Em ơi, đừng sợ tết

17/01/2023 - 06:59

PNO - Những ngày cuối năm, đâu đó ta lại nghe những tiếng than: “Tết rồi!”. Nỗi sợ tết có sức lây lan kỳ lạ, cứ một người than là hai người… thở. Đâu đó đang có những người phụ nữ sợ tết…

ẢNH: lê tuấn anh
ẢNH: Lê Tuấn Anh

Áp lực phân bổ chi tiêu đè nghiến lên vai phụ nữ 

Hôm ngồi với tôi trong trường quay một chương trình tọa đàm về tết, hoa hậu Đỗ Thị Hà (Hoa hậu Việt Nam 2020) nói: “Em sợ tết lắm!”. “Cô gái trẻ 21 tuổi mà sợ tết ư?” - tôi hỏi. Hà đáp: “Em thích tết nhưng em cũng sợ tết vì tết đến, mọi thứ bị ngưng trệ hết. Công việc thì nhiều nhưng tết đến là mọi thứ bị đóng băng. Đã vậy lại còn lâu nữa - qua rằm tháng Giêng may ra mọi thứ mới nhúc nhích trở lại”.

Tôi hiểu tâm trạng của nhiều người trẻ như Hà bởi tôi cũng từng sợ tết. Tết là nghỉ ngơi, đúng. Thế nhưng, trước tết cả chục ngày, tâm lý rã đám đã xuất hiện. Nhiều người đi làm với tâm thế “sắp tết rồi”. Những hành trình biếu quà sếp bắt đầu từ trước cả rằm tháng Chạp khiến đường phố kẹt cứng dòng người lỉnh kỉnh quà cáp. Ai còn quan tâm đến công việc! Rồi sau tết, những cuộc du xuân, lễ hội, thăm viếng, chúc tụng có khi qua rằm tháng Giêng vẫn chưa đi hết một vòng. Do đó, người trẻ sợ tết ngày càng nhiều và nhiều người trẻ cũng “già đi” qua mỗi lần tết. Họ “già đi” vì lười biếng, vì có ai làm việc nữa đâu mà mình làm. 

Cũng vì tiệc tùng liên miên và những cuộc gặp gỡ, chúc tụng, quà cáp, thăm hỏi liên tục… mà nhiều phụ nữ có gia đình còn sợ tết hơn nhóm phụ nữ trẻ bởi họ là người phải xuống bếp, phải dọn dẹp, phải tươi tỉnh ngay cả khi đã mệt nhoài. Tết mà, ai dám mang khuôn mặt căng cứng vì mỏi mệt ra tiếp đãi nhau? Cũng chẳng ai dám than thở vì… “Tết mà!”, than thở là dông cả năm. 

Phụ nữ thành thị sợ tết kiểu thành thị; phụ nữ nông thôn sợ tết kiểu nông thôn. Phụ nữ chưa chồng thì oải với việc suốt ngày bị hỏi: “Bao giờ cho bác ăn bánh kẹo đây?”; phụ nữ có chồng thì oải việc quê nội quê ngoại với những lời thăm hỏi: “Bao giờ sinh con?”, “Đẻ thêm cho đủ nếp tẻ”… Phụ nữ có con thì oải việc mừng tuổi. Con nhận được nhiều tiền mừng tuổi là cha mẹ cũng cháy ví. Phụ nữ luống tuổi tưởng đỡ mệt hơn nhưng oải vẫn cứ oải khi họ phải giữ vai chủ tiệc, phải ra dáng chủ nhà. Đừng nghĩ các cụ bà thoát nỗi sợ tết. Họ cũng dằng dặc nỗi sợ đã gấp nếp qua từng mùa tết cũ, dai dẳng đến tận tết này.

Trên nhiều biển quảng cáo những năm gần đây, người ta hay đưa ra nội dung “Tết thảnh thơi”. Tưởng như công cuộc giải phóng áp lực ngày tết cho phụ nữ đã bắt đầu. Nhưng không, quảng cáo vẫn chỉ là quảng cáo khi thay vì xóa bỏ định kiến phụ nữ đảm đang ngày tết, các nhãn hàng lại tạo ra thêm những định kiến mới: tết thảnh thơi là tết có nhiều tiền. Phải có nhiều tiền thì mới mua sắm được những thứ gắn mác “thảnh thơi” mà các nhãn hàng quảng cáo. Áp lực tài chính ngày tết với đàn ông một thì với phụ nữ mười. Đàn ông chỉ bị áp lực tổng số tiền mang về cho vợ trong khi phụ nữ bị ti tỉ áp lực chi tiêu ngày tết. Làm sao để có một cái tết đủ đầy với khoản tiền tưởng to mà rỗng tuếch vì vật giá leo thang, tết là thời điểm mọi thứ đều có… “giá ngày tết”? Đến đánh giày ngày tết giá cũng tăng 200 - 500%, bắt đầu từ đầu tháng Chạp và kéo dài đến hết tháng Giêng. Cứ thế, áp lực phân bổ chi tiêu đè nghiến lên vai phụ nữ. 

Nỗi sợ tết là nỗi sợ về thời gian bị đóng băng, việc cơm nước bếp núc, những câu hỏi… không có duyên, những lễ lạt triền miên, chuyện tết nội tết ngoại, mừng tuổi, áp lực tài chính… Với phụ nữ, tết thật sự là một thử thách mỏi mệt nhất mỗi năm. Tết như thước đo sự đảm đang của phụ nữ, như chiếc cùm nặng trịch mang tên trách nhiệm, còn là cả sự so bì giữa chính phụ nữ với nhau. Áp lực tết với phụ nữ luôn nặng hơn nam giới ở mọi… mặt trận.

Nói thì dễ!
Nói phụ nữ đừng sợ tết thì dễ bởi dù gì tôi cũng là đàn ông. Đàn ông đâu phải chịu những áp lực như phụ nữ. Chẳng ai đánh giá đàn ông dịp tết. Thu nhập có kém thì… tại kinh tế toàn cầu suy thoái. Cứ “ngoại giao ngày tết” rồi say khướt là chẳng phải làm gì. Đàn ông mà, không ngoại giao thì làm sao năm sau tốt được!

Thế nhưng, tôi vẫn nói: “Em ơi, đừng sợ tết!”. Là bởi hầu hết áp lực ngày tết đến từ chính phụ nữ. Là bởi các chị em bị lây lan nỗi sợ tết từ chính những phụ nữ đi trước. Là bởi các chị em tự gây ra những áp lực cho mình do sợ và không thoát ra khỏi những định kiến thước đo đảm đang ngày tết. Là bởi các chị em đánh giá nhau, so bì nhau về trách nhiệm của phụ nữ ngày tết.

Hãy học cách… vô tâm của đàn ông, ít nhất là trong những ngày tết.

Đừng nói: “Ngày tết, đàn ông các anh có thể vô tâm nhưng chị em chúng tôi không thể”. Trời ạ, tết có giới tính đâu, sao chị em cứ gắn mác giới tính cho tết? Tết là… vô tâm đi có được không? Đừng cỗ bàn phải đủ số món nữa! Tết là của mình chứ nào phải cuộc thi mà các chị em cứ phải nô nức đi thi? Nước lên tới đâu thì thuyền lên tới đó, đừng làm thủy phi cơ được không chị em? Càng kiễng chân với tết của người khác càng khiến chị em mỏi mệt mà thôi. 

Là nhắn nhủ với chính các chị em như vậy. Đừng so bì nhau nữa! Đừng biến mình thành thước đo với các phụ nữ khác nữa! Đàn ông rất biết bênh vực cho nhau, sao phụ nữ lại không bênh vực cho phụ nữ? Đừng tạo áp lực cho mình bằng so sánh với phụ nữ khác, đừng gây áp lực cho phụ nữ khác mà lại thành áp lực cho chính mình

Đàn ông cũng vậy. Anh nói yêu vợ nhưng anh có thương vợ không? Anh lười sao cứ bắt vợ phải chăm? San sẻ việc tết với vợ làm ơn đừng giống như trên quảng cáo. Hãy là chính anh - chồng của người phụ nữ đang sống với anh. Anh hãy coi vợ anh là tết, được không? Hãy tận hưởng vợ anh chứ đừng coi cô ấy như một thiết bị gia dụng. Hãy coi cô ấy là phần thưởng của đời mình trong những ngày tết. Hãy cùng cô ấy tận hưởng tết. Hãy giúp cô ấy đừng sợ tết. Hãy vui tết, ăn tết, chơi tết…

Đừng em, tết sợ 
Cuối cùng, câu tôi mong gửi gắm đến hàng triệu phụ nữ Việt khi sắp tết là: “Đừng em, tết sợ”. Tết sẽ trở nên rất đáng sợ nếu các chị em cứ sợ tết như thế này. Nỗi sợ đó sẽ lây lan rất nhanh và biến những háo hức của 1 năm mới trở nên kém vui. 

Nhiều ông chồng từng than thở với tôi rằng họ sợ tết vì phải chứng kiến nỗi sợ tết của vợ. Càng sợ, phụ nữ càng dễ tạo ra áp lực cho chính chồng con mình; biến những ngày tết lẽ ra được tận hưởng thành sự tận cùng, tận thế. Như chính tôi từng vô cùng sốt ruột khi vợ tôi nhất quyết đợi đến 12g mới cúng giao thừa trong khi lũ bạn tôi í ới trên hồ Gươm xem bắn pháo hoa; khi mâm ngũ quả trên bàn thờ là cho đẹp chứ nhiều loại không ăn được; khi những ngày tết hai vợ chồng chẳng được thảnh thơi bên nhau do vợ tôi cứ như cái xác không hồn vì hai chữ: đảm đang… 

Tết là gì nếu không phải là khoảng thời gian sum vầy bên nhau? Đừng cỗ bàn nhọc mệt bởi ngày tết, ai cũng đi ăn hết bữa này tới bữa khác đến mức nhìn món nào cũng ngán! Tết là hội, không phải là lễ. Đừng làm tết sợ khi em khoác lên nó quá nhiều tiêu chí, tiêu chuẩn để rồi… tiêu tùng tết! 

Hoàng Anh Tú

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI