Đường thông tạo đà cho miền Tây tăng tốc phát triển

01/02/2024 - 06:18

PNO - Những ngày cuối năm 2023, đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ cùng cầu Mỹ Thuận 2 được chính thức thông xe, nối liền mạch tuyến đường cao tốc từ TPHCM đi TP Cần Thơ, rút ngắn thời gian di chuyển và giải quyết tình trạng kẹt xe trên Quốc lộ 1. Đây chỉ là một trong nhiều tuyến đường lớn ở đồng bằng sông Cửu Long được xây dựng, hoàn thành trong thời gian qua.

Giao thông giờ đã thông

Mỗi tuần, anh Nguyễn Văn Phương (huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) chạy 3 chuyến xe tải chở trái cây thu mua được từ các tỉnh ở vùng đồng bằng sông Cửu Long đến các chợ đầu mối của TPHCM. Trước đây, thời gian chạy từ TP Cần Thơ tới TPHCM phải mất hơn 4 giờ, có khi mất 5-6 giờ do kẹt xe ở gần cầu Mỹ Thuận (tỉnh Vĩnh Long) hoặc đoạn qua huyện Cái Bè và thị xã Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang). Nay nhờ có đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2, thời gian chạy của anh chỉ còn 2 giờ.

Tuyến đường nhựa trên kênh Ông Kiệt nối 2 tỉnh An Giang và Kiên Giang nay được đầu tư hoàn chỉnh, giúp cho việc đi lại thuận tiện hơn - Ảnh: Văn Phước
Tuyến đường nhựa trên kênh Ông Kiệt nối 2 tỉnh An Giang và Kiên Giang nay được đầu tư hoàn chỉnh, giúp cho việc đi lại thuận tiện hơn - Ảnh: Văn Phước

Cùng niềm vui trên, anh Trần Văn Long (TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau) cho hay: “Từ khi có đường cao tốc, tôi không còn lo trễ giờ giao hàng”. 10 năm qua, anh chở tôm từ các nhà máy chế biến thủy sản ở tỉnh Cà Mau đến các cảng ở TPHCM và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Dù chạy xe vào ban đêm, anh vẫn luôn lo bị kẹt xe ở tỉnh Vĩnh Long và Tiền Giang làm trễ giờ giao hàng. 

Giao thông thông suốt không chỉ giúp việc đi lại nhanh chóng hơn mà còn mở ra những cơ hội phát triển kinh tế, xã hội, thu hút làn sóng đầu tư cho các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long. Ông Trần Việt Trường - Chủ tịch UBND TP Cần Thơ - thông tin, trong năm 2023, các cơ quan chức năng của TP Cần Thơ đã cấp giấy đăng ký kinh doanh cho 3 dự án có vốn đầu tư nước ngoài. Chính quyền thành phố cũng tổ chức khởi công dự án khu công nghiệp Vĩnh Thạnh giai đoạn 1, diện tích 293ha, tổng vốn hơn 3.700 tỉ đồng. Giữa tháng 12/2023, UBND TP Cần Thơ đã giới thiệu 56 dự án kêu gọi đầu tư trên nhiều lĩnh vực và trao biên bản ghi nhớ cho khoảng 44 nhà đầu tư. 

Cầu Mỹ Thuận 2 nằm song song với cầu Mỹ Thuận, giúp kết nối giao thông, phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh: Trung Nam
Cầu Mỹ Thuận 2 nằm song song với cầu Mỹ Thuận, giúp kết nối giao thông, phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh: Trung Nam

Nhờ giao thông thuận tiện, những tỉnh từng khó thu hút đầu tư như Hậu Giang cũng vươn mình mạnh mẽ. Năm 2023, Hậu Giang vươn lên xếp thứ nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long và thứ hai cả nước về phát triển kinh tế với mức tăng trưởng 12,27%, trong đó tăng trưởng công nghiệp 31,09%. 

Hạ tầng giao thông mở đường cho phát triển

Lâu nay, vùng đồng bằng sông Cửu Long là vựa nông sản của cả nước, đóng góp nguồn gạo, trái cây, thủy sản lớn cho xuất khẩu nhưng hạ tầng giao thông, hệ thống kho bãi, vận tải (logistics) lại phát triển chậm, làm tắc nghẽn nguồn hàng. 

Đường cao tốc nối TPHCM với TP Cần Thơ đã được thông suốt, giúp rút ngắn thời gian đi lại từ 3,5 giờ xuống còn 2 giờ - Ảnh: Thanh Lâm
Đường cao tốc nối TPHCM với TP Cần Thơ đã được thông suốt, giúp rút ngắn thời gian đi lại từ 3,5 giờ xuống còn 2 giờ - Ảnh: Thanh Lâm

Theo ông Phan Hoàng Phương - công tác ở Viện Chiến lược giao thông vận tải (Bộ Giao thông Vận tải) - có khoảng 70% hàng xuất, nhập khẩu của vùng đồng bằng sông Cửu Long phải đi qua các cảng biển TPHCM và Đông Nam Bộ, điều này làm tăng chi phí, giảm sức cạnh tranh hàng hóa của vùng. Ngoài ra, ùn tắc giao thông trên Quốc lộ 1 vẫn diễn ra, cầu vượt sông không đồng bộ với toàn tuyến. Vùng đồng bằng sông Cửu Long có nhiều tiềm năng để phát triển giao thông thủy, nhưng vẫn chưa được tận dụng”. 

 Ông Ngô Hoàng Nguyên - Phó cục trưởng Cục Quản lý hoạt động xây dựng (Bộ Xây dựng) - nhận định, dù đã có nhiều thay đổi nhưng hạ tầng giao thông của vùng đồng bằng sông Cửu Long vẫn chưa kết nối đồng bộ, nhiều đoạn chậm hoàn thành, nhiều tuyến đường bộ còn nhỏ hẹp, chất lượng thấp, làm tăng chi phí khi vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu: “Để tháo gỡ nút thắt hạ tầng giao thông cho vùng này, ngoài việc thông xe tuyến đường cao tốc từ TPHCM đến TP Cần Thơ, việc đẩy nhanh tiến độ các dự án cầu, đường khác là rất cần thiết và cấp bách”.  

Theo Bộ Giao thông Vận tải, có 8 dự án đường bộ cao tốc đi qua vùng đồng bằng sông Cửu Long với chiều dài 463km, tổng mức đầu tư khoảng 94.400 tỉ đồng. Ngoài dự án đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2 đã hoàn thành, các dự án còn lại đang được triển khai và phấn đấu đến năm 2026 sẽ cơ bản hoàn thành.  

Ông Nguyễn Văn Hiếu (hàng đầu, thứ hai từ phải qua) - Bí thư Thành ủy TP Cần Thơ - kiểm tra dự án khu công nghiệp Vĩnh Thạnh - dự án đón đầu việc hoàn thành tuyến đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng - Ảnh: Trung Phạm
Ông Nguyễn Văn Hiếu (hàng đầu, thứ hai từ phải qua) - Bí thư Thành ủy TP Cần Thơ - kiểm tra dự án khu công nghiệp Vĩnh Thạnh - dự án đón đầu việc hoàn thành tuyến đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng - Ảnh: Trung Phạm

Lãnh đạo UBND tỉnh An Giang cho biết, đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dài 188km, tổng mức đầu tư 44.691 tỉ đồng đã được khởi công xây dựng và UBND tỉnh đã chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công dù gặp nhiều khó khăn về vật liệu san lấp. UBND tỉnh cũng sẽ ban hành các chính sách nhằm thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào các lĩnh vực đột phá như nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm, dịch vụ, du lịch, logistics; đẩy mạnh đầu tư để phát triển các hành lang kinh tế, trọng tâm là Châu Đốc - Long Xuyên, Tịnh Biên - Châu Đốc - An Phú - Tân Châu cùng các khu, cụm công nghiệp. 

Ông Đồng Văn Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang - nói: “Khi hoàn thành việc xây dựng các tuyến đường bộ cao tốc quan trọng chạy qua tỉnh, như Cần Thơ - Hậu Giang - Cà Mau, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, tỉnh Hậu Giang sẽ không còn là tỉnh “vùng sâu vùng xa”. Từ đó, chúng tôi hy vọng Hậu Giang sẽ phát triển thành tỉnh khá trong khu vực và là tỉnh có công nghiệp phát triển, có mức thu nhập khá”. 

Xây dựng đường ven biển đi qua 7 tỉnh 

Bộ Giao thông Vận tải cùng các bộ, ngành liên quan và UBND 13 tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long đã đề xuất 16 dự án trong khuôn khổ dự án “Phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu” (dự án Mekong DPO) với tổng mức đầu tư khoảng 94.328 tỉ đồng. Trong đó, khoảng 66.282 tỉ đồng là vốn vay nước ngoài, khoảng 28.046 tỉ đồng là vốn đối ứng. 

Trong 16 dự án, có dự án xây dựng đường ven biển dài khoảng 415km qua 7 tỉnh, gồm Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang, với mức đầu tư gần 43.000 tỉ đồng.  Ngoài ra, các tỉnh không giáp biển cũng đề xuất các dự án làm đê bao sông, mở rộng hoặc cải tạo quốc lộ, xây dựng hệ thống hồ trữ ngọt…  

Thi công đường cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang - Cà Mau xuyên tết 

Ông Lê Đức Tuân - Phó giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (Bộ Giao thông Vận tải) - cho biết, đã đề nghị các nhà thầu và liên danh tư vấn giám sát tổ chức phát động đợt thi đua “Xuân trên công trường”, thi công xuyên tết Giáp Thìn 2024 theo “3 ca, 4 kíp” nhằm bù đắp cho việc thi công chậm trong năm 2023.  
Đường cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang - Cà Mau được khởi công đầu tháng 1/2023 nhưng sau 1 năm, khối lượng công việc đạt hơn 17,3%, chậm 17,7% so với tiến độ cam kết do thiếu cát san lấp nền đường, do giải phóng mặt bằng chậm. Việc đẩy nhanh tiến độ thi công là nhằm hoàn thành dự án trong năm 2025. Hiện, trên công trường xây dựng đường cao tốc này, 167 mũi thi công với hơn 1.000 kỹ sư, công nhân và 685 đầu máy, thiết bị sẽ chia ca làm xuyên tết. 

Huỳnh Lợi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI