Dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội có nhiều sai phạm, nguy cơ thiệt hại 40 triệu USD

25/11/2020 - 21:32

PNO - Ngày 25/11, Thanh tra Chính phủ đã có thông báo về kết luận thanh tra theo đơn tố cáo liên quan đến Dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, Nhổn - ga Hà Nội.

Điều chỉnh tăng 6,5 triệu euro

Theo đó, tố cáo này đã được ông Lương Xuân Bình, nguyên Phó trưởng Ban Quản lý (BQL) Đường sắt đô thị Hà Nội về Dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội gửi đến nhiều cơ quan chức năng trong nhiều năm qua.

Dự án Đường sắt Đô thị tuyến Nhổn - ga Hà Nội.
Dự án Đường sắt Đô thị tuyến Nhổn - ga Hà Nội

Kết quả thanh tra chỉ rõ, Dự án đường sắt đô thị đoạn Nhổn - ga Hà Nội do BQL  Đường sắt đô thị Hà Nội làm chủ đầu tư, Công ty Systra (Pháp) được chọn làm đơn vị tư vấn. Từ tháng 11/2007, BQL Đường sắt đô thị Hà Nội đã ký với Công ty Systra hợp đồng trọn gói dịch vụ tư vấn.

Tuy nhiên, hợp đồng trọn gói về dịch vụ tư vấn ngay khi được triển khai đã nảy sinh các tồn tại, bất cập, bất hợp lý làm phát sinh những vướng mắc giữa các bên. Trong hợp đồng trọn gói có sự bất cập, thiếu sót, nhiều nội dung không rõ ràng, dẫn đến các cách hiểu khác nhau. Ngoài ra việc hiểu nghĩa nội dung giữa bản tiếng Việt và tiếng Anh của các bên cũng có những điểm khác nhau nhất định.

Dự án có quy mô lớn và phức tạp đầu tiên áp dụng công nghệ và tiêu chuẩn mới của nước ngoài vào Việt Nam, nhưng hợp đồng chỉ xác định thời gian 25 tháng với tổng giá trị 10,6 triệu euro là không khả thi, khó đáp ứng và chưa lường hết được các yêu cầu trong việc thực hiện dự án đặc biệt này.

Một số nội dung điều chỉnh tăng giá trị hợp đồng nhưng không tăng nhiệm vụ mà chủ yếu do quá trình thực hiện các nhiệm vụ của phía Systra bị chậm trễ kéo dài so với hợp đồng trọn gói ban đầu. Vì các nguyên nhân khách quan và chủ quan nên Systra phải huy động nhân sự, chi phí cho thời gian kéo dài dẫn đến phát sinh chi phí.

Trong quá trình thực hiện, chủ đầu tư và tư vấn đã ký 3 phụ lục điều chỉnh thời gian thực hiện và giá hợp đồng. Giá trị hợp đồng sau điều chỉnh trên 17,1 triệu euro (tăng trên 6,5 triệu euro so với hợp đồng ban đầu).

Mặt khác, quá trình thương thảo điều chỉnh hợp đồng tư vấn, chủ đầu tư không làm rõ trách nhiệm của tư vấn Systra trong việc chậm trễ để xác định chi phí và giảm trừ khi lập dự toán bổ sung.

Trách nhiệm này được xác định thuộc về lãnh đạo BQL Đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) qua các thời kỳ, các đơn vị thuộc tập thể MRB và tập thể, cá nhân liên quan. Các cơ quan, đơn vị tư vấn đã nêu trên và các Sở gồm: Quy hoạch Kiến trúc, Kế hoạch Đầu tư.

Ga ngầm S9 đang thi công tầng trung chuyển, có độ sâu 19m dưới lòng đất - Ảnh: Báo tin tức
Ga ngầm S9 đang thi công tầng trung chuyển, có độ sâu 19m dưới lòng đất - Ảnh: TTXVN

Nguy cơ thiệt hại 40 triệu USD

Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra nội dung tố cáo của ông Lương Xuân Bình về các sai phạm trong việc lựa chọn nhà thầu thực hiện Gói thầu số 1 (Đoạn tuyến trên cao), Gói thầu số 3 (Hầm và các ga ngầm) là có cơ sở.

Với Gói thầu số 1, theo văn bản số 629/BC-KHĐT ngày 28/6/2013 của Sở Kế hoạch Đầu tư Hà Nội thì việc đánh giá giữa Tư vấn Systra và Chủ đầu tư không thống nhất, có sự không minh bạch, không thực hiện đúng quy định của luật đấu thầu.

Với Gói thầu 3, kết luận Thanh tra chỉ rõ Nhà thầu JV và MRB đã ký hợp đồng thi công gói thầu khi chưa có mặt bằng sạch bàn giao để nhà thầu thi công. Hiện tại mặt bằng các ga 9, 10, 11 đang điều chỉnh quy hoạch, chưa thể giải phóng mặt bằng được. Việc chậm bàn giao mặt bằng dẫn đến việc nhà thầu phải điều chỉnh kế hoạch triển khai. Do đó nhà thầu yêu cầu bổ sung kinh phí khoảng 40 triệu USD nguy cơ gây thiệt hại cho nhà nước.

Thanh tra Chính phủ kiến nghị UBND thành phố Hà Nội tổ chức kiểm điểm và chỉ đạo MRB cùng các Sở, ban, ngành liên quan thực hiện kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân qua các thời kỳ có liên quan đến các vi phạm; căn cứ kết quả kiểm điểm có biện pháp xử lý đối với những tập thể, cá nhân trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.

An Vũ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI