Đưa dừa lên phố: Lạ nhưng phải cân nhắc

28/09/2015 - 09:26

PNO - Hiệp hội dừa Việt Nam vừa đề xuất với lãnh đạo UBND và HĐND TP.HCM, trồng 100.000 cây dừa trên các tuyến đường mới.

Dua dua len pho: La nhung phai can nhac
Ảnh mang tính minh họa - Nguồn: Internet

Hiệp hội dừa Việt Nam vừa đề xuất với lãnh đạo UBND và HĐND TP.HCM, trồng 100.000 cây dừa trên các tuyến đường mới, ven kênh rạch tại thành phố với mật độ 5m/cây. Ý tưởng nhận nhiều phản hồi của người dân và các chuyên gia.

Một số người dân sống ven kênh Tàu Hủ (Q.8) khi được hỏi đều lo ngại chuyện bị trái dừa, tàu dừa rơi vào đầu nếu dừa được trồng dọc các tuyến đường ven kênh.

Chưa kể, trẻ con phá phách trèo cây dừa chẳng may té ngã. Anh Nguyễn Cao Thăng (Q.8) cho rằng: “Tôi từng trồng dừa ở quê nên biết rõ, dù cây dừa có ưu điểm là giữ đất, chống xói lở nhưng hoa dừa có mật, dầu nên hút chuột, đuông cắn phá làm trái rụng sớm, rất nguy hiểm nếu không cắt tỉa kịp thời”.

Chị Nguyễn Thanh Tâm đặt câu hỏi: chẳng may dừa rơi trúng đầu người dân gây thương tích thì ai chịu trách nhiệm? Lực lượng nào sẽ cắt tỉa, chăm sóc dừa, TP sẽ tốn thêm bao nhiêu kinh phí để “nuôi"?

Theo TS Nguyễn Văn Hiếu - giảng viên Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng ở TP.HCM, cây dừa sẽ phát triển tốt, chống chọi được mưa bão.

Tuy nhiên, cây dừa thường dễ rụng trái và rơi tàu dừa khô rất nguy hiểm. Vì vậy, nên trồng dọc bờ kênh có hành lang cây xanh để cách ly với người đi đường, không nên trồng dọc đường đi.

Ngoài ra, nếu trồng dừa để lấy bóng mát và cảnh quan nên chọn giống dừa thấp để tránh nguy hiểm và nên xử lý lấy mật dừa, không cho dừa ra trái sẽ tốt hơn.

Nhiều chuyên gia giao thông còn lo ngại rễ dừa sẽ làm hư hỏng đường sá. Ông Ngô Hải Đường - Trưởng phòng Quản lý và khai thác hạ tầng giao thông đường bộ Sở GTVT TP.HCM nói:

"Nếu cây dừa được trồng ven các tuyến đường mới đã được bê tông hóa thì tôi phản đối vì rễ chùm của dừa sẽ phá hỏng đường sá nếu có thì chỉ nên trồng theo cụm như công viên hoặc trồng dọc các bờ kênh, tuyến rạch, sông chưa được bê tông hóa”.

ThS Phạm Sanh - chuyên gia giao thông nói rằng, ông rất ngỡ ngàng với đề xuất này vì những loại cây nào hay, có lợi, các nước trên thế giới đã triển khai. Người ta chỉ trồng dừa ven bờ biển với mục đích giữ đất, chống sạt lở, chưa ai mang lên các tuyến phố để trồng vì: thứ nhất, trồng ở phố, tán dừa không rộng, không tạo bóng mát, phải đẻ thêm kinh phí cho lực lượng chăm sóc, cắt tỉa cành, trái.

Thứ hai: bộ rễ chùm của dừa rất khó xử lý vì lan rộng, có khi cả chục mét, nếu trồng gần đường sá, nhà cửa sẽ gây hư hỏng. Thứ ba, nếu dùng biện pháp can thiệp cho dừa không ra trái, xử lý mật hoa sẽ tốn kém, lãng phí. Vì vậy hãy chọn trồng cây khác!

Kiến trúc sư Trương Song Trương - giảng viên Khoa Quy hoạch ĐH Kiến trúc TP.HCM nhận định: “Đây là ý tưởng mới, lạ. Việc tạo thêm cảnh quan, bóng mát cho thành phố là rất cần thiết vì hiện nay do quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh, bê tông hóa trên khắp các tuyến đường khiến nhiệt độ thành phố nóng hơn. Việc trồng dừa dọc bờ kênh vừa giúp tạo cảnh quan, bóng mát vừa giúp giữ đất. Nhưng với điều kiện phải trồng dừa trên các tuyến kênh chưa bê tông hóa, nếu bê tông hóa mà trồng dừa thì mất đi ý nghĩa giữ đất. Để hài hòa giữa ý tưởng và thực tế, theo tôi chỉ nên trồng loại dừa không ra trái và chăm sóc, cắt tỉa tàu khô kịp thời”.

"Ở vùng nông thôn, dừa không chỉ cho trái mà tàu dừa còn được người dân tận dụng làm củi, cây dừa giúp giữ đất, khử mặn… Nhưng nếu trồng ở đô thị, phố xá thì những lợi ích trên không phát huy. Theo tôi, chỉ nên trồng ven kênh, rạch tự nhiên để giữ đất hoặc những công viên, dự án ven sông để tạo cảnh quan, tuyệt đối không nên trồng ven các tuyến đường sẽ gây nguy hiểm, mất an toàn cho người đi đường”, ThS Phạm Sanh chia sẻ thêm.

Một cán bộ của Phòng Quản lý cây xanh Sở GTVT cho biết, đơn vị này vẫn chưa nhận được chỉ đạo từ phía lãnh đạo Sở. Vì vấn đề được người dân quan tâm nên khi được giao nghiên cứu, đơn vị này sẽ xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng.

Thu Hồng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI