"Độc chiêu” đòi nợ thuê

15/08/2013 - 14:04

PNO - PN - Nợ khó đòi, nhiều chủ nợ nhờ các băng nhóm giang hồ và một số công ty thu nợ tìm cách buộc con nợ trút hầu bao bằng những chiêu thức quái dị, vi phạm pháp luật.

Giữ người đòi tiền

Cuối tháng 6/2013, khi đang chuẩn bị cơm tối đợi chồng về, chị T.T.N.B. (ngụ P.Tân Thuận Tây, Q.7, TP.HCM) bất ngờ nhận được điện thoại thông báo chồng chị là anh Đ.V.A. đang bị bắt giữ do nợ tiền không trả. Khi chị B. hỏi số tiền cụ thể bao nhiêu, người đàn ông gọi điện thông báo số tiền để chuộc anh A. về là 468 triệu đồng với điều kiện giao tiền nhanh, không được báo công an. Chị B. tá hỏa vì số tiền lớn không thể lo kịp. Nhóm bắt cóc tiếp tục gọi điện cho chị nhưng lần này là tiếng anh A. khóc lóc cho biết đang bị chích roi điện, nếu không có tiền trả nợ sẽ bị giết. Chưa kịp trả lời chồng, nhóm bắt cóc giật điện thoại thông báo anh A. đã được đưa sang Campuchia, nếu gia đình chậm gửi tiền, nạn nhân sẽ bị cắt thận đem bán.

Trước đó, vào tháng 5/2013, anh V.Đ.T. (SN 1964), một con nợ khác bị chủ nợ thuê giang hồ bắt giữ đã may mắn trốn thoát. Theo tường trình của anh T., anh có nợ Dương Thị Bích Liễu (SN 1973, ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) 170 triệu đồng, nhưng do làm ăn thua lỗ nên mất khả năng chi trả. Sau nhiều lần đòi nợ không được, Liễu nhờ Dũng “chùa”, một tay anh chị có tiếng đòi giúp và thỏa thuận trả 50% số tiền đòi được. Ngày 3/5, phát hiện anh T. đang ở tiệm cắt tóc trên đường Lý Thường Kiệt, P.3, Q.Gò Vấp, Dũng “chùa” gọi hai đàn em đến yêu cầu anh T. trả tiền. Vì con nợ “nhẵn túi” nên bị hai đàn em của Dũng “chùa” bắt lên xe chở về một căn nhà ở P.Thạnh Xuân, Q.12. Đến nơi, Dũng “chùa” đánh anh T. gãy răng và tiếp tục đưa con nợ sang một khách sạn trên đường Cây Trâm (Q.Gò Vấp). Tiếp đó, Dũng “chùa” buộc anh T. gọi điện cho vợ mang tiền đến trả, nếu không sẽ giết chết. Sáng hôm sau, lợi dụng sơ hở của nhóm bắt cóc, anh T. trốn thoát và trình báo công an.

Trong vụ đòi nợ theo kiểu giang hồ xảy ra vào ngày 1/8 tại huyện Bình Chánh mới đây, tuy số tiền không lớn nhưng nhóm giang hồ đã đánh đập nạn nhân và cướp một xe máy, một điện thoại di động và ba triệu đồng. Cuối năm 2012, giới kinh doanh ở TP. Đà Lạt một phen thất kinh vì giám đốc một công ty phân bón bị Nguyễn Văn Hà (tự Hà Bá, ngụ P.Tân Hiệp, TP. Biên Hòa) và đàn em đâm chết tại chỗ. Nạn nhân trước đó nợ đối tác hơn 10 tỷ đồng. Theo một cán bộ Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45, TP.HCM), tình hình kinh tế khó khăn, nhiều cá nhân, doanh nghiệp phá sản là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng vay mượn lẫn nhau, nợ xấu khó đòi. Ngoài các hình thức đòi nợ theo kiểu thỏa thuận chia phần trăm dẫn đến vi phạm pháp luật, ngay cả các công ty thu nợ được cấp phép kinh doanh cũng áp dụng các kiểu đòi nợ “quái dị” khiến con nợ khủng hoảng tinh thần. Theo thống kê của Công an TP.HCM hiện có gần 20 cơ sở kinh doanh dịch vụ thu nợ với khoảng 140 người hoạt động đòi nợ thuê.

Băng nhóm đòi nợ thuê

Dùng "biện pháp mạnh"

Trong vai một người có nhu cầu thu hồi khoản nợ trị giá hơn một tỷ đồng mà đối tác nợ quá lâu không chịu trả, chúng tôi có mặt tại trụ sở công ty đòi nợ thuê S. (đường Trường Sơn, P.2, Q.Tân Bình). Tiếp chúng tôi là một nhân viên tư vấn nữ ngoài 20 tuổi. Sau khi tiếp nhận các giấy tờ liên quan đến khoản nợ, cô nhân viên cho biết công ty sẽ tiến hành xác minh các khoản nợ của chúng tôi xem có đúng thực tế hay không, sau đó sẽ gửi các giấy tờ cần thiết như: giấy thông báo việc đòi nợ cho người bị đòi nợ, thông báo cho công an địa phương về việc công ty sẽ tiến hành đòi nợ tại nhà, nơi làm việc của chủ nợ. "Sau khi xác minh xong, hai bên sẽ tiến hành ký hợp đồng, ngoài chi phí 28% số tiền thu hồi nợ, bên anh hỗ trợ cho tổ đòi nợ 13 triệu đồng tiền “công tác phí”, cô nhân viên cho biết. Theo hợp đồng (nếu hai bên ký kết), công ty S. cam kết sẽ dùng các biện pháp “nghiệp vụ” để thu hồi nợ.

Cảm thấy chúng tôi chưa yên tâm, cô nhân viên giới thiệu thêm một nhân viên nam (được giới thiệu là phụ trách nhóm người đòi nợ). Theo người thanh niên này, việc đòi nợ sẽ tiến hành theo đúng pháp luật. Anh ta còn giới thiệu đã thực hiện thành công nhiều hợp đồng đòi nợ ở TP.HCM, các tỉnh miền Tây. Khi chúng tôi đặt vấn đề công ty sẽ áp dụng những biện pháp nghiệp vụ gì để thu hồi nợ, người được cho là phụ trách nhóm đòi nợ giải thích cách làm: “Ban đầu tụi em kéo người xuống gặp người bị đòi nợ, phía gia đình người bị đòi nợ, công ty nơi người bị đòi nợ làm việc để… nói chuyện về việc thu hồi nợ. Nếu bước này chưa thành công, chúng em sẽ áp dụng phương pháp mạnh hơn”. Tuy nhiên, khi được hỏi về cách làm mạnh hơn như thế nào thì anh ta cho biết: “Anh cứ ký hợp đồng xong rồi chúng em sẽ bàn bạc cụ thể, quan trọng nhất là con nợ có khả năng chi trả, phía em sẽ có cách thu hồi”.

Tang vật gồm xe BMW, roi điện, kim tiêm dính máu bị công an TP.HCM bắt giữ vào tháng 7/2013

Lời “bật mí” của dân đòi nợ thuê

M., từng là phó giám đốc một công ty thu hồi nợ tại Q.Bình Thạnh cho biết, kiểu bắt người đòi tiền dù hiệu quả nhưng đối mặt với nhiều rủi ro, phạm pháp. Chính vì vậy, hoạt động của các công ty thu nợ hiện nay đa phần ưu tiên các phương án “mềm”, nhân viên đòi nợ cạo trọc đầu, xăm mình vằn vện nhưng ăn nói nhỏ nhẹ, cười tươi như hoa. M. cho biết, vừa qua, M. nhận một hợp đồng đòi nợ tại Q.12. Theo kế hoạch, M. điều tra biết chủ nợ thuộc gia đình công chức nên mỗi buổi sáng cho đàn em mang theo một bộ bàn ghế nhựa đến gần cổng nhà con nợ. Sáng ngày đầu tiên, đàn em của M. mặc áo ba lỗ, tay xăm hình rồng rắn thấy con nợ mở cửa đi làm liền cúi đầu lễ phép: “Em chào chị”. Ngày thứ hai, khi con nợ vừa dắt xe ra, gã đàn em của M. chạy ào đến nhanh nhảu: “Chị để em đóng cửa cho”. Con nợ sợ xanh mặt nhưng vẫn không dám la vì ngại cả xóm biết mình trốn nợ.

Đến ngày thứ ba, đàn em của M. đợi cuối buổi chiều chạy đến cổng cơ quan của con nợ nhờ người đưa thư tay vào thông báo: “Em đón cháu về rồi”. Khi con nợ đến trường thì thấy một đàn em khác của M. đang ngồi trước cổng nhà giữ trẻ nơi chị gửi con gái bốn tuổi. Một tuần sau, con nợ đem nhà thế chấp ngân hàng trả hết nợ, phi vụ của M. thành công. “Hiện nay chưa có quy định nhân viên công ty đòi nợ phải mặc đồng phục thế nào nên nhân viên các công ty đòi nợ cứ ăn mặc thoải mái, miễn sao nhìn dữ dằn là được”, M. nói.

Chiêu trò của kẻ đòi nợ thuê muôn hình vạn trạng, từ mang chất thải, xú uế đến vứt vào nhà hàng, căng băng rôn đòi nợ đến mang lựu đạn nhựa vào văn phòng con nợ… Càng khủng bố tinh thần, làm con nợ khiếp sợ thì càng dễ đòi nợ.

Đại úy Mai Trọng Hạnh, Phó đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an Q.10 cho biết, cơ sở pháp lý cho dịch vụ đòi nợ hiện nay là Nghị định 72/2009 của Chính phủ và Thông tư 33/2010 của Bộ Công an. Tuy nhiên, quy định hiện nay chưa chặt chẽ, như không có quy định cấm hay không việc công ty dùng băng rôn để thông báo đòi nợ.

Luật sư Nguyễn Văn Trường, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, hành vi phạm pháp hình sự thường xảy ra đối với hoạt động thu nợ đó là: cưỡng đoạt tài sản, cướp tài sản, bắt giữ người trái pháp luật, xâm phạm chỗ ở của công dân, hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, đe dọa giết người. Đối với các chủ nợ (người thuê đòi nợ) nếu biết trước hành vi vi phạm của công ty thu hồi nợ mà vẫn thuê dịch vụ hoặc tạo điều kiện vật chất, tinh thần cho họ thực hiện dịch vụ thì các chủ nợ này có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với vai trò đồng phạm. Tuy nhiên, mức xử phạt hành chính đối với các công ty vi phạm các lỗi: sử dụng người không đủ điều kiện, tiêu chuẩn; không có giấy phép chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự; hoạt động không đúng địa chỉ, nội dung ghi trong giấy phép kinh doanh… hiện chưa cao, không đủ răn đe trong trường hợp công ty thu hồi nợ nhận một hợp đồng trị giá vài tỷ đồng.

Đầu tháng 8/2013, Bộ Tài chính lấy ý kiến dự thảo sửa đổi Nghị định 104 về kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Công ty làm dịch vụ đòi nợ phải cấp trang phục, thẻ nhân viên cho người lao động. Trên thẻ phải có ảnh, ghi rõ họ tên, chức vụ của người được giao nhiệm vụ và có dấu của doanh nghiệp. Ngoài ra, những người không mặc trang phục theo quy định, không đeo thẻ nhân viên hoặc không có giấy giới thiệu của công ty thu hồi nợ sẽ không được làm việc trực tiếp với chủ nợ hoặc khách nợ. Bộ Công an chỉ đạo lực lượng công an hướng dẫn quy định mẫu trang phục của nhân viên dịch vụ đòi nợ.

 VINH QUỐC - PHẠM NGUYÊN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI