Đồng bằng sông Cửu Long: Oằn mình chống hạn, mặn

08/04/2013 - 19:10

PNO - PN - Từ giữa tháng 2/2013 đến nay, tại nhiều vùng ven biển ở ĐBSCL, trong phạm vi bán kính khoảng 30km tính từ các cửa sông, nguồn nước ngọt từ các sông đã xem như biến mất, thay vào đó là nước mặn. Đến giữa tháng 3/2013, hầu hết...

Nhiều người trồng lúa ở các huyện Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú của tỉnh Bến Tre cho biết, trong vòng 10 năm trở lại đây, chưa năm nào nước mặn xâm nhập sớm (từ tháng Một), độ mặn cao bất thường và vào sâu trong đất liền đến 40 - 50km như thế. Hiện tại, ở các huyện này, hàng trăm ha lúa mới 45 - 50 ngày tuổi chết trắng vì nước mặn. Tương tự, gần 300 ha lúa ở xã Long Phú, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng đã bị chết vì nước mặn, ngoài ra còn gần 3.000 ha lúa đang chết dần vì thiếu nước ngọt. Ở các xã khác của huyện Long Phú như: Châu Khánh, Tân Hưng, Phú Hữu, Tân Thạnh, Trường Khánh, hàng ngàn ha lúa cũng đang bị nước mặn bao vây. Tại Tiền Giang, cùng thời điểm này, nước mặn đã lấn vào đất liền 55km (sâu hơn so với năm ngoái gần 10km). Hơn 30.000 ha lúa đông xuân khu vực ven biển đang chờ chết vì bị hạn, mặn.

Đáng lo ngại, năm nay nước mặn không chỉ xâm nhập từ biển Đông mà còn tràn vào từ biển Tây theo ngả Kiên Giang đổ về An Giang, đe dọa nhiều diện tích lúa trong vùng tứ giác Long Xuyên. Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, hiện tượng nước mặn xâm nhập sớm từ đầu tháng Một, vào sâu trong đất liền trên 40km, độ mặn tại nhiều trạm đo có trị số lớn hơn năm - mười lần so với cùng kỳ năm 2012 là hiện tượng bất thường. Hiện tượng này đang gây hại và đe dọa nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của hàng triệu người dân ở ĐBSCL. Đến giữa tháng 3/2013, lượng nước trên các sông ở vùng ĐBSCL đã thấp hơn 10 - 20% so với trung bình nhiều năm. Tình trạng này kết hợp với nắng nóng tạo điều kiện cho nước mặn xâm nhập sớm và nhanh chóng tiến sâu vào nội đồng.

Tình hình hạn, mặn ở ĐBSCL được dự báo sẽ còn gay gắt đến cuối tháng 5/2013, các địa phương cấp tập triển khai nhiều biện pháp đối phó.

Ở Tiền Giang, bên cạnh việc mở 60 vòi cấp nước phục vụ miễn phí cho người dân từ đầu tháng Ba đến tháng 5/2013, Chi cục Thủy lợi tỉnh khuyến cáo nông dân khẩn trương tận dụng các điều kiện để bơm chuyền nước hai lần cứu lúa, tức bơm từ kênh nước chính lên kênh nước cấp, rồi từ kênh nước cấp mới bơm lên ruộng. Ngành nông nghiệp nhiều địa phương cũng chỉ đạo đắp các đập thời vụ và đóng các cống ngăn mặn dọc các tuyến kênh, kết hợp ngăn triều cường tại các cống đầu mối để hạn chế thấp nhất mặn xâm nhập; đồng thời tranh thủ các đợt giảm triều cường, giảm mặn để điều tiết lấy nước ngọt cung ứng cho ruộng lúa; triển khai làm thủy lợi nội đồng, khẩn trương nạo vét nhanh các trục kênh chính để tăng nguồn nước ngọt dự trữ phục vụ sản xuất.

Hiền Dung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI