Dưới chân núi lở

30/05/2021 - 06:30

PNO - Già Đô (Hồ Văn Đô, thôn 2 xã Phước Thành, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam) cứ mãi dõi mắt về phía đất trống, nơi được định hình là khu tái định cư cho những bà con mất nhà sau cơn bão số 9 trong năm 2020 vừa rồi. Ở đó, vẫn còn ngổn ngang đất đá. Đã gần 1 năm rồi, họ vẫn đang sống trong những ngôi nhà tạm ở lưng chừng núi…

Lay lắt

Cơn mưa giông bất ngờ khiến chị Sung vơ vội chiếc áo mưa trùm lên nơi để mấy bao lúa, gạo cho khỏi ướt, còn lại thì… kệ. Chị bảo, đã quá quen với cảnh này rồi, miền núi mùa này chỉ có 2 mùa: sáng nắng, chiều mưa; cũng quá quen với cái cảnh ở trong ngôi lều tạm được lợp bằng mấy tấm bạt ấy gần cả năm nay rồi.

Già Đô vẫn dõi mắt theo dõi mỗi khi có đoàn xe san ủi mặt bằng, cách đó không xa là ngôi nhà tạm của già ở lưng chừng núi.
Già Đô vẫn dõi mắt theo dõi mỗi khi có đoàn xe san ủi mặt bằng, cách đó không xa là ngôi nhà tạm của già ở lưng chừng núi.

Sau cơn bão số 9 (cuối tháng 10/2020), xã Phước Thành, Phước Lộc (huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam) có hàng trăm hộ dân bị mất nhà. Hầu như ngay lập tức, tỉnh đã chỉ đạo phải tổ chức tái định cư lại cho người dân, để họ sớm ổn định cuộc sống. Nhưng cũng từ đó đến nay, người dân mất nhà vẫn đang phải sống nhờ ở nhà làng, nhà bà con hoặc trong những túp lều tạm bợ được dựng vội trên lưng chừng núi. Trong ngôi nhà tạm được dựng lên bằng mấy cây gỗ còn sót lại sau cơn lũ, tấm bạt thấp lè tè khiến một người lớn muốn vào nhà phải cúi đầu xuống mới vào được phả ra hơi nóng dưới cái nắng hè gay gắt. Đây là nơi ở tạm của hai vợ chồng chị Hồ Thị Sung cùng với 3 đứa con nhỏ.

“Mình dựng lều ở vậy đã được 1 năm rồi, từ tháng 4/2020 ấy. Lâu hơn những hộ bị mất nhà do bão lũ là bởi mình cùng mấy nhà nữa dọn ra đây ở để nhường đất cho huyện san lấp, làm mặt bằng để bố trí tái định cư cho bà con, trong đó có cả nhà mình. Nhưng chờ mãi, từ đó đến nay vẫn chưa thấy đả động gì. Mình người lớn, còn chịu được. Chỉ tội mấy đứa nhỏ, nắng nóng không thở nổi; mưa thì dột tứ phía”, chị Sung thở dài.

Theo ông Hồ Văn Phức - Chủ tịch UBND xã Phước Thành - trong cơn bão số 9 năm 2020, toàn xã có đến 46 ngôi nhà bị hư hỏng nặng hoặc bị cuốn trôi hoàn toàn. Ngay sau đó, chính quyền xã đã tìm được địa hình để bố trí lại khu tái định cư cho người dân, trong đó có cả những người dân dời nhà để nhường đất, giải phóng mặt bằng. “Đối với những người mất nhà sau bão thì đã chờ đợi gần 6 tháng, nhưng đối với những người chủ động dời nhà, nhường đất thì đã cả năm trời. Cuộc sống của họ bây giờ rất khó, từ điện, nước sinh hoạt đều thiếu thốn. Nhà tạm thì thấp lè tè, mùa nắng này không ai chịu nổi, trong khi đó mùa mưa đã cận kề trước mắt. Chỉ mong công tác san lấp mặt bằng được đẩy nhanh để họ có thể dựng nhà”, ông Phức nói.

Từ khi cơn lũ dữ quét ngang, xóa sổ thôn 6 xã Phước Lộc, những hộ dân này vẫn bám trụ trong những túp lều tạm, chờ ngày dựng nhà mới.
Từ khi cơn lũ dữ quét ngang, xóa sổ thôn 6 xã Phước Lộc, những hộ dân này vẫn bám trụ trong những túp lều tạm, chờ ngày dựng nhà mới

Dãy lều tạm ở trên khu rừng ma ở thôn 6, xã Phước Lộc (huyện Phước Sơn) thốc lên theo từng cơn gió. Vẫn còn 5 hộ dân phải sống ở đó, chờ ngày khu tái định cư được bàn giao mặt bằng. Trong ánh điện chập chờn từ điện thủy luân, những đôi mắt đăm đăm nhìn vào bếp lửa. Gió, vẫn thênh thang không chỗ trú chân. Vợ chồng Hồ Văn Cây, Hồ Thị Vy vẫn bám trụ từ đó đến nay trong túp lều tạm. Ban ngày, Cây tìm lang thang dọc bờ suối, ở nơi nào đó, mẹ của Cây vẫn còn nằm lại. Hai vợ chồng cứ vậy bám trụ. Họ quyết định không dựng nhà ở làng nữa mà xin về thôn khác để ở. Nỗi đau mất 2 đứa con cùng mẹ già khiến họ gần như ngã quỵ. Vy, vợ Cây nhiều lúc lại tìm đến men rượu nồng khi bếp lửa được thắp sáng mỗi đêm. Nỗi sợ phải sống nơi rừng ma đã dần vơi, nhưng nỗi lo cho mùa mưa bão cận kề lại hiển hiện trước mắt.

Theo ông Lưu Huyền Thoại - Chủ tịch UBND xã Phước Lộc - 25 hộ dân trên địa bàn xã vẫn đang chờ ngày được bố trí đất mới để làm nhà. “Công tác giải phóng mặt bằng cũng sắp hoàn thành. Theo dự kiến, khoảng giữa tháng 6 thì bắt đầu khởi công làm nhà cho dân. Nhiều người đã không muốn ở lại làng nữa. Ám ảnh, đối với họ quá lớn”, ông Thoại cho hay.

Quá chậm trễ trong giải phóng mặt bằng

Cùng một thời điểm bị sạt lở, nhưng Trà Leng đã khánh thành khu dân cư Bằng La cho 39 hộ dân có được nơi ở mới. Nhưng với huyện Phước Sơn, đó vẫn là bài toán dang dở. Chẳng hiểu vướng mắc điều gì, nhưng những thông tin về các khu tái định cư, kế hoạch và công tác giải phóng mặt bằng ở trên địa bàn huyện đều rất khó tiếp cận. Chúng tôi đã nhiều lần liên hệ để tìm hiểu nhưng Ban quản lý Xây dựng huyện Phước Sơn vẫn từ chối cung cấp thông tin với lý do: cần phải xin phép lãnh đạo huyện! Vậy nhưng, khi chúng tôi đã xin phép ông Lê Quang Trung - Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn - được tiếp cận những thông tin này và được sự đồng ý thì ông Trần Hồng Quân - Trưởng BQL Xây dựng huyện Phước Sơn - chỉ cung cấp rất sơ sài về 1 khu dân cư ở thôn 2 xã Phước Thành, những nơi còn lại, ông Quân cho rằng, vì chưa có đấu thầu nên không thể cung cấp!

Công tác giải phóng mặt bằng để bố trí tái định cư rất chậm trễ, khiến cho viêc dựng nhà mới của người dân rơi vào bế tắc. Trong ảnh: ông Lê Quang Trung – Chủ tich UBND huyện Phước Sơn đi kiểm tra tiến độ giải phóng mặt bằng thôn 2 xã Phước Thành..
Công tác giải phóng mặt bằng để bố trí tái định cư rất chậm trễ, khiến cho việc dựng nhà mới của người dân rơi vào bế tắc. Trong ảnh: ông Lê Quang Trung - Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn đi kiểm tra tiến độ giải phóng mặt bằng thôn 2 xã Phước Thành.

Theo nguồn thông tin chúng tôi có được, toàn huyện có tổng cộng 4 khu vực được bố trí tái định cư cho khoảng 133 hộ, trong đó thôn 6 xã Phước Lộc 30 hộ; thôn 3 xã Phước Thành 35 hộ; thôn 2 xã Phước Thành 35 hộ và thôn 2 xã Phước Kim 33 hộ. Tổng dự toán kinh phí gần 49 tỷ đồng. UBND tỉnh Quảng Nam hỗ trợ mỗi khu tái định cư với tổng số tiền là 9 tỷ đồng/1 khu dân cư, số còn lại là từ ngân sách đối ứng của huyện Phước Sơn.

Theo một cán bộ của huyện Phước Sơn, việc chậm trễ là do công tác giải phóng mặt bằng không đảm bảo tiến độ, dù trước đó đã có rất nhiều đoàn khảo sát, tư vấn thiết kế. Hơn nữa, những dự án này không được đưa vào danh mục khẩn cấp mà là đầu tư công. “Mà đã là đầu tư công thì phải đấu thầu công khai qua mạng và kèm theo tất cả các thủ tục, rất lâu! Đơn vị giải phóng mặt bằng cũng không đảm bảo tiến độ, trong khi người dân đã chủ động nhường đất, nhường mặt bằng”, cán bộ này nói.

Mùa mưa bão lại sắp đến, nhưng không biết đến khi nào những đứa trẻ này có đươc môt ngôi nhà đúng nghĩa.
Mùa mưa bão lại sắp đến, nhưng không biết đến khi nào những đứa trẻ này có được môt ngôi nhà đúng nghĩa

Ông Lê Quang Trung cho biết địa phương đang thực hiện thủ tục đầu tư để xây dựng 4 khu tái định cư để di dời và bố trí tái định cư cho các hộ dân sạt lở, trôi nhà và các hộ dân nằm trong vùng nguy cơ sạt lở.

"Đối với khu tái định cư thôn 2, xã Phước Thành, chúng tôi đã làm việc với lãnh đạo nhà thầu, đơn vị thi công và kiên quyết yêu cầu nhà thầu tập trung nhân lực, thiết bị máy móc hoàn thành công trình này trong vòng 10-15 ngày tới để bàn giao mặt bằng cho các hộ dân dựng nhà. Nếu nhà thầu không thực hiện đúng mức cam kết thì sẽ xem xét việc có cho tham gia đấu thầu các công trình khác trên địa bàn huyện hay không. Riêng các khu tái định cư khác đang trong giai đoạn lựa chọn đấu thầu đơn vị thi công”, ông nói.

Theo dự kiến thì phải đến cuối tháng 7 mới có 2 khu tái định cư hoàn thành giải phóng măt bằng, 2 khu còn lại cũng phải đến tháng 10 mới hoàn thành vì các thủ tục liên quan sẽ còn rất nhiều. Trong khi đó, mùa mưa đang tiến sát lại gần, và nhiều người vẫn phải lay lắt trong ngôi nhà tạm ở lưng chừng núi. Cứ mỗi lần thấy đoàn xe san ủi mặt bằng, già Đô (Hồ Văn Đô, thôn 2 xã Phước Thành, huyện Phước Sơn) lại bó gối, ngồi ở bãi đất trống dõi mắt về phía khoảng đất nơi được định hình là khu tái định cư mới. Gia đình già Đô có 8 người đang phải chen chúc trong ngôi nhà tạm. Nỗi sợ về một mùa mưa bão sắp đến lại hiện lên trong đôi mắt mờ đục. “Đến tháng 7 mới được làm nhà, thì cũng là lúc chớm vào mùa mưa, sao làm được? Chờ cả năm nay rồi, lâu quá!”, già Đô thở dài.

Dưới chân núi lở, là những ngôi nhà hầm hâp nóng, chuẩn bị đón chờ môt mùa mưa bão sắp đến
Dưới chân núi lở, là những ngôi nhà hầm hập nóng, chuẩn bị đón chờ một mùa mưa bão sắp đến

Dưới chân những ngọn núi lở, những con người đang phải gắng gượng từng ngày vượt qua khốn khó. Đối với họ, mong ước duy nhất lúc này là được ở trong ngôi nhà kiên cố, chuẩn bị cho mùa mưa bão sắp tới. Mùa mưa năm nay, dự kiến là sẽ còn nặng nề hơn nữa. Bởi ở phía trên kia, những vết xước vẫn chưa lành hẳn…

Nguyễn Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI