Đường Nguyễn Huệ xưa và nay: Từ kênh đào trở thành phố đi bộ

21/02/2016 - 08:37

PNO - Trước khi trở thành một con đường lớn, đường Nguyễn Huệ đã từng là kênh đào.

Duong Nguyen Hue xua va nay: Tu kenh dao tro thanh pho di bo
Đường Nguyễn Huệ nhìn từ trên cao. (Ảnh chụp từ Google Map)

Trải qua 2 thế kỷ hình thành và phát triển, đường Nguyễn Huệ đã biến đổi từng bước theo thời cuộc. Cho đến ngày nay, nó đã trở con đường và khu phố đi bộ đẹp nhất và hiện đại của đất Sài Gòn phồn hoa.

Từ kênh đào thành đại lộ

Duong Nguyen Hue xua va nay: Tu kenh dao tro thanh pho di bo
Theo những tài liệu lịch sử, đường Nguyễn Huệ hiện nay chính là kênh đào Charner, nối liền với sông Sài Gòn ngày xưa. Đến ngày 11/04/1861, Đô đốc Charner ban hành Nghị định quy định giới hạn và ấn định địa phận Thành phố Sài Gòn. Kinh Lớn được đổi tên thành kênh đào Charner, hai bên bờ kênh là hai con đường chạy song song được mang tên đường Rigault de Genouilly và đường Charner (nằm phía bên khách sạn Palace hiện nay). (Ảnh tư liệu)

Đường Charner còn được gọi bằng một tên khác là đường Canton do có đa số người Hoa vùng Quảng Đông tập trung buôn bán tại đây.

Kênh đào Charner có lưu lượng hàng hóa vận chuyển tấp nập nên kênh bị ô nhiễm nặng và xuất hiện ý kiến lấp bỏ kênh.

Duong Nguyen Hue xua va nay: Tu kenh dao tro thanh pho di bo
Năm 1877, người Pháp cho lấp kênh đào Charner và sáp nhập hai con đường ở hai bờ lại làm một thành đại lộ Charner. Tuy nhiên người dân bản xứ vẫn thích gọi đó là con đường Kinh Lấp. Trong ảnh: Công nhân đang làm đường. (Ảnh tư liệu)

Đại lộ Charner nối liền một đầu là Dinh Đốc Lý (nay là trụ sở Ủy ban Nhân dân Thành phố) và đầu kia là bờ sông Sài Gòn (nay gọi là Bến Bạch Đằng). Từ dưới sông, mỗi dịp Tết về, hoa từ khắp nơi theo những con thuyền về tập kết ở bến, và trên bờ, hoa trải dài trên đại lộ này.

Duong Nguyen Hue xua va nay: Tu kenh dao tro thanh pho di bo
Đến năm 1956, Đại lộ Charner được đổi tên thành Đại lộ Nguyễn Huệ – một trong những con đường đẹp nhất của Sài Gòn xưa. (Ảnh tư liệu)

Chợ hoa Nguyễn Huệ cùng chợ chim Huỳnh Thúc Kháng là một trong những điểm tham quan nổi tiếng thời đó.

Duong Nguyen Hue xua va nay: Tu kenh dao tro thanh pho di bo
Kể từ năm 1960, con đường Nguyễn Huệ xuất hiện chợ hoa mỗi khi xuân về, hoa từ khắp nơi theo những con thuyền về tập kết ở bến, trên bờ và trải dài trên đại lộ.

Phố đi bộ hiện đại ngày nay

Cho đến cuối thế kỷ 20, cách đây khoảng chục năm, mỗi năm một lần, con đường này vẫn là chợ hoa xuân chính của người dân thành phố.

Mỗi khi Tết đến thì đây là nơi tập trung mua bán hoa Tết cây cảnh nên con đường này khi đó còn được gọi là Chợ Tết Nguyễn Huệ. Nhà vườn tập kết hoa ở bến Bạch Đằng sau đó phân bổ vào từng ô đã quy định sẵn trên đường Nguyễn Huệ.

Duong Nguyen Hue xua va nay: Tu kenh dao tro thanh pho di bo
Trước năm 1975, đại lộ Nguyễn Huệ rất sầm uất và đầy màu sắc. Là nơi tập trung nhiều nhà hàng, khách sạn, tụ điểm ăn chơi của giới thượng lưu và binh lính Mỹ.

Cuối thập niên 90, vì lý do trật tự an toàn giao thông ngay chính tại trung tâm thành phố Hồ Chí Minh, chợ hoa Nguyễn Huệ được chuyển sang công viên 23/9. Chợ hoa Nguyễn Huệ không còn nữa.

Chợ hoa ở Công viên 23 tháng 9 vẫn tấp nập đông vui, nhưng nhiều người tiếc nuối cái cảm giác dạo bước ở chợ hoa Nguyễn Huệ, nơi mà mỗi năm chỉ một lần được đi bộ ở làn xe giữa trên con đường 3 làn xe đẹp nhất thành phố này. Nơi đây hoa trải dài hai bên lối đi, nằm lọt giữa hai làn xe đông vui và hai dãy nhà cao tầng ở bên.

Năm 2004, chợ hoa Nguyễn Huệ đã trở lại nhưng với diện mạo mới. Không còn cảnh mua bán, chào mời, mặc cả, con đường với hoa được bày biện, sắp đặt công phu, chỉ dành cho việc thưởng ngoạn của khách du xuân. Và cũng từ năm này, cứ vào dịp Tết, đường Nguyễn Huệ có một cái tên khác, đó là đường hoa Nguyễn Huệ.

Duong Nguyen Hue xua va nay: Tu kenh dao tro thanh pho di bo
Đường Nguyễn Huệ và phố đi bộ Nguyễn Huệ ngày nay.

Với mục đích phát triển đô thị, thành phố Hồ Chí Minh đã và đang thực hiện nhiều dự án lớn, trong đó có đường Nguyễn Huệ được nâng cấp thành Quảng trường đi bộ Nguyễn Huệ.

Công trình Quảng trường đi bộ Nguyễn Huệ có tổng kinh phí 430 tỷ đồng vừa được đưa vào vận hành ngày 29/4/2015, với chiều dài 670 m, rộng 64 m. Toàn bộ trục đường từ trụ sở UBND thành phố đến Bến Bạch Đằng được lát đá granite cùng 2 đài phun nước và hệ thống cây xanh.

Duong Nguyen Hue xua va nay: Tu kenh dao tro thanh pho di bo

Ngày 17/5/2015, tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh – điểm nhấn cho toàn bộ công trình quảng trường đi bộ Nguyễn Huệ, đã được khánh thành mừng kỷ niệm 125 ngày sinh Bác Hồ.

Duong Nguyen Hue xua va nay: Tu kenh dao tro thanh pho di bo
Tượng đài Bác được đặt tại trung tâm hành chính của thành phố, nơi có vị trí trang trọng nhất và thuận lợi để nhân dân mọi miền đất nước, bạn bè quốc tế được chiêm ngưỡng.

Phương Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI