Dương Thụy “gặp” Phan Hồn Nhiên

22/04/2014 - 01:36

PNO - PN - Không hẹn mà gặp, hai nhà văn nữ có nhiều đầu sách bán chạy - Dương Thụy và Phan Hồn Nhiên lại hoàn thành tác phẩm mới trong cùng thời gian, được đơn vị xuất bản tổ chức chung một buổi ra mắt sách vào ngày 20/4 tại TP.HCM....

edf40wrjww2tblPage:Content

Không chỉ trùng hợp như trên, Phan Hồn Nhiên cho biết, chị và đồng nghiệp Dương Thụy còn có nhiều điểm chung như cùng học một trường phổ thông đến đại học, cùng làm việc tại một tờ báo… Lý thú hơn cả là hai tác phẩm mới Ngựa thép của Phan Hồn Nhiên và Chờ em đến San Francisco của Dương Thụy còn cùng đánh dấu sự đổi mới trong nghiệp viết của từng người.

Truyện dài Chờ em đến San Francisco là một “phiên bản” mới của Dương Thụy. Khác với những tác phẩm trước như Oxford thương yêu, Nhắm mắt thấy Paris, Cung đường vàng nắng… có bối cảnh nước ngoài, cuốn sách mới của chị lấy không gian chính là TP.HCM những năm sau giải phóng. Đó là một Sài Gòn trong ký ức với khu xóm nhỏ Tân Định sầm uất nhưng vẫn có những con đường yên tĩnh, có tiếng chuông nhà thờ bình an ngày vang lên mấy bận, có hai cái đình nghi ngút khói hương và một rạp hát tên Văn Hoa nhưng ghế thì đầy rệp… Nhân vật tôi trong sách sau khi so sánh nạn kẹt xe của Sài Gòn với Paris, London, nạn giật túi xách ở Sài Gòn với việc có thể bị chĩa súng vào đầu hoặc bị đạn lạc ở Chicago hay New York, đã “tóm lại” rằng “tôi yêu Sài Gòn, cái thành phố nhỏ bé tụt hậu của mình, cái thành phố còn quá nhiều hạn chế nhưng nhịp sống luôn hối hả. Và mỗi lần đi xa về, tôi lại càng muốn dành chút thời giờ ngắm lại nơi tôi đã sinh ra, đã trưởng thành, đã cho tôi công việc năng nổ…”. Đó cũng là Sài Gòn kỷ niệm của tác giả sinh đúng vào năm thành phố giải phóng, nên Dương Thụy phải nhấn mạnh “cuốn sách này không phải là tự truyện của tôi, những nhân vật trong đó cũng hoàn toàn do hư cấu. Tôi phải nói rõ như thế để bạn đọc đừng suy diễn lung tung. Tuy cốt truyện hư cấu, nhưng tình cảm của tôi dành cho thành phố này là thật, người Sài Gòn hồn hậu thân thương là thật”.

Duong Thuy “gap” Phan Hon Nhien

Cuốn sách không dành cho nhóm người đọc từ tuổi teen đến dưới 30 tuổi, như các tác phẩm trước của Dương Thụy, bởi câu chuyện là của những người “có tuổi”, từng trải qua giai đoạn cuối thời bao cấp cũng như những ai “luôn nhớ về Sài Gòn những năm 80 của thế kỷ trước, khi cuộc sống còn nhiều thiếu thốn nhưng tình người thì vô cùng bao la”. Mới nhưng vẫn là một “màu sắc” Dương Thụy, khi mạch chuyện về Sài Gòn cứ đan xen với khung cảnh và con người hiện đại của các đô thị nổi tiếng trên thế giới.

Ở Phan Hồn Nhiên, sự làm mới rõ rệt hơn. Ngựa thép là tiểu thuyết đầu tiên của nữ tác giả có lưng vốn là một loạt đầu sách đa dạng, trong đó có các tác phẩm được chuyển thể thành phim và loạt truyện huyền ảo ăn khách như Công ty, Cánh trái, Những đôi mắt lạnh... Hơn thế, đây là một tiểu thuyết kén người đọc mà tác giả khi được hỏi nếu dành một từ cho nó, chị đã dùng từ “thử thách”. Tác phẩm dày hơn 400 trang với ba phần Cơ thể, Bên bờ biển và Pelikan, được viết tỉnh táo, điêu luyện, hiện đại, như một thử nghiệm của tác giả. Phan Hồn Nhiên tiết lộ hoàn cảnh của lần làm mới này: “Tôi viết Ngựa thép trong thời gian tham gia chương trình viết văn quốc tế ở Iowa, Mỹ năm 2011. Viết truyện dài dễ hơn, còn tiểu thuyết đòi hỏi người viết phải ý thức về cấu trúc. Thông điệp, ý nghĩa không phải thông qua câu chuyện mà thể hiện trên kết cấu”. Nhà văn Vũ Đình Giang cho rằng: “Phan Hồn Nhiên đã tạo ra Ngựa thép với cấu trúc lập thể. Cấu trúc này chỉ có trong hội họa và cũng chỉ có một số ít nhà văn đưa vào văn chương. Tác phẩm đặt ra nhiều dấu hỏi mà càng trưởng thành, người đọc sẽ càng chạm sâu hơn như bản thể, mâu thuẫn nội tại, xung đột trong mối liên kết với đời sống xung quanh”.

Không tự hài lòng với vị trí đã tạo được trong lòng người đọc, Phan Hồn Nhiên mạnh dạn tìm lối viết mới. Theo biên tập viên của cuốn sách: “Ngựa thép đạt được sự hài hòa điêu luyện giữa tính chất trình diễn của một nghệ sĩ và sự khéo léo tỉ mỉ của một nghệ nhân. Đây là một tiểu thuyết đầy đặn, vững chãi và sâu sắc của một trong những nhà văn trẻ có đam mê và ý thức rõ ràng về việc phải làm gì để hòa nhập với dòng chảy văn chương đương đại trong nước và thế giới”.

Điểm chung cuối cùng của Dương Thụy và Phan Hồn Nhiên hẳn sẽ giúp những người yêu mến hai cây bút nữ này hiểu thêm về họ, qua chia sẻ của Dương Thụy: “Viết văn là một công việc cô đơn nhưng là một lao động chuyên nghiệp. Tôi và Phan Hồn Nhiên mỗi người một kỹ năng, một tạng viết khác nhau, nhưng tôi chịu ảnh hưởng từ Phan Hồn Nhiên ở cách lao động miệt mài, nghiêm túc. Tôi và Phan Hồn Nhiên, dù viết cho đối tượng nào, người lớn hay học sinh sinh viên, thì cũng đều cẩn trọng, hết mình”.

 V. Tiến

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI