Đường bay quốc tế thông, du lịch đã mở

16/02/2022 - 17:08

PNO - Một ngày sau khi dỡ bỏ hạn chế về tần suất khai thác các chuyến bay quốc tế, Chính phủ đã đồng ý mở cửa du lịch...

Kiều bào hồ hởi 

Chị Nguyễn Hải Hà (Q.Bình Thạnh, TPHCM) cho biết, em gái chị du học tại Melbourne (Úc), đã ba năm nay chưa về Việt Nam do dịch bệnh. Dịp tết Nguyên đán vừa qua, em chị rất muốn về nhưng đành phải từ bỏ ý định khi thấy giá vé máy bay lên đến hơn 6.000 đô la Úc (gần 100 triệu đồng), cao gần gấp ba lần so với hơn một năm trước do các chuyến bay về Việt Nam rất hạn chế, lại phải bay quá cảnh, tốn thời gian hơn. Khi Việt Nam bỏ các hạn chế về tần suất khai thác chuyến bay quốc tế, cả gia đình chị rất vui mừng vì em gái chị có thể về nước dễ dàng hơn. 

Ảnh chụp ở sân bay Tân Sơn Nhất trong dịp tết vừa qua - ẢNH: QUỐC THÁI
Ảnh chụp ở sân bay Tân Sơn Nhất trong dịp tết vừa qua - Ảnh: Quốc Thái

Ông Danny Võ (người Việt ở Singapore) cho biết, trong mùa dịch, đa số người Việt sinh sống ở nước ngoài chỉ có cách về nước trên các chuyến bay “giải cứu”; việc đăng ký, tìm chuyến bay, xét hồ sơ rất khó khăn, nhiều người không đủ điều kiện để được xét. Có trường hợp mẹ con cùng đăng ký nhưng mẹ có quốc tịch Việt Nam, con quốc tịch Singapore thì chỉ mẹ được về. Việc này gây khó khăn cho người Việt Nam muốn hồi hương. “Ngay khi Việt Nam công bố mở cửa, rất nhiều đối tác, bạn bè của tôi đã liên hệ, gọi điện hẹn gặp mặt nhau ở Việt Nam” - ông Danny Võ hào hứng.

Các hãng nối lại đường bay 

Ngay sau khi thông tin mở cửa các đường bay quốc tế được công bố, giá vé niêm yết cho nhiều chặng bay quốc tế thường lệ đã giảm mạnh. Giá vé (chưa bao gồm thuế, phí) nhiều chặng bay tới các nước trong khu vực Đông Nam Á chỉ từ 211.000 đồng/chiều; bay tới các nước Đông Bắc Á từ 1,2 triệu đồng/chiều; bay đến các nước châu Âu, châu Úc từ 2,3 triệu đồng/chiều. Tần suất các chuyến bay từ Việt Nam đi Anh, Đức, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và chiều ngược lại từ ngày 15/2 đến 26/3 cũng tăng vọt.

Trao đổi với Báo Phụ Nữ TPHCM, đại diện Bamboo Airways cho biết, hãng bắt đầu khai thác trở lại gần 80 đường bay nội địa, gần 40 đường bay quốc tế. Đối với khu vực châu Á nói chung, Đông Bắc Á nói riêng, hãng sẽ khai thác đường bay quốc tế thường lệ Hà Nội - Narita, Hà Nội - Đài Bắc (Trung Quốc) và Hà Nội - Incheon (Hàn Quốc). Với các đường bay đến châu Âu, châu Úc, châu Mỹ, Bamboo Airways khai thác các chặng bay kết nối Hà Nội với Frankfurt (Đức), TPHCM với Melbourne (Úc), Hà Nội với London (Anh)…

Hãng cũng dự kiến triển khai các chặng TPHCM - Frankfurt (Đức), Hà Nội/TPHCM - Berlin/Munich (Đức) và đặc biệt là đường bay thẳng đến Mỹ trong giai đoạn tới. Trong khu vực Đông Nam Á, Bamboo Airways triển khai đường bay TPHCM - Singapore, Thái Lan trong tháng 3/2022 và dự kiến sẽ phát triển nhiều đường bay tới Lào, Campuchia ngay trong dịp hè 2022. “Tần suất bay sẽ được tăng cường tùy theo nhu cầu của thị trường và sự cho phép của nhà chức trách” - đại diện Bamboo Airways nói.

Còn theo đại diện Vietnam Airlines, từ đầu năm 2022 đến ngày 15/2, hãng đã nối lại các đường bay thường lệ đi và đến 15 quốc gia, vùng lãnh thổ. Từ ngày 15/2 trở đi, Vietnam Airlines tiếp tục khai thác các đường bay này, đồng thời phục hồi toàn bộ mạng bay quốc tế trên cơ sở sự chấp thuận của các quốc gia, vùng lãnh thổ.

Theo ông Vũ Đức Biên - Tổng Giám đốc Vietravel Airlines - hãng đang phối hợp và làm việc với các đối tác du lịch trong nước cũng như tổng đại lý ở nước ngoài nhằm xây dựng kế hoạch đưa khách du lịch từ nước ngoài về Việt Nam, từ Việt Nam đến các thị trường cởi mở như Thái Lan, Indonesia vào cuối quý II/2022 và các thị trường trong khu vực Đông Bắc Á vào quý III và IV/2022: “Trong năm 2022, chúng tôi tiếp tục đánh giá xu hướng và nhu cầu thị trường để mở rộng mạng bay nội địa. Song song đó, hãng làm việc với các đối tác nước ngoài để chuẩn bị mở các đường bay quốc tế đến các thị trường du lịch từng là thế mạnh của Vietravel như Thái Lan, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc). Việc chuẩn bị này bám sát theo tình hình dịch bệnh, các chính sách của Chính phủ Việt Nam và các nước, nhằm tránh bị chậm chân so với các hãng nước ngoài”.

Doanh nghiệp du lịch nhận tin vui 

Văn phòng Chính phủ chiều 16/2 thông báo kết luận của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp bàn về phương án mở cửa lại hoạt động du lịch. Theo đó, Chính phủ đã đồng ý với đề xuất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và ý kiến các bộ, cơ quan về thời gian mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới từ 15/3. Nút thắt cuối cùng để đón du khách quốc tế đã được tháo gỡ. Trước đó, các doanh nghiệp du lịch đã lo lắng, khi hàng không quốc tế đã thông nhưng Chính phủ vẫn chưa chính thức công bố mở cửa du lịch và hướng dẫn đón khách quốc tế. Các quy định nhập cảnh, phòng dịch đối với hành khách vẫn theo hướng dẫn cũ của các bộ Ngoại giao, Y tế, Công an sẽ rất khó có du khách quốc tế đến Việt Nam. 

Hành khách Việt Nam làm thủ tục lên chuyến bay của Vietnam Airlines về nước tại sân bay quốc tế Toronto Pearson - Canada hồi tháng 7/2021 ẢNH: VNA
Hành khách Việt Nam làm thủ tục lên chuyến bay của Vietnam Airlines về nước tại sân bay quốc tế Toronto Pearson - Canada hồi tháng 7/2021 ẢNH: VNA

Ông Phạm Hà - Chủ tịch Lux Group, đơn vị cung cấp dịch vụ du thuyền hạng sang trên vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh - cho biết, theo quy định hiện hành, muốn đón khách quốc tế, các doanh nghiệp (DN) phải làm hồ sơ gửi Sở Du lịch địa phương và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để xin cấp phép cho từng đoàn. Các bộ, ngành dự kiến sẽ mở cửa du lịch quốc tế chậm nhất là từ ngày 31/3, nhưng đến giữa tháng 2, vẫn chưa có văn bản chính thức. Do chưa có thông tin chính xác nên DN du lịch vẫn chưa dám bán tour cho khách nước ngoài. 

“Dù biết mọi thứ phải theo lộ trình, nhưng chậm một tháng, một tuần hay thậm chí một ngày cũng khiến ngành du lịch mất đi cơ hội. Tất cả bộ máy, con người, dịch vụ đã chuẩn bị sẵn sàng và DN tiêu tốn rất nhiều chi phí để duy trì, vận hành” - ông Phạm Hà nói.

Ông Nguyễn Hữu Y Yên - Tổng Giám đốc Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist - cho biết, việc mở cửa cho ngành hàng không phải đi đôi với việc dỡ bỏ các quy định khắt khe về xuất nhập cảnh, mới mong có khách nước ngoài đến Việt Nam. Hiện khách quốc tế muốn đến Việt Nam vẫn phải theo chương trình thí điểm tại bảy địa phương. Theo ông, nếu mở đường bay bình thường thì du lịch outbound (đưa người Việt Nam đi du lịch nước ngoài) cũng cần trở lại bình thường. Hồi đầu năm 2020, Tổng cục Du lịch ra văn bản yêu cầu các DN không tổ chức tour outbound tới vùng dịch, vận động người dân không đi du lịch đến vùng có dịch. Từ đó đến nay, vẫn chưa có văn bản nào thay thế hay điều chỉnh. Saigontourist ghi nhận nhu cầu người dân đi du lịch nước ngoài rất lớn, đặc biệt là các DN, tổ chức, cơ quan. Rất nhiều đoàn khách có nhu cầu mua tour MICE (loại hình du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện) nước ngoài, nhưng công ty bị vướng quy định, chưa chốt được lịch. Ông nói: “Nếu vẫn cứ chần chừ ở mức dự kiến thế này thì việc mở cửa hàng không không có ý nghĩa gì với du lịch và các cơ hội lớn của ngành du lịch trong năm 2022 sẽ tiếp tục bị bỏ lỡ”.

Từ ngày 1/1/2022, Bộ Y tế quy định công dân Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài và thân nhân (gồm vợ/chồng, con) phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong 72 giờ (trừ trường hợp trẻ em dưới hai tuổi) trước khi nhập cảnh, thực hiện khai báo y tế; cài đặt và sử dụng ứng dụng PC-COVID. Trong ba ngày đầu kể từ ngày nhập cảnh, người dân tự theo dõi sức khỏe tại nơi lưu trú. Những trường hợp chưa tiêm vắc-xin hoặc tiêm chưa đủ liều sẽ thực hiện tiêm chủng miễn phí (nếu có nhu cầu). Các trường hợp này thực hiện cách ly tại nhà, nơi lưu trú trong bảy ngày kể từ ngày nhập cảnh. 

Theo các hãng hàng không, đến nay đã bỏ quy định test nhanh đối với những khách đã tiêm đủ vắc-xin, riêng với khách chưa tiêm vắc-xin đủ liều vẫn phải có kết quả xét nghiệm âm tính bằng phương pháp PCR, tự theo dõi tại nơi cư trú. 

Các công ty du lịch cho biết từ nay tới ngày 14/3, ngành du lịch tiếp tục chương trình thí điểm đón khách quốc tế đã tiêm đủ liều vắc-xin đến bằng các chuyến bay thuê bao. 

Quốc Thái

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI