Doanh nghiệp bức xúc vì “thu thuế rất dễ nhưng hoàn lại khó”

28/05/2025 - 17:22

PNO - Theo đại biểu Quốc hội, một vấn đề gây bức xúc trong doanh nghiệp là lúc thu thuế thì rất dễ, nhưng lúc hoàn thuế thì rất khó.

Đại biểu Nguyễn Văn Thân đề nghị bổ sung quy định về trách nhiệm của cơ quan chức năng khi hoàn thuế cho doanh nghiệp - ảnh: Media Quốc hội
Đại biểu Nguyễn Văn Thân đề nghị bổ sung quy định về trách nhiệm của cơ quan chức năng khi hoàn thuế cho doanh nghiệp - ảnh: Media Quốc hội

Thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng, chiều 28/5, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, việc mở rộng đối tượng được áp dụng và kéo dài thời gian thực hiện chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng là giải pháp thiết thực; thể chế hóa mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên, góp phần tạo nền tảng để đạt tốc độ tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026 - 2030.

Đại biểu Nguyễn Văn Thân, đoàn Thái Bình bày tỏ quan điểm nên giảm thuế giá trị gia tăng đến hết tháng 12/2026, để doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, có định hướng chiến lược sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, ông đề nghị Quốc hội đưa vào nghị quyết về trách nhiệm của cơ quan thu thuế giá trị gia tăng và cơ quan hoàn thuế giá trị gia tăng.

“Hiện vấn đề này đang rất bức xúc trong doanh nghiệp, bởi lúc thu thì rất dễ nhưng lúc hoàn thuế thì rất khó. Tôi cho rằng trách nhiệm này phải rất sòng phẳng về mặt luật pháp. Ví dụ doanh nghiệp chậm nộp thuế giá trị gia tăng thì bị phạt thì trong trường hợp ngược lại cũng vậy” - ông nói.

Đại biểu Dương Tấn Quân (đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu) nêu ý kiến, cần làm rõ danh mục hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế để dễ tra cứu và áp dụng thống nhất.

Ông nêu thực tế, những lần triển khai giảm thuế trước đây, đến sát thời điểm nghị quyết có hiệu lực, cơ quan có thẩm quyền mới ban hành các văn bản hướng dẫn. Do đó, doanh nghiệp không kịp điều chỉnh hợp đồng phềm mềm quy trình bán hàng dẫn đến sai sót và bị xử lý.

Đại biểu đề nghị Chính phủ ban hành các hướng dẫn chi tiết sớm nhất có thể khi nghị quyết có hiệu lực. Đồng thời có hướng dẫn riêng cho các giao dịch phát sinh trong thời gian chuyển tiếp, đặc biệt là trường hợp ký hợp đồng trước nhưng xuất hóa đơn sau.

Đại biểu Trần Khánh Thu (đoàn Thái Bình) nêu thực tế, bối cảnh nền kinh tế trong nước đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức khi kinh tế thế giới có nhiều biến động không thể lường trước được. Các nguyên tắc chung trong quan hệ kinh tế thương mại quốc tế bị thay đổi, làm ảnh hưởng đến khả năng bảo đảm các mục tiêu xuất khẩu...

Chính sách đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng được coi là một trong số những chính sách tài khóa có hiệu lực ngay trong việc kích thích tăng tiêu dùng. Vì vậy, bà ủng hộ cần thiết ban hành nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng.

Lần này Chính phủ trình Quốc hội giảm thuế giá trị gia tăng từ ngày 1/7/2025 đến hết năm 2026, tức thời gian giảm thuế gấp 3 lần so với từng nghị quyết giảm thuế riêng lẻ trước đây. Bên cạnh đó, nghị quyết cũng mở rộng đối tượng được giảm thuế.

“Theo tôi, khi giảm thuế giá trị gia tăng, người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi ngay do giảm giá mua hàng hóa, dịch vụ. Cùng với đó, nguyên liệu đầu vào trong sản xuất cũng được giảm, khiến chi phí sản xuất giảm theo, giúp giảm giá bán, người tiêu dùng được hưởng lợi. Doanh nghiệp tăng được sức cạnh tranh và mở rộng hoạt động” - bà nhận định.

Bên cạnh đó, nữ đại biểu đề nghị ban soạn thảo mở rộng đối tượng giảm thuế với hoạt động tài chính ngân hàng. Nếu được giảm thuế thì tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp sẽ được tiếp cận với nguồn vốn thấp hơn, và tạo điều kiện cho ngân hàng mở rộng hoạt động tín dụng.

M.Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI