Ém thông tin nguồn gốc để giấu chất lượng thịt nhập

16/11/2016 - 07:02

PNO - Hiện rất khó để truy xuất nguồn gốc của nhiều loại thịt nhập khẩu bán trên thị trường. Những sản phẩm này được bán với giá rẻ đôi khi là do thời gian lưu kho quá lâu, cận date, kém chất lượng...

Các ngành chức năng của TP.HCM đang triển khai nhiều biện pháp để truy xuất được nguồn gốc thịt heo nhằm giúp người tiêu dùng biết được miếng thịt mình mua xuất phát từ trại nào, đưa về đâu giết mổ, đồng thời giúp cơ quan chức năng kiểm soát được chất lượng thịt trên thị trường.

Tuy nhiên, với các sản phẩm thịt nhập khẩu, người tiêu dùng gần như không thể biết được nguồn gốc của chúng, ngoài lượng thông tin ít ỏi trên nhãn phụ bằng tiếng Việt dán ở bao bì sản phẩm.

Em thong tin nguon goc de giau chat luong thit nhap
Ảnh: Phùng Huy

Tại cửa hàng M.S. chuyên bán thịt nhập khẩu trên đường Hoàng Hoa Thám (Q.Tân Bình), thịt bò từ Úc, Mỹ, thịt heo từ Tây Ban Nha, Đức… được chia nhỏ thành từng bịch, trọng lượng trung bình 200g và được làm lạnh; trên bao bì, ngoài tên sản phẩm, xuất xứ, ngày sản xuất, quy định bảo quản, nhà sản xuất, nhà nhập khẩu, không có thêm mã vạch hay yếu tố nào để có thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm bằng điện thoại hay các phần mềm đọc mã vạch.

Khi được hỏi, sản phẩm không có mã sao biết hàng nhập từ đâu, nhân viên bán hàng cho biết, mã vạch thường chỉ in trên thùng lớn tại kho, khi ra đến cửa hàng, sản phẩm đã được chia nhỏ để bán nên chỉ cần nhãn phụ bằng tiếng Việt.

Trước khi tìm đến các đầu mối bán sỉ thịt nhập khẩu các loại trên quốc lộ 50, xã Bình Hưng, H.Bình Chánh, chúng tôi cài một số phần mềm nhận diện mã vạch bằng điện thoại thông minh.

Quét thử phần mã vạch trên những thùng carton đựng thịt gà, trâu… nhập khẩu, một số cho kết quả nhưng chỉ là những thông tin chung chung như quốc gia xuất xứ, ngày sản xuất, nhà sản xuất, còn những thông tin sâu hơn về nguồn gốc như vùng nuôi, giống vật nuôi, quá trình nuôi, giết mổ, nơi giết mổ, đóng gói, quá trình vận chuyển… thì hoàn toàn không có.

Những người bán hàng ở đây cho biết, các thông tin này đáp ứng yêu cầu khai báo hải quan, khi nhập về vẫn còn nguyên đai, nguyên kiện và chưa có khách hàng nào yêu cầu thông tin chi tiết hơn về nguồn gốc sản phẩm.

Ngay cả với những siêu thị lớn, những loại thịt nhập khẩu như cừu, bò, heo, gà… cũng trong tình trạng như trên: thịt nhập khẩu từ Mỹ, Úc hay New Zealand được đựng trong những bịch hút chân không, cũng chỉ có hai nhãn, một nhãn cung cấp thông tin sản phẩm, một nhãn in mã vạch quản lý của cửa hàng hay siêu thị để phục vụ việc tính tiền và không thể biết kỹ hơn về sản phẩm.

Ông Đ.N.T., một nhà nhập khẩu thịt lớn tại Q.Gò Vấp cho hay, thông thường, các loại thịt nhập được đóng trong thùng carton với khối lượng lớn, chẳng hạn như thịt gà, thịt trâu mỗi thùng trung bình từ 18-21kg và chỉ khách hàng sỉ (tiểu thương, quán ăn, cửa hàng) mới lấy nguyên thùng. Trong khi đó, đa phần khách mua lẻ với khối lượng vài lạng đến một vài ký nên sản phẩm sau khi nhập khẩu thường được chia nhỏ ra để bán lẻ.

Em thong tin nguon goc de giau chat luong thit nhap
Người tiêu dùng có thể mua phải thịt nhập cận đát vì không thể truy xuất nguồn gốc một cách rõ ràng - Ảnh: P.HUY

Ông này cho biết, chỉ có thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm ở thùng lớn nhờ vào mã vạch, mã code in trên bề mặt thùng, nhưng mã vạch này cũng không thể truy xuất được tận gốc (giống nào, nuôi ở đâu, quy trình và địa điểm giết mổ như thế nào). Khi xé lẻ bán ngoài chợ, không thể có thông tin mô tả sản phẩm. Ở cửa hàng, siêu thị, những sản phẩm này được đóng trong khay hay túi hút chân không thì có nhãn thông tin bao gồm tên sản phẩm, xuất xứ quốc gia, nhà nhập khẩu.

Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi tỉnh Đồng Nai cho biết, việc không thể truy xuất nguồn gốc thịt nhập khẩu qua mã vạch, tem… là một sự mập mờ về chất lượng.

Theo ông Công, rất nhiều sản phẩm thịt được bán tại nước sở tại với giá tương đương giá bán sản phẩm cùng loại của Việt Nam, nhưng khi họ xuất sang Việt Nam thì giá bán lại rẻ hơn rất nhiều, bằng khoảng 1/3, thậm chí là một nửa. Qua tìm hiểu, mới biết giá rẻ là do sản phẩm có thời gian lưu kho quá lâu, cận đát (date) nên họ mới tìm cách xuất đi. Hầu hết các mặt hàng thịt nhập không đáp ứng tiêu chí về truy xuất nguồn gốc nên dù muốn, người tiêu dùng cũng không thể biết thông tin chi tiết về sản phẩm đó.

Thư Hùng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI