Đứa trẻ trong mình

31/05/2015 - 06:34

PNO - PN - Mỗi người đều từng là đứa trẻ, và đều có lúc quên mình từng là một đứa trẻ. Phải biết quên thì mới lớn lên, mới trưởng thành được. Phần nữa, vì không dễ gì để nhớ những cảm giác, những suy nghĩ trẻ con. Đứa...

 Vậy nên, nghĩ cho kỹ thì chủ đề “Lắng nghe trẻ em nói” của Tháng hành động vì trẻ em năm 2015 trở thành một thách thức. Bởi “lắng nghe” không phải chỉ là nghe âm thanh, nghe tiếng hát tiếng cười mà không trải lòng với những niềm vui nỗi buồn trong chuỗi âm thanh ấy. Phải để tâm hồn được trong, được lành, mới có thể nghe tiếng nói của trẻ. Hãy lắng nghe đứa trẻ trong mình, để quen với những âm điệu thực sự chuyển tải những nội dung trung thực của tuổi thơ.

Dua tre trong minh

Nguồn ảnh: internet.

Những đứa trẻ, khi buồn, khi đau ít nói ra thành lời, chỉ im lặng hoặc khóc thét. Vốn từ ngữ trẻ thơ chưa đủ để diễn đạt nỗi buồn, cảm xúc dỗi hờn con nít chưa đủ để đẩy đến nhu cầu phải chia sẻ, phải tâm sự; nên lắng nghe trẻ em cũng là lắng nghe từ sự im lặng của trẻ nhỏ.

Người ta hay có xu hướng chọn điều dễ hơn để làm, nên trong ngày đầu tháng Sáu, thường có những băng rôn chúc mừng ngày quốc tế thiếu nhi chăng rực rỡ, những đứa bé xúng xính quần áo theo cha mẹ đến những tụ điểm vui chơi, những phần quà, phần thưởng được trao vui vẻ.

Hầu như không có chỗ cho những khoảnh khắc yên lặng. Sân trường mẫu giáo, tiểu học, phổ thông cơ sở… đang vào mùa tổng kết năm học. Dù báo chí đã lên tiếng về sự lạm phát giấy khen, phần thưởng, nhưng hình như mọi chuyện cũng không thay đổi gì mấy.

Thêm vào đó là những bộ lễ phục tốt nghiệp rườm rà, nặng nề. Có chị đã viết email gửi hình con gái làm lễ tốt nghiệp lớp Lá, mặc bộ đồ như thể người ta tốt nghiệp… đại học vậy! Chị nhờ các phóng viên can thiệp giúp, để các bé tuổi mầm non còn được những ký ức tuổi thơ.

Cảm ơn chị đã nói giùm con trẻ, đã chỉ ra rằng chẳng có diễn đàn nào, cơ hội nào cho con trẻ được nói rằng “con thích” được chơi với bạn, được chạy nhảy tự do trong sân trường, rằng “con không thích” những áo mũ xa lạ này, những lúc phải đứng thẳng hàng cho chụp hình, phát bằng… hình thức và mệt mỏi.

Tháng “Lắng nghe trẻ em nói” có mục tiêu rất rõ ràng: tạo môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ và cho trẻ cơ hội tham gia, nói lên suy nghĩ và mong muốn của chính các em. Một tinh thần đơn giản, nhưng thực hiện được không hẳn là đơn giản. Tháng Sáu này cũng là thời điểm các bậc phụ huynh hăm hở tìm chỗ cho con đi học thêm tiếng Anh trong hè, đi phụ đạo thêm môn học còn yếu, đi rèn chữ, đi tham gia các học kỳ quân đội…

Chúng ta nghĩ mình đang trang bị các kỹ năng sống tốt nhất cho con, đang trang bị hành trang cho tương lai của con, để con có cơ hội hơn bạn bè trong những cuộc ganh đua quyết liệt vào trường chuyên lớp chọn, xếp thứ hạng cao. Chẳng ai thấy mình đang bắt con trẻ lắng nghe những ước vọng, chấp hành những mệnh lệnh của người lớn. Chẳng ai thấy tiếng nói phản đối yếu ớt của trẻ thơ bị khuất chìm dưới những tràng răn dạy thuyết giảng của mẹ cha.

Chẳng ai thấy mình còng lưng chạy xe đưa con đi học dưới cái nắng gắt gỏng của Sài Gòn là vừa hành hạ mình, vừa hành hạ con. Riết rồi những đứa trẻ cũng thui chột dần đến đánh mất đi khả năng nói lên điều mình muốn, chúng bị động chấp nhận thứ tình thương nhào nặn của mẹ cha, trở thành ngoan, trở thành “gà công nghiệp”, trở thành những thanh thiếu niên lớn lên ngơ ngác không biết mình thực sự muốn làm gì, muốn trở thành ai trong cuộc đời này.

Một khi im lặng, người lớn mới có thể nghe thấy sự lặng im của con trẻ. Trong sự lặng im ngoan ngoãn vâng lời đó, có biết bao điều đã bị chính người lớn chúng ta bóp chết mà không hay. Thử nhớ lại đứa trẻ trong mỗi chúng ta, thuở ấu thơ từng mơ ước điều gì, từng phản ứng như thế nào với người lớn, từng khóc một mình bao nhiêu bận…, sẽ nhận ra mình chưa hề biết lắng nghe con.

Một “môi trường sống an toàn”, đôi khi không phải chỉ là chăn êm nệm ấm, no đủ áo cơm, được đến lớp học hành, mà còn là sự an toàn đủ để trẻ có niềm tin và tự nói ra điều trẻ mong muốn. So với sự an toàn về mặt vật chất, mức độ an toàn này cao hơn một bậc, đó là an toàn để hình thành và phát triển nhân cách của mỗi con người.

Mà nghĩ lại, những lần tự lắng lòng để nghe con trẻ, cũng là những lần để cho chính đứa trẻ trong mình được trò chuyện với con, như bạn bè.

Trong mỗi người lớn đều có một đứa trẻ con, đứa trẻ ấy sẽ cô đơn biết bao nếu không có những cuộc chuyện trò như thế.

LẬP PHƯƠNG

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI