Dù công hay tư, vẫn hướng đến nền y tế phi lợi nhuận

12/10/2018 - 06:30

PNO - Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, dù cho tự chủ, xã hội hóa hay hợp tác công tư, thì vẫn phải làm sao phát triển y tế theo hướng cơ bản là phi lợi nhuận.

Chiều 11/10, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã đến thăm, làm việc tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 và Bệnh viện Nhân Dân 115 (TP.HCM). Bên cạnh các vấn đề liên quan đến chăm sóc điều trị, phòng chống dịch bệnh, điều làm ông Đam hết sức quan tâm chính là kiến nghị của các bệnh viện về cơ chế tự chủ. 

Du cong hay tu, van huong den nen y te phi loi nhuan
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đến thăm, làm việc tại Bệnh viện Nhi Đồng 1. Ảnh: Quốc Ngọc

Theo đó, cho phép bệnh viện (BV) được thí điểm mô hình doanh nghiệp theo Nghị định 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập nhằm mục đích xây dựng BV thành BV hiện đại tầm quốc tế, tham gia cung cấp dịch vụ y tế quốc tế và góp phần đóng góp vào GDP quốc gia.

Căng-tin thành… phòng bệnh

Tại BV Nhi Đồng 1, Phó thủ tướng liên tục nói lời cảm ơn bác sĩ, nhân viên y tế đã luôn tìm cách đáp ứng đòi hỏi chính đáng của người dân là khám chữa bệnh và sự vất vả mỗi khi dịch bệnh. “Lý thuyết vậy thôi, chứ bây giờ làm sao tuyến dưới giữ được mà bệnh nhân không lên tuyến trên, lên TP.HCM? Khi có người thân ốm, nhất là các cháu nhỏ, thì luôn luôn cứ chỗ nào tốt nhất là người ta đi. Mà họ về đây thì làm sao mình từ chối được? Nghe việc phải cải tạo cả căng-tin BV để làm phòng bệnh, kê giường mà tôi khâm phục”, ông Đam nói. 

Theo báo cáo của BV Nhi Đồng 1, hiện số giường thực kê tại đây đã lên con số 1.600 giường (công suất 1.400 giường). Áp lực bệnh nhân nặng đến từ các tỉnh chiếm 60-70%. Tính đến thời điểm này, BV đang điều trị 46 ca tay chân miệng độ nặng, trong đó đã có 1 ca tử vong. Ngoài ra, có 106 ca sốt phát ban nghi sởi. Với các bệnh dịch như tay chân miệng, sởi thì việc quá tải càng khiến nguy cơ lây lan bệnh rất nhanh.

“Tôi xót ruột về bệnh tay chân miệng trong năm nay nhưng chúng ta đừng quên dịch sởi năm nào. Việc phòng bệnh phải làm thường xuyên theo chu kỳ bệnh và rút kinh nghiệm đừng để khi có dịch rồi mới cấp tập đi chống dịch, phải làm từ lúc chưa có dịch. Sang năm là chu kỳ của bệnh sởi, chúng ta càng phải làm quyết liệt hơn”, ông Đam lưu ý. 

Du cong hay tu, van huong den nen y te phi loi nhuan
Ảnh: Hiếu Nguyễn

Việc quá tải BV của thành phố, theo ông Đam, dù có thêm ba BV cửa ngõ vừa phê duyệt, thì tình trạng này cũng vẫn căng thẳng trong những năm tới. Ông đề nghị Bộ Y tế có cơ chế sao cho dân chủ và phân bổ kế hoạch hợp lý cho TP.HCM.

Mặt trái của xã hội hóa

Nói đến cơ chế, BV Nhân Dân 115 (và cả BV Nhi Đồng 1) đã nêu hàng loạt chuyện bất cập mà các BV đang “chịu đựng”. Cụ thể, vấn đề giao dự toán chi bảo hiểm y tế (BHYT). Số lượt khám chữa bệnh chín tháng đầu năm 2018 của BV Nhân Dân 115 tăng cao so với cùng kỳ, hầu hết là bệnh nhân nặng cần can thiệp điều trị đặc hiệu.

Như vậy, số lượt bệnh nhân tăng nhưng dự toán chi BHYT không tăng sẽ dẫn đến vượt quỹ, vượt trần. Giám đốc BV rất khó khăn trong tìm giải pháp, nhất là không thể từ chối tiếp nhận và can thiệp cho bệnh nhân. BV đề xuất chi phí khám chữa bệnh BHYT trong năm cần được quyết toán căn cứ vào chi phí thực tế sử dụng cho bệnh nhân.

Ngoài ra, còn hàng loạt bất hợp lý khác liên quan đến giá dịch vụ khám chữa bệnh, quy định trích lập nguồn cải cách tiền lương 35%, định mức mua sắm trang thiết bị y tế, mua xe cứu thương vướng Nghị định quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng ô tô chưa được Chính phủ ban hành...

Về cơ chế tự chủ, các BV đều kiến nghị cho phép thí điểm mô hình doanh nghiệp theo Nghị định 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ. 

Du cong hay tu, van huong den nen y te phi loi nhuan
Ảnh: Hiếu Nguyễn

Trả lời vấn đề giao dự toán chi BHYT, bà Lưu Thị Thanh Huyền - Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP.HCM - cho biết, UBND TP.HCM đã chỉ đạo giao trách nhiệm phân bổ cho từng đơn vị. Cụ thể là Sở Y tế và BHXH thành phố sẽ cân đối. Mức đầu tiên mà BHXH thông báo cho các BV là mức dự trù. Mức này căn cứ trên cơ sở, thứ nhất là số thẻ BHYT đăng ký ở BV có tăng hay không, thứ hai là lượng bệnh nhân đến như thế nào.

“Xin báo cáo, sau chín tháng đầu năm thực hiện thì BHXH thành phố đã rà soát lại cách tính. Tức là cũng phải dựa vào cụ thể các đơn vị có thay đổi về cơ cấu bệnh nhân đến cũng như số thẻ đăng ký, từ đó sẽ linh động điều chỉnh mức giao dự toán hợp lý, chứ không phải cứ giao mức dự toán là cố định như thế”, bà Huyền “tháo gỡ” trước vị đại diện Chính phủ.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định: cơ chế tự chủ đối với các BV hiện rất cần thiết, tuy nhiên thực hiện còn rất chậm. Trong tình hình hiện tại, các BV lớn cần có cơ chế riêng. Một mặt phục vụ nhân dân trong nước, một mặt vươn lên đáp ứng những phương tiện kỹ thuật, trình độ chuyên môn chữa bệnh cho người nước ngoài. 

Trước mắt, Chính phủ đã cho phép bốn BV lớn trên cả nước thực hiện thí điểm cơ chế tự chủ, gồm BV Chợ Rẫy và ba BV tại miền Bắc. Tuy nhiên, ông Đam nhắc nhở về những mắt trái của xã hội hóa. “Thực tế chúng ta đã thấy xã hội hóa tạo sự bất bình đẳng giữa đối tượng người bệnh nghèo, bệnh BHYT và người có điều kiện. Tại nhiều nơi, việc đặt trang thiết bị (nguồn xã hội hóa) cũng tạo nhiều tiêu cực lãng phí, bệnh nào cũng chỉ định dùng máy để tăng thu”, ông Đam nói.

Phó thủ tướng cho rằng, dù cho tự chủ, xã hội hóa hay hợp tác công tư, thì vẫn phải làm sao phát triển y tế theo hướng cơ bản là phi lợi nhuận. 

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI