Đọc sách trong thời đại số

28/05/2025 - 11:27

PNO - Chương trình “Ngày hội vui học cùng sách” vừa được giới thiệu tại Đường sách TPHCM. Đây là một trong những nỗ lực gìn giữ và làm mới văn hóa đọc, vốn đang đối diện với nhiều thách thức trong kỷ nguyên số.

Giới trẻ đang bị than phiền là lười đọc, mê điện thoại, chỉ xem TikTok thay vì đọc sách… Thử đặt câu hỏi vì sao clip 30 giây lại hấp dẫn hơn cuốn sách 300 trang? Câu trả lời không phải chỉ là sự thiếu kiên nhẫn của người trẻ mà còn vì chúng ta chưa kịp thích nghi với nhịp sống và thói quen tiêu thụ nội dung của thời đại số.

Một bạn trẻ trải nghiệm nghe sách nói tại Tuần lễ sách và chuyển đổi số (10/2024) - Nguồn ảnh: Đường sách TPHCM
Một bạn trẻ trải nghiệm nghe sách nói tại Tuần lễ sách và chuyển đổi số (10/2024) - Nguồn ảnh: Đường sách TPHCM

Trong thế giới TikTok, YouTube…, video ngắn với thông tin nhanh, hình ảnh bắt mắt, âm thanh sinh động, mang lại cảm giác giải trí tức thì có sức hấp dẫn khó cưỡng. Vấn đề không phải vì người trẻ “lười đọc” mà vì 1 clip có thể tóm tắt nội dung 1 cuốn sách trong vài phút, không cần ngẫm nghĩ lâu. Điều này phù hợp với cách não bộ phản ứng trước sự quá tải thông tin, ưu tiên nội dung ngắn, dễ hiểu. Về mặt sinh lý học, dopamine - chất dẫn truyền thần kinh tạo cảm giác hưng phấn - tiết ra mạnh hơn khi não tiếp nhận thông tin mới liên tục thay vì ngồi đọc 1 chương sách mất 20 phút.

Đọc sách không “lỗi thời”, chỉ là cách tiếp cận đang lỗi nhịp. Thay vì trách giới trẻ thiếu kiên nhẫn, nên nhìn lại xem chúng ta đã và chưa làm gì để giữ văn hóa đọc trong thời đại số. Giờ học văn giáo viên vẫn yêu cầu học sinh phân tích tác phẩm theo khuôn mẫu, khiến việc đọc bị ép buộc, thay vì là một trải nghiệm cá nhân. Sách được xếp hàng trên kệ nhưng thiếu những hoạt động truyền thông hấp dẫn để mời gọi bạn đọc. Chưa có nhiều nhà xuất bản đầu tư vào chuyển thể nội dung sách sang các hình thức phù hợp với người trẻ như podcast, audio book, video minh họa, game tương tác...

Khoan trách người trẻ không tìm đến sách, khi sách chưa thực sự đến với họ. Trên thực tế, nhiều dự án số hóa nội dung sách đã chứng minh sức sống mạnh mẽ của văn hóa đọc khi được đặt đúng chỗ. Các kênh như Sách hay mỗi ngày, Hẻm Radio, Better Version… đã đưa sách trở lại bằng giọng kể đầy cảm xúc, gần gũi. Nền tảng TikTok cũng chứng kiến sự nổi lên của trào lưu #BookTok - nơi người dùng, chủ yếu là thế hệ Z - chia sẻ cảm nhận về sách một cách sáng tạo, hài hước, truyền cảm hứng đọc sách cho cộng đồng. Các thống kê đã khẳng định sức ảnh hưởng của #BookTok tới thói quen đọc sách của thế hệ Z. Nhiều đầu sách văn học kinh điển được “hồi sinh” nhờ hiệu ứng viral từ những clip ngắn.

Các hội sách hiện nay ngày càng được tổ chức với hình thức trẻ trung hơn, có khu vực chụp ảnh, trò chơi tương tác, mini show... Nhiều nhà xuất bản thử nghiệm đưa sách lên nền tảng podcast, tổ chức giao lưu qua live stream, tạo fanpage tương tác cho từng tựa sách. Đó là những bước đi cho thấy sách không hề “thua cuộc” nếu được đặt đúng trong bối cảnh truyền thông hiện đại.

Khái niệm đọc sách cần được định nghĩa lại. Đọc không chỉ là cầm sách giấy mà còn là nghe audio book khi đang di chuyển, xem một đoạn video giới thiệu nội dung hay đọc một trích đoạn được chia sẻ trên mạng xã hội rồi tìm hiểu sâu hơn. Chúng ta hãy làm cho sách trở thành một phần tự nhiên trong hành trình sống số của giới trẻ.

Thảo Nguyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI