"Forgotten": Ký ức nào đáng bị lãng quên

07/07/2020 - 18:32

PNO - Dưới lớp vỏ ngoài của câu chuyện kỳ dị về mối quan hệ anh em, bộ phim "Forgotten" ẩn tàng một câu hỏi lớn của đời người nếu phải liên quan đến bí mật tối ám nào đó.

Như bao nhiêu câu chuyện thương tâm xảy ra dưới vòm trời này, trước khi tội ác đổ ập xuống những người liên quan trong cuộc, người ta vẫn có thể có những ngày thanh bình đẹp trời.

Khi kẻ sát nhân mắc chứng rối loạn quên phân ly và kế hoạch phục hồi vùng ký ức đã mất

Forgotten (tựa Việt: Đêm ức) mở đầu bằng khung cảnh gia đình sum vầy hữu tình, cho dẫu bối cảnh dẫn dắt là cuộc chuyển nhà để các nhân vật trong câu chuyện cùng chính thức bước vào một căn nhà có phần tối ám.

Chàng trai trẻ Jin-seok (Kang Ha-neul thủ vai) cùng người anh trai hiền hòa và luôn bao dung của mình, Yoo-seok (Kim Mu-yeol thủ vai), những tưởng có thể bắt đầu một cuộc sống tươi đẹp trong ngôi nhà mới, hạnh phúc cùng cha mẹ. Và tất nhiên, trong giao ước giữa họ sẽ phải có… một căn phòng bí mật ở ngôi nhà mới, từ chủ cũ để lại, sẽ luôn là căn phòng bất khả xâm phạm với cánh cửa đóng kín.

Mô-típ tưởng chừng khá quen thuộc này của Forgotten vốn dĩ sẽ góp phần “đẩy lưng” người xem một cách nửa phấn khích nửa sợ hãi, trong tình thế bị dẫn dụ “dắt chân” của thứ không khí kỳ bí siêu nhiên, vốn dĩ luôn là đặc trưng của loại căn-phòng-giao-ước kiểu vậy.

Quả nhiên, người em trai bắt đầu có những cơn ác mộng mang tính tâm linh trong đêm đầu tiên ở ngôi nhà mới, với “bóng đè” đến từ phía sau cánh cửa căn phòng bí mật. Thế nhưng, câu chuyện tiếp nối đã nhanh chóng mở sang bước ngoặt mới, không dừng lại theo kiểu con người bắt đầu phải đấu chiến với một “hồn ma” nào đó. Bởi nhân vật còn có một chiến cuộc khác đang thực sự chờ mình, dù vẫn là trong bóng đêm mỗi tối nhưng bằng cảm giác thật hơn cả sự thật.

Đó là khi người em trai phát hiện ra anh trai mình không có vẻ gì còn là người anh trai mình từng biết xưa nay, thậm chí, mẹ mình cũng không còn chắc đó là mẹ mình khi có các biểu hiện rất đáng ngờ, ngay trong chính ngôi nhà của gia đình.

Chỉ khi Jin-seok quyết định bỏ trốn khỏi nhà, vượt thoát khỏi sự truy đuổi của chính “người nhà” và cầu viện sự hỗ trợ của cảnh sát, anh mới bàng hoàng nhận ra mình cũng chưa hẳn là mình - chàng trai 21 tuổi không hề có tên trong hồ sơ lưu của cảnh sát. Chính xác hơn, với cái tên của mình thì Jin-seok phải là một người đàn ông trung niên, đang ở độ tuổi 41. Và thời gian mà anh đang hiện hữu ở hiện tại chính là năm 2017, không phải năm 1997 như anh vẫn nghĩ.

Màn hình ti vi trong thì hiện tại trước mặt Jin-seok đang phát bản tin lãnh đạo Hàn quốc Moon Jae-in phát biểu cùng Donald Trump - người đã chính thức nhậm chức Tổng thống Mỹ từ 20/1/2017. Sự thật hiển nhiên sờ sờ trước mắt Jin-seok.

Đây là một câu chuyện “xuyên không” chăng?

Không hẳn vậy, dù rằng bản chất vấn đề liên quan là có, với quan hệ kết nối là vô cùng mật thiết. 

Jin-seok quyết tâm trở lại ngôi nhà như thể có “ma ám” kia, sẵn sàng đối đầu với những người từng là gia-đình-của-mình, trước đó, để truy cầu sự thật của đời vừa “giăng bẫy” anh theo cách không hình dung. Nghiệt ngã là sự thật mà anh buộc phải đối diện từ lời kể của “người anh trai Yoo-seok” lại chính là thứ sự thật mà anh đã biết từ… 20 năm trước, nhưng lại tự mình xóa toàn bộ ký ức liên quan trong đầu.

Đạo diễn kiêm biên kịch Jang Hang-Jun đã lấy cảm hứng từ truyện dân gian Bluebeard kinh điển của Pháp (tiếng Pháp là Barbe-bleue), vốn từng nhiều lần được thể hiện dưới dạng opera và ca khúc trong âm nhạc; các vở ballet trong nhà hát; trong thơ ca và trong phim.

Câu chuyện phim còn được đặt để lồng ghép trong bối cảnh của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997. Vào thời điểm khủng hoảng bùng phát, Hàn Quốc có gánh nặng nợ nước ngoài khổng lồ. Chính phủ và người dân Hàn Quốc phải thắt lưng buộc bụng, sống khắc khổ gần như ở mức tận đáy kinh tế. Thân phận con người cũng được dịp phơi lộ trong bối cảnh.

Phải! Jin-seok đã tự xóa ký ức của chính mình, với riêng đoạn đời ấy. Bởi đó cũng chính là đoạn đời tội lỗi mà anh vừa hữu ý lẫn vô tình vướng vào, ngoài tầm kiểm soát.

Cột mốc đỉnh điểm của tội lỗi mà Jin-seok lâm cảnh trở thành kẻ thủ ác là vào đêm 20/12/1997 (20 năm trước của câu chuyện đang diễn ra vào năm 2017). Có một gia đình đã bị sát hại ngay trong nhà của họ ở ngoại ô Seoul.

Nhưng, kẻ thủ ác Jin-seok không còn bất kỳ ký ức nào liên quan đến việc đã xảy ra trong quá khứ. Hung thủ đã mắc chứng Rối loạn quên phân ly (dissociative amnesia).

Trong y văn Tâm thần học, “phân ly” được xem là một cơ chế bảo vệ vô thức cơ thể khỏi bị tổn thương. Họ không thể nhớ về địa điểm, hoàn cảnh, những gì đã xảy ra trong ngày bi kịch nào đó. Đây chính là cách cơ thể tự bảo vệ mình khỏi những thương tổn quá lớn. Thông thường, rối loạn này hay gặp ở những người bị sang chấn tâm lý, sau khi trải qua một chuyện thương tâm cực độ.  

Ký ức nào đáng bị lãng quên?

Nhóm điều tra của gia đình nạn nhân lên kế hoạch phục hồi phần ký ức sát nhân của hung thủ. Đó cũng là nền tảng khởi phát của câu chuyện phim Forgotten. Tuy nhiên, hệ lụy thứ phát của sự thật trong câu chuyện mới chính là thứ khiến người trong cuộc phải đớn đau nhất, về ký ức mình từng có trong đời, bất kể đó là hung thủ hay nạn nhân.

Bởi, khi sự thật bắt đầu phát lộ, đó có lẽ là thứ ký ức đáng sợ nhất với từng người trong cuộc. Thậm chí, đó cũng chính là thứ ký ức đáng quên nhất. Ngặt nỗi, khó ai liên quan lại có thể dễ dàng quên hoặc chấp nhận quên, nếu không vô thức bị mắc chứng rối loạn quên phân ly - như nhân vật chính từng vướng phải. Và thứ ký ức ấy xem ra mới chính là “hung khí” sắc bén nhất, đồng thời là nguyên cớ “chết người” nhất, tạo nên một kết thúc bi thiết cho từng người trong cuộc và người-trong-nhà, ngay khi sự thật của quá khứ được tìm ra.

Đó là một vụ án mạng của loại tội-ác-hồn-nhiên mà kẻ giết người làm theo đơn đặt hàng, dù chẳng phải sát thủ chuyên nghiệp. Một tình thế chẳng đặng dừng của việc ngộ sát, dẫu sao cũng đã làm tan cửa nát nhà với một mái ấm gia đình từng có. Và làm biến đổi cuộc đời của từng người trong cuộc theo cách biến dạng vĩnh viễn.

Hẳn nhiên, chẳng có ký ức nào đáng bị lãng quên hoặc được quyền quên lãng, với người trong cuộc, nhất là khi liên quan mật thiết đến sự thật về thân phận con người “có những niềm riêng làm sao nói hết…”. Vấn đề là người ta phải và nên đối diện ra sao với thứ ký ức không mong muốn trong đời, nơi ngõ cụt?

Sau khi phát hành tại Hàn Quốc, Forgotten được phát hành với tên Night of memory trên hệ thống xem phim trực tuyến của Netflix, tại 190 quốc gia. Phim cũng được Nhật Bản làm lại (remake).

Trailer phim Forgotten: 

 

 Phước Châu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI