Đột nhiên thấy vết bầm tím trên da, coi chừng các bệnh nguy hiểm này

13/12/2016 - 15:25

PNO - Khi vô tình phát hiện ra vài vết bầm tím trên cánh tay, đùi... mà không rõ nguyên nhân, bạn đừng chủ quan vì có thể dấu hiệu của tiểu đường, ung thư máu...

Chào bác sĩ, em năm 27 tuổi, mặc dù không va chạm vào đâu, nhưng gần đây em thấy trên da thường xuyên xuất hiện những vết bầm tím không hề đau nhức. Bác sĩ có thể cho em biết nguyên nhân? Vết bầm tím này có phải biểu hiện của bệnh không? Hiện tại em cần phải làm gì? Mong sớm nhận được câu trả lời của bác sĩ, cảm ơn! (Thanh Lan, Bắc Ninh)

Trả lời:

Chào bạn Thanh Lan!

Rất cảm ơn bạn đã tin tưởng và chia sẻ băn khoăn với chúng tôi. Về thắc mắc “hiện tượng bầm tím trên da xuất hiện không rõ nguyên nhân” của bạn, xin được tư vấn bạn như sau:

Khi nhìn thấy vết bầm tím do tụ máu trên da, bạn cần phải biết rằng máu (chủ yếu là hồng cầu) đã thoát ra khỏi mạch máu và tiếp theo sẽ là hàng loạt các phản ứng nối tiếp nhau một cách nhanh chóng, nhằm tạo ra một nút cầm máu ở tại chỗ bị thương để ngăn ngừa chảy máu tiếp cũng như hàn gắn vết thương, sau cùng lặp lại sự lưu thông bình thường. Quá trình trên là sự tương tác rất phức tạp của nhiều yếu tố như thành mạch, tiểu cầu và các yếu tố đông máu.

Dot nhien thay vet bam tim tren da, coi chung cac benh nguy hiem nay

Như vậy bầm máu trên da có thể là tổn thương thành mạch sau chấn thương, va chạm, tụ máu sau phẫu thuật, sau tiêm truyền, ngoài ra còn có thể do các bệnh lý như bệnh Scobut hay còn gọi là bệnh thiếu vitamin C… khiến cơ thể không sản xuất đủ tiểu huyết cầu hoặc tiểu huyết cầu không đảm bảo vai trò dẫn đến xuất huyết dưới da, hoặc do những nguyên nhân gây rối loạn quá trình đông máu như giảm số lượng hoặc chất lượng tiểu cầu, rối loạn các yếu tố đông máu hoặc tổn thương thành mạch mắc phải.

Những người thực hiện các bài tập mạnh, nhanh, nâng trọng lượng, có thể vô tình làm tổn thương mình mà không hề hay biết. Tập thể dục cũng gây nhiều áp lực cho các cơ bắp dẫn đến 'bùng nổ' mạch máu nhỏ gây ra vết bầm.

Khi có tuổi, quá trình cơ thể sản xuất collagen giảm và lớp mỡ bảo vệ da bị mất. Sau tuổi 60, cơ thể có thể xuất hiện các vết bầm tím không lý do.

Xuất huyết dưới da là hiện tượng phổ biến, thông thường do sự va đập hoặc diễn ra tự nhiên do thiếu vitamin, axit folic,… Nhưng vết bầm tím không đau, không ngứa này cũng có thể lại là biểu hiện bệnh lý sau.

Bệnh tiểu đường. Nếu một người dễ bị bầm tím trên một vài khu vực da nhất định của cơ thể, đó có thể là dấu hiệu của bệnh tiểu đường. Chúng xảy ra do các mạch máu bị hư hại bởi có quá nhiều glucose di chuyển trong các tĩnh mạch, động mạch. Nó khiến cho máu khó lưu thông đến các vùng khác nhau của cơ thể – một điều cần thiết để vá lành vết thương.

Rối loạn máu. Trong các loại bệnh máu có một bệnh được gọi là máu khó đông khiến máu không dễ đông lại và hay bị chảy máu trong thời gian kéo dài. Do đó, một va chạm nhẹ nhàng cũng có thể gây bầm tím. Ngoài ra, nếu bạn thấy xuất hiện vết bầm mà không rõ nguyên nhân, đó cũng có thể là dấu hiệu của bệnh ung thư máu. Do đó, bạn phải tham khảo ý kiến bác sĩ nếu thường xuyên có những vết bầm tím bất thường như vậy.

Bệnh ban xuất huyết. Trong bệnh da này, máu thoát ra từ các mao mạch nhỏ, dẫn đến hàng ngàn vết bầm tím nhỏ. Bệnh có thể gây ngứa ở những trường hợp nặng. Bôi kem chống nắng hoặc kem thuốc theo đơn có thể giúp loại bỏ tình trạng này.

Tình trạng có các vết bầm xuất hiện không rõ nguyên nhân và không gây đau xảy ra ở khá nhiều người, chúng ta thường hay chủ quan và bỏ qua chúng. Đa phần các vết bầm trên da là lành tính, tuy nhiên, bạn cũng không nên coi thường bởi có thể rơi vào trường hợp bệnh lý nguy hiểm. Để biết chính xác nguyên nhân của vết bầm, cần xét nghiệm máu để xem lượng tiểu huyết cầu có bình thường hay không.

Do đó, để biết rõ tình trạng sức khỏe của bản thân tôi khuyên bạn sớm đến các cơ sở y tế thăm khám nhằm đưa ra những biện pháp hợp lí nhất.

Chúc bạn có một sức khỏe tốt nhất!

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI