Dũng cảm khước từ tảo hôn

25/04/2015 - 07:34

PNO - PN - Bị ép kết hôn khi chỉ mới 13 tuổi, bé gái Duli Hembrom ở bang Jharkhand (Ấn Độ), như bị dồn vào đường cùng, đã viết thư khẩn khoản xin hiệu trưởng can thiệp giúp. Cô bé hiểu kết hôn sớm đồng nghĩa với việc phải dập tắt...

edf40wrjww2tblPage:Content

Dung cam khuoc tu tao hon

Nụ cười lạc quan và tự tin của Durgesh

Dù pháp luật Ấn Độ có nhiều quy định cụ thể cấm tảo hôn, xét tuổi kết hôn của nữ là 18 tuổi, nhưng trên thực tế, nạn tảo hôn vẫn diễn ra phổ biến, dưới sự “bảo hộ” của chính các vị phụ huynh. Ông Lachhu Hembrom, bố Duli Hembrom khẳng định sẽ chẳng có thay đổi gì. Sau khi viết bức thư gây chấn động dư luận, Duli Hembrom cũng phải thuận theo lối mòn nhưng ít nhất, cô bé đã dũng cảm phản kháng và nói lên suy nghĩ của mình.

Ở Ấn Độ, có đến 18% trẻ em gái kết hôn dưới 15 tuổi, 47% kết hôn khi vừa được 18 tuổi. Quỹ Dân số Liên hiệp quốc (UFNPA) từng nhiều lần cảnh báo tảo hôn làm ảnh hưởng đến triển vọng tương lai của trẻ em gái, gây tác hại với sức khỏe sinh sản của các em.

Các ông bố bà mẹ luôn lo lắng con gái không tìm được đối tượng phù hợp nên thường sốt sắng ép gả con khi chưa đến tuổi trưởng thành. Với những trường hợp gia đình khó khăn, bố mẹ mong con sớm ổn định bằng cách lập gia đình. Ba năm trước, Bithika Das, khi ấy chỉ mới 15 tuổi, đã trở thành một trong những tấm gương cho những em gái trẻ.

Bị bố mẹ ép buộc kết hôn, Bithika một mực phản đối vì muốn tiếp tục đến trường. Em đã hành động bằng cách liên lạc với Văn phòng Quỹ bảo trợ trẻ em Ấn Độ tại Tây Bengal, nơi em sinh sống. Nhờ đó mà em thoát khỏi cuộc hôn nhân bị sắp xếp để giờ đây vẫn được tiếp tục theo đuổi ước mơ học tập của mình.

Dung cam khuoc tu tao hon

Bithika Das đã tự giúp mình thoát khỏi hôn nhân sớm để tiếp tục con đường học vấn - Ảnh: IB Times

Giúp mình, giúp người, đó là điều mà cô bé 15 tuổi Durgesh (sống tại huyện Firozabad, bang Uttar Pradesh) đã làm được. Em là người sáng lập và cũng là thủ lĩnh điều hành câu lạc bộ phụ nữ, trẻ em gái địa phương. Nhiệm vụ của tổ chức này là thuyết phục các bậc phụ huynh nói không với tảo hôn vốn ăn sâu vào nếp nghĩ của người dân xứ này.

Chiến dịch do Durgesh thực hiện thành công ngoài mong đợi với số vụ tảo hôn dần tiến về mức zero. Phụ huynh ở Firozabad không còn đặt ưu tiên tìm chồng cho con, thay vào đó là cho con gái được học hành đến nơi đến chốn. Durgesh giờ đây đã trở thành niềm tự hào của quê nhà và là tấm gương cho những cô gái trẻ khác.

Với những cô gái có học vấn tử tế, bố mẹ lại càng lo lắng vì họ cho rằng khó tìm được người tương xứng. Tháng trước, một cặp vợ chồng ở Bangalore lên mạng rao tuyển chàng rể cho cô con gái Indhuja Pillai (23 tuổi). Cô con gái cá tính phản ứng lại bằng cách thay đổi lý lịch quá mềm mại, chỉn chu mà bố mẹ “vẽ” cho mình. Cô bổ sung nội dung cho thấy mình là một phụ nữ tự chủ, không bị cuốn theo những định kiến lạc hậu, cũ kỹ. Cô viết rằng, mình trông khá sành điệu, nghiện mua sắm hàng thời trang, không thích trẻ con và chẳng hề nữ tính. Cô “khuyến cáo” các anh nên hỏi ý kiến phụ huynh trước khi tìm hiểu cô.

Bản lý lịch tuyển chồng độc đáo của Indhuja Pillai được lan truyền nhanh chóng trên mạng và cô được mọi người ví như là biểu tượng của phụ nữ hiện đại tại Ấn Độ. Indhuja Pillai đã làm dấy lên một làn sóng suy nghĩ mới mẻ, rằng phụ nữ chỉ nên kết hôn với người đàn ông sẵn sàng chung sống với mình và hôn nhân không phải là nghĩa vụ mà bất cứ phụ nữ nào cũng cần phải vội vã hoàn thành để rồi hệ lụy sau đó chính là nạn tảo hôn.

Tảo hôn sâu xa cũng xuất phát từ suy nghĩ bất bình đẳng giới tính. Trong khi đó, thay đổi quan niệm bất bình đẳng đang là một bài toán khó với chính quyền Ấn Độ. Theo thống kê vừa được công bố thì mỗi ngày ở Ấn Độ có đến 2.000 bé gái bị giết chết ngay trong bụng mẹ hoặc ngay sau khi vừa được sinh ra chỉ vì phân biệt giới tính, ưu tiên bé trai hơn bé gái.

Cuộc chiến đẩy lùi nạn tảo hôn, “cởi trói” cho phụ nữ trong quan niệm về hôn nhân đang là trào lưu mạnh mẽ ở Ấn Độ hiện nay. Nó không chỉ xuất phát từ mỗi cá nhân mà còn là một cuộc chiến đích thực, nơi mà ai cũng có thể chung tay góp sức hoặc góp tiếng nói của mình.

THIÊN NHƯ
(Theo Independent, Daily Mail, Metro)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI