảnh: Nhã Chân
Ông Nguyễn Thành Nam - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) tại hội thảo “Xây dựng thương hiệu quốc gia cho gạo Việt” - Ảnh: Nhã Chân

Theo ông Nam, với mục đích trục lợi, các đối tượng vi phạm đã lợi dụng thị hiếu tiêu dùng của người dân, mức độ tự bảo vệ của doanh nghiệp còn thấp để làm giả, làm nhái các sản phẩm hàng hóa có thương hiệu nổi tiếng, được người tiêu dùng ưa chuộng, trong đó có mặt hàng gạo.

Trong đó phổ biến là các hành vi giả mạo bao bì hàng hóa, xâm phạm về sở hữu trí tuệ. Cụ thể, các đối tượng đặt in các bao bì hàng hóa vi phạm, thu mua các sản phẩm gạo rẻ hơn, chất lượng kém hơn về tự đóng bao và bán cho người tiêu dùng.

Gạo ông Cua là loại gạo nổi tiếng thường bị các đối tượng giả mạo để trục lợi - Ảnh: Nhã Chân
Gạo ông Cua là thương hiệu gạo nổi tiếng thường bị các đối tượng giả mạo để trục lợi - Ảnh: Nhã Chân

Phần lớn các vi phạm được phát hiện tại các hộ kinh doanh, cá nhân tự phát tại những chợ, cửa hàng, tiệm tạp hóa nhỏ lẻ với các công cụ khá thô sơ.

Trên các sàn thương mại điện tử có vô số cửa hàng trực tuyến rao bán nhiều loại gạo có thương hiệu với mức giá khác nhau khiến người tiêu dùng gặp khó khăn trong việc phân biệt hàng thật - hàng giả, cũng như lựa chọn được sản phẩm gạo đảm bảo chất lượng.

Ông Nguyễn Thành Nam - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) nhấn mạnh: “Những vi phạm của các đối tượng gây ảnh hưởng uy tín cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính, khiến họ mất đi khách hàng, sụt giảm doanh thu. Từ đó, nhu cầu nhập hàng của doanh nghiệp sẽ giảm, kéo theo giá gạo giảm sút. Người nông dân cũng bị ảnh hưởng vì giá bán thấp không cân xứng với sức lao động bỏ ra. Nghiêm trọng hơn có thể ảnh hướng đến cả nền kinh tế ngành gạo, uy tín của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế”.

Nhã Chân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI