Đừng để hụt hơi vì... xả hơi!

16/07/2022 - 08:28

PNO - Sau khi thi học kỳ, trẻ thường được cha mẹ “bù đắp” bằng cách cho phép tự do xài điện thoại lướt mạng xã hội, xem phim… mà không lường rằng đôi khi, “phần thưởng” đó khiến trẻ chìm đắm trong thế giới ảo, sợ hãi mọi thứ xung quanh.

Trẻ tự do chơi điện thoại, chìm đắm vào thế giới ảo

Vừa thi xong môn cuối cùng của kỳ thi vào lớp 10, em T.H.M. (ngụ quận Gò Vấp, TPHCM) liền mở nguồn điện thoại lướt Facebook cả ngày. Nghĩ con đã học hành quá căng thẳng, cha mẹ để M. tự do sử dụng.

Có lần, bạn của M. đến nhà chơi, vô tình nhắc đến thử thách nhảy từ lầu hai căn nhà bỏ trống gần trường, cha mẹ em gặng hỏi mới biết để chứng minh bản thân mạnh mẽ, M. và một bạn cùng khối đã quyết định hơn thua bằng cách nhảy lầu. May mắn, người lớn kịp thời ngăn cản.

Thạc sĩ Nguyễn Hải Uyên đang tư vấn cho trẻ - ẢNH MINH HỌA: PHẠM AN
Thạc sĩ Nguyễn Hải Uyên đang tư vấn cho trẻ - Ảnh minh họa: Phạm An

Chị Nguyễn Thị Thanh Thủy (mẹ M.) kể lại: “Con tôi và người bạn này thích một bạn nữ nên nhiều lần đặt ra thử thách, nếu ai thua phải nhường bạn nữ lại cho người kia. Trước thử thách nhảy lầu, cả hai đứa trẻ từng thực hiện thử thách vào nghĩa trang lúc 0 giờ, châm thuốc lá vào tay, đi dao giữa các ngón tay... Ở thử thách nhảy lầu, bọn trẻ còn dự định phát trực tiếp trên mạng xã hội để bạn nữ kia thấy ai can đảm hơn. Tôi nghe mà rụng rời”.

Sau khi cấm con thực hiện thử thách nhảy lầu, chị Thủy phát hiện con vẫn tiếp tục xem các clip thử thách, người phờ phạc, tính tình nóng nảy, tự nhốt mình trong phòng nên đưa con đến gặp bác sĩ tâm lý. Cuối phiên điều trị, M. thú nhận ban đầu cũng có cảm giác sợ nhưng qua mỗi thử thách, em cảm thấy thích thú hơn khi bạn bè hưởng ứng, tung hô. Sau hai thử thách đầu, thay vì sợ hãi, em càng thấy phấn khích.

Cũng sau kỳ thi căng thẳng, em N.T.T.L. (ngụ Đồng Nai) đăng thật nhiều hình ảnh, clip lên mạng xã hội vì gần một tháng ôn thi, em bị... mất tương tác. L. không bỏ qua bất kỳ bình luận nào nhằm chiều lòng bạn bè. Trong đó, những bức hình em mặc áo trễ vai, hở lưng đạt được số lượt thích lớn. 

Nhận thấy con gái có xu hướng khoe thân trên mạng, cha mẹ L. nhắc nhở nhưng bị em phản ứng gay gắt, chặn tài khoản. Thay vì ăn cơm, xem ti vi cùng gia đình, L. khóa cửa phòng, thâu đêm suốt sáng chụp ảnh, quay clip để “theo kịp bạn bè”. Đến khi bị các tài khoản “đối thủ” liên tục gọi điện, nhắn tin hăm dọa, chửi bới, em mới hoảng hốt cầu cứu mẹ mình.

“Tự dưng con chạy ra òa khóc, tỏ vẻ sợ hãi, luôn miệng nói bị dọa giết khiến tôi vô cùng hoảng sợ. Cháu như kiệt quệ vì nhiều đêm liền không dám ngủ, không dám ra đường vì sợ bị hành hung. Vừa rồi tôi đưa cháu đi khám, bác sĩ buộc phải cho cháu sử dụng thuốc điều trị. Hiện tại, cứ cách tuần cháu phải tái khám một lần” - mẹ L. nói. 

Được tự do sử dụng điện thoại từ nhỏ nên mới chín tuổi, bé P.H.M. đã xem nhiều phim người lớn. Sau mỗi lần xem, bé xóa lịch sử truy cập nên gia đình không biết. Người nhà chỉ phát hiện khi bé lén giấu quần lót của mẹ. Ban đầu, gia đình la mắng, cấm nhưng rồi quần của mẹ vẫn bị mất mỗi khi giặt, phơi; đến mức người nhà khóa tủ quần áo lại, bé vẫn tìm cách mở ra, cha mẹ bé mới tá hỏa đưa con đi kiểm tra tâm lý. 

M. cho biết bé đã giấu quần lót của mẹ hơn một năm qua. Bé chỉ trộm đồ để ngắm nghía rồi mang cất. Bé M. cho rằng đây là cách em thể hiện sự thương yêu với mẹ.

Đem con về từ… thế giới ảo

Mỗi ngày, tổng thời gian trẻ sử dụng thiết bị điện tử không nên quá ba giờ đồng hồ (Ảnh minh họa)
Mỗi ngày, tổng thời gian trẻ sử dụng thiết bị điện tử không nên quá ba giờ đồng hồ (Ảnh minh họa)

Theo thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hải Uyên, Khoa Tâm lý - Vật lý trị liệu Bệnh viện Nhi Đồng 2 TPHCM, để chuẩn bị cho kỳ thi, có trẻ được hứa hẹn hoặc tự bản thân trẻ ép mình trước và trong khi thi sẽ không dùng điện thoại, ngưng tham gia mạng xã hội, không ra ngoài chơi… Đôi khi với trẻ, đây là một nỗ lực rất lớn, giống như quả bong bóng bị nén lại. Vì thế, khi thi xong, trẻ và cả người thân cùng có suy nghĩ cho trẻ xả hơi. Lúc này, tâm lý phụ huynh mong muốn con được tự do sau thi. Trẻ cũng dễ phản kháng với bất kỳ ai góp ý khi trẻ lên mạng, xem phim quá nhiều vì cho rằng đây là phần thưởng trẻ đáng được hưởng. 

Tuy nhiên, từ đó, trẻ có nguy cơ mắc rối loạn giấc ngủ, rối loạn hành vi, thậm chí có tiêu chuẩn lệch lạc ở việc giải trí. Có trẻ xem phim người lớn khá nhiều và có những hành vi thủ dâm quá mức. Nguy hiểm nhất là “sống ảo” trên mạng xã hội.

Có lần thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hải Uyên vô tình nghe một nhóm học sinh ngồi đếm lượt thích, bình luận trên mạng xã hội. Các em trả lời từng bình luận rồi so sánh xem bạn nào có nhiều lượt thích, bình luận hơn. “Đây là tâm lý chung của bất kỳ ai khi tham gia mạng xã hội. Từ chính mình, chúng ta nên soi chiếu để hiểu các con hơn. Đặc biệt, trẻ ở giai đoạn dậy thì thường có nhu cầu thể hiện bản thân, khẳng định vai trò của mình trong hội, nhóm. Trong giao lưu bạn bè, một số thành viên cũng mong muốn bản thân sẽ trở thành thủ lĩnh” - chị chia sẻ.

Thủ lĩnh theo khái niệm của trẻ là người thu hút, ảnh hưởng nhiều. Như vậy, các lượt thích, bình luận trên mạng cũng là một trong những tiêu chuẩn cho khái niệm thủ lĩnh của trẻ ở tuổi này. Phải chăng ở những nơi khác các em không được công nhận, không khẳng định được cái tôi của mình? Điều này thật ra phản ánh thực trạng các em không phân biệt được ranh giới giữa thế giới thực và ảo. Càng ngày, các em càng tập trung gây sự chú ý trên mạng, không dành thời gian cho những hoạt động thực tế. Để phù hợp với sự khẳng định cái tôi trên mạng, trẻ buộc phải thay đổi nhằm nhận được nhiều lượt thích, bình luận và chia sẻ. 

Thậm chí, trẻ mang những lời nhận xét, bình luận trên mạng gắn vào bản thân, tự “dán nhãn” cho mình về những điều đó. Chỉ cần một xích mích nhỏ hoặc một lời bàn tán tiêu cực trên mạng cũng làm các em lung lay. Có trẻ suy sụp vì các bình luận này.

Mặt khác, sau các kỳ thi quan trọng, có trẻ đắm chìm trong phim kinh dị hay các bộ phim có nhiều tình tiết bi, hài, các đoạn clip ngắn, clip thử thách, mạo hiểm… rồi mang những tình huống đó vào cuộc sống. Có trẻ đến khám tâm lý khi nhìn đâu cũng thấy có người muốn hại mình, có trẻ chỉ chậu cây xanh nói đó là cây ăn thịt người, có trẻ không dám vào nhà vệ sinh vì: “Có con ma thò tay từ bồn cầu lên, một chút nữa vòi xịt sẽ biến thành con rắn”…

Với những trường hợp này, gia đình nên phối hợp với chuyên gia tâm lý đưa trẻ trở về thế giới thực qua các bài tập cảm nhận năm giác quan, cho trẻ tập trung, chú tâm vào những yếu tố thực tiễn.

Thay vì cấm đoán, cha mẹ nên giúp con cân bằng và quản lý thời gian sử dụng internet. Trẻ có thể xem điện thoại không quá một giờ đồng hồ, kể cả chơi game hay dùng mạng xã hội. Mỗi ngày, tổng thời gian trẻ sử dụng thiết bị điện tử không nên quá ba giờ đồng hồ.

Sau mỗi kỳ thi, cha mẹ nên chủ động đề xuất các hoạt động: thể dục, giao tiếp, du lịch, chơi giải mật mã… Các hoạt động này phù hợp cho trẻ giải trí và tăng sự tương tác giữa các thành viên trong gia đình.

Bên cạnh đó, cha mẹ nên giúp con lựa chọn những kênh hữu ích để tiếp cận, không đột ngột phản đối nội dung trẻ muốn xem bằng các câu nói mang tính phán xét như: “Clip này không nên coi”, “Clip này tào lao quá”...

Cha mẹ có thể đồng thuận và cho con xếp thứ tự nội dung theo sở thích, gợi ý clip hay và bổ ích, giúp trẻ không có cảm giác bị áp đặt. Từ đây, cha mẹ có thể kết hợp các từ ngữ thực tế để giúp con có sự phân biệt giữa thế giới thực và thế giới ảo. Khi trẻ sử dụng những từ ngữ đang “nóng” trên mạng xã hội hay nói một điều phi thực tế, cha mẹ hãy lập tức đưa con về thực tại.

Chẳng hạn nếu trẻ nói cây hoa sẽ ăn thịt người, cha mẹ nên đặt ra câu hỏi ngược: “Con từng thấy cây này “ăn” ai chưa” hoặc khẳng định đây chỉ là một cây hoa giúp làm đẹp cho khu vườn chứ không thể ăn thịt bất kỳ ai.

Nếu trẻ có phản ứng quá mạnh, hay bồn chồn, lo lắng, không ngủ, ngủ ít, biếng ăn, thu rút không giao tiếp… cha mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế hoặc cơ sở tư vấn, trị liệu tâm lý trẻ em. 

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI