Doanh nghiệp nước ngoài ngại đầu tư vào nông nghiệp Việt, vì sao?

04/12/2020 - 07:48

PNO - Doanh nghiệp có vốn nước ngoài (FDI) đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp năm 2015 chỉ chiếm 1,5%, đến 2020 chỉ còn 0,96% tổng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam.

Mặc dù có gần chục mặt hàng nông sản với giá trị xuất khẩu hàng tỷ USD/năm, nhưng số vốn mà doanh nghiệp có vốn nước ngoài (FDI) đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp năm 2015 chỉ chiếm 1,5%, đến 2020 chỉ còn 0,96% tổng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam. 

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), năm 2019, có 4.028 dự án FDI đầu tư vào Việt Nam với tổng số vốn đăng ký 38,95 tỷ USD nhưng chỉ có khoảng 1,61% số dự án và 0,97% nguồn vốn đổ vào nông nghiệp. Trong khi nguồn vốn FDI đổ vào bất động sản là 16%, buôn bán lẻ là 2,24%, xây dựng là 2,86%… 

Dù nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng để phát triển nhưng không thu hút được nguồn vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài
Dù nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng để phát triển nhưng không thu hút được nguồn vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài

Tiến sĩ Nguyễn Anh Phong - Giám đốc Trung tâm Thông tin phát triển nông nghiệp nông thôn (Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn) - lý giải thủ tục hành chính kéo dài, môi trường đầu tư không đủ hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Chẳng hạn, để hoàn tất các thủ tục về thuế, doanh nghiệp phải mất 478 giờ, kèm theo những loại chi phí không chính thức để hoàn thành các thủ tục; các doanh nghiệp còn bị thanh, kiểm tra thuế năm lần/năm, có doanh nghiệp bị thanh, kiểm tra 6-7 lần, kéo dài 1-2 ngày/lần. Môi trường kinh doanh nông nghiệp của Việt Nam chỉ ở dưới mức trung bình chung của thế giới và chỉ xếp trên Lào, Campuchia và Myanmar nếu chỉ tính riêng khu vực Đông Nam Á. 

Ông Phong dẫn chứng, việc đăng ký kinh doanh giống cây trồng đòi hỏi nhiều điều kiện nghiêm ngặt, chi phí cao. Thời gian cấp giấy chứng nhận cho giống mới mất tới 901 ngày, trong khi Philippines chỉ mất 571 ngày và Myanmar chỉ mất 306 ngày. Mọi thủ tục như đăng ký giấy phép nhập khẩu nguyên liệu, vật tư, khảo nghiệm, đăng ký bảo hộ độc quyền thương hiệu sản phẩm cũng mất nhiều thời gian. Ngoài ra, vấn nạn hàng gian, hàng nhái tràn ngập, sự yếu kém trong lĩnh vực logistics cũng làm giảm sức cạnh tranh của nông sản Việt. Nguồn tín dụng dành cho nông nghiệp cũng hết sức hạn chế, thời gian cho vay còn quá ngắn, cao nhất cũng chỉ bốn năm, trong khi đầu tư vào ngành này đòi hỏi nhiều thời gian để thu hồi vốn và có lợi nhuận.

Ông Vũ Xuân Đặng - Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư phía Nam, Cục Đầu tư nước ngoài - cho biết quỹ đất để thu hút nhà đầu tư FDI hầu như không có. Đất đai hiện nay chủ yếu do nông dân nắm giữ, nhưng doanh nghiệp FDI không thuộc đối tượng được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp, chưa được thuê đất nông nghiệp trực tiếp của hộ dân, cũng không được sử dụng đất thuê này làm tài sản thế chấp vay vốn. Doanh nghiệp nào muốn có vị trí đất mình ưng ý thì phải trả tiền mua đất cho nông dân, sau đó giao lại đất cho Nhà nước rồi Nhà nước cho thuê lại. Đó là chưa kể tới nhiều quỹ đất vướng vào các quy định về biên giới, hải đảo, an ninh quốc phòng. 

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Hữu Nam - Phó giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh TP.HCM - cho rằng đa phần đất nông nghiệp hiện nay phân tán, nhỏ lẻ, không thể tạo ra vùng chuyên canh, từ đó sản phẩm làm ra không đồng nhất, sản lượng hao hụt, làm ảnh hưởng đến giá trị nông sản Việt trên trường quốc tế, trong khi họ rất quan tâm về an toàn thực phẩm. Nhiều nhà đầu tư Nhật, châu Âu, Mỹ mong muốn sang Việt Nam đầu tư trồng lúa, rau quả, cần vùng đất rộng lớn, đất sạch nhưng lại gặp khó khăn về quỹ đất. Khi đầu tư vào khu công nghiệp, khu chế xuất thì Nhà nước giải phóng mặt bằng rất nhanh, cấp diện tích đất lớn, nhưng đầu tư vào nông nghiệp thì không được như vậy. 

Để thu hút doanh nghiệp FDI đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, theo các chuyên gia, cần phải giải quyết các vướng mắc trên. Cần có quy định hạn chế các cuộc thanh kiểm tra không cần thiết, tránh gây nhũng nhiễu cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó phải có chính sách để từng vùng, từng địa phương triển khai xây dựng các cánh đồng mẫu lớn, xây dựng khu nguyên liệu, chăn nuôi tập trung, đẩy mạnh tiến độ xây dựng các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với những chính sách cởi mở hơn; tăng cường đầu tư, cải thiện cơ sở hạ tầng (kho chứa, giao thông, logistics, chất lượng nguồn nhân lực địa phương) cho ba vùng gồm phía Bắc, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long. Bước đầu, có thể thí điểm cho doanh nghiệp FDI liên kết với nông dân, hợp tác xã thuê đất ngắn hạn, từ 3-5 năm. 

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI