Dùng van tim động vật ghép cho… người

17/09/2013 - 18:44

PNO - PN - Ngoài van cơ học các bác sĩ còn sử dụng loại van sinh học lấy từ van tim heo, van làm từ màng ngoài tim bò, ngựa để thay cho người mắc bệnh van tim. Nhờ van sinh học, bệnh nhân nữ có thể sinh con.

edf40wrjww2tblPage:Content

Dung van tim dong vat ghep cho… nguoi

Ít sử dụng thuốc kháng đông

Trên thế giới, thay van tim bằng van sinh học được triển khai vào những năm 1970-1972. Việt Nam ứng dụng kỹ thuật này vào năm 1990-1992. Mỗi năm, Viện Tim TP.HCM phẫu thuật thay van tim sinh học cho khoảng 30-40 bệnh nhân.

TS-BS Văn Hùng Dũng, Viện Tim TP.HCM cho biết: nếu thay van sinh học, bệnh nhân chỉ sử dụng thuốc kháng đông từ một-ba tháng sau phẫu thuật. Trong khi đó, nếu thay van cơ học (làm từ hợp chất thép, titan, cacbon…), người bệnh phải sử dụng thuốc kháng đông suốt đời. Bất lợi của việc sử dụng thuốc kháng đông là người bệnh phải thường xuyên tái khám (một-hai tháng) để xét nghiệm độ loãng của máu. Nếu máu không loãng thì van cơ học có thể bị kẹt do huyết khối. Khi van nhân tạo bị tắc nghẽn, máu không thể lưu thông. Đặc biệt, bệnh nhân (BN) nữ khi thay van cơ học nếu có thai sẽ rất nguy hiểm vì việc sử dụng thuốc kháng đông có thể gây ra tình trạng sẩy thai, quái thai. Sau khi gắn van tim cơ học, những BN lỡ có thai ngoài ý muốn phải nhập viện suốt thời gian mang thai để các bác sĩ theo dõi, thay đổi liên tục phác đồ thuốc kháng đông.

Dung van tim dong vat ghep cho… nguoi

Một ca mổ thay van tim sinh học tại Viện Tim TP.HCM - Ảnh: Phùng Huy

Van sinh học từ van tim heo, màng ngoài tim bò, ngựa có tính tương thích về sinh học cao; BN không cần xét nghiệm định kỳ xem độ loãng của máu. Tuy nhiên, van sinh học dễ bị hỏng, dày lên do xơ hóa hoặc vôi hóa dẫn đến hẹp van, rách van. Van sinh học không bền bằng van cơ học. Nếu van cơ học sử dụng trung bình từ 15-18 năm, có trường hợp y văn ghi nhận đến 33 năm thì tuổi thọ của van sinh học mới dừng lại ở 7-10 năm. Van sinh học thế hệ mới cũng chỉ được dùng 13-15 năm.

Với những trường hợp mang thai, van sinh học sẽ nhanh hư hỏng hơn vì quá trình chuyển hóa ở người mẹ tăng gấp đôi, các chất vôi lắng đọng nhiều hơn khiến van dễ bị hẹp hơn và phải thay van sớm hơn những BN khác. Một nghiên cứu vào năm 2012 tại Viện Tim TP.HCM dựa trên hơn 1.500 BN sau khi thay van tim cơ học (loại bicarbon- sorin) sau 15 năm, các bác sĩ nhận thấy, chỉ có 2,6-3,3% số ca phải mổ lại do sút van, huyết khối van...

Van sinh học có giá từ 44-50 triệu đồng/cái, thậm chí có loại lên đến 100 triệu đồng, còn van cơ học chỉ 22-30 triệu đồng.

Dung van tim dong vat ghep cho… nguoi

Van sinh học St Jude medical Epic II (heo)

Dung van tim dong vat ghep cho… nguoi

Van sinh học màng ngoài tim bò Carpentier-Edward Perimount

Ai cần thay van sinh học?

TS-BS Văn Hùng Dũng tư vấn: việc thay van sinh học hay van cơ học phụ thuộc vào chỉ định của bác sĩ phẫu thuật tim. Tùy từng trường hợp bệnh lý và vị trí tổn thương mà bác sĩ sẽ quyết định thay van cơ học hay sinh học. Ví dụ, ở vị trí van hai lá và van động mạch chủ, có thể chọn lựa van cơ học hoặc sinh học. Ở vị trí van ba lá thì chỉ chọn van sinh học. Phẫu thuật thay van sinh học phức tạp hơn vì van cồng kềnh, dễ bị rách nếu thao tác không khéo. BN được thay van sinh học thường là người trên 60 tuổi, BN nữ trẻ có ý định sinh con hoặc BN không thể sử dụng thuốc kháng đông kéo dài. Tại Việt Nam, độ tuổi cần thay van tim đa số từ 40 - 45 tuổi, nên chủ yếu vẫn dùng van cơ học.

Cũng theo TS-BS Văn Hùng Dũng, chỉ định thay van ở trẻ em rất hạn chế, chủ yếu là tạo hình van. Nguyên nhân, van tim của trẻ thường có kích thước nhỏ nên không có cỡ van phù hợp. Hơn nữa, cơ thể của trẻ chuyển hóa rất cao và rất khó đảm bảo bệnh nhi sẽ tuân thủ việc uống thuốc kháng đông điều độ nên thay van tim dễ xảy ra tai biến, nguy hiểm đến tính mạng.

Việt Nam có nhiều BV thực hiện thay van tim gồm: Viện Tim TP.HCM, BV Chợ Rẫy, BV Nhân dân 115, BV Nhân dân Gia Định, BV Tim Tâm Đức, BV Triều An, BV 175, Viện Tim Hà Nội, BV Việt - Đức, BV Trung ương Huế...

 Văn Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI