Điều dưỡng: Đào tạo nhiều nhưng không làm được việc

29/08/2016 - 11:33

PNO - Bốn điều dưỡng (ĐD) ra trường chỉ một người có việc làm. Đã vậy, phần lớn ĐD đang làm việc tại các bệnh viện (BV) đều yếu tay nghề.

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, 65% người nhà đã làm công việc chăm sóc của ĐD và trên 40% ĐD hướng dẫn người nhà chăm sóc người bệnh không đúng kỹ thuật.

Điều dưỡng nhờ người nhà... "thay ca"

Hiện cả nước có đến 40 trường ĐH, 68 trường CĐ và 71 trường trung cấp đào tạo ngành ĐD, nhưng ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, khẳng định: “Việt Nam đang thiếu trầm trọng nguồn nhân lực ĐD. Nhiều BV còn để người nuôi bệnh thay ĐD làm những việc có thể gây nguy hiểm cho bệnh nhân (BN) như: cung cấp thức ăn cho BN qua ống thông dạ dày, thay băng, rút kim truyền…”.

Chia sẻ với chúng tôi, một người nuôi bệnh gần bảy năm tại BV Thống Nhất TP.HCM cho biết: “Tôi thường chăm sóc những cụ già bệnh nặng như viêm phổi, tiểu đường, tim mạch… Lúc mới vào nuôi bệnh, việc gì tôi cũng gọi BS, ĐD. Làm lâu năm, tôi để ý cách ĐD chăm sóc người bệnh và dần làm thay họ. Có đêm, một BN lớn tuổi đột nhiên khó thở, gọi y tá ở phòng trực mắc công, tôi bóp bóng giúp thở luôn. Ngoài ra, tôi còn tự làm các công việc như đút thức ăn qua ống thông dạ dày, thay băng... Các cô ĐD không ngăn cản, thậm chí còn nhờ mình làm”.

Dieu duong: Dao tao nhieu nhung khong lam duoc viec
Ngay cả khi bệnh nhân đang suy hô hấp, người nhà cũng thay điều dưỡng bóp bóng giúp bệ nh nhân thở

Tại khoa Cấp cứu, BV Nhi Đồng 1, chúng tôi nhận thấy một số xe cứu thương ở các tỉnh miền Tây, nhất là xe “dù”, đôi khi không có ĐD đi theo người nhà bệnh nhi. Thậm chí, có trường hợp ĐD còn nhờ người nhà bóp bóng cho một bé gái khoảng hai tuổi bị suy hô hấp, để cô chạy vào trình giấy tờ. Một khảo sát vừa được Bộ Y tế công bố cho thấy, hơn 65% người nhà đã làm công việc của ĐD và trên 40% ĐD hướng dẫn người nhà chăm sóc BN nhưng không đúng kỹ thuật.

Bác sĩ Bạch Văn Cam, cố vấn khối Hồi sức cấp cứu, BV Nhi Đồng 1 TP.HCM cho biết: “Chúng tôi thường gặp tình huống ĐD đưa bệnh nhi đến cấp cứu nhưng để người nhà bóp bóng giúp thở, hoặc ĐD đang bóp bóng giúp thở cho bệnh nhi thì nhờ người nhà “thay ca”. Việc này rất nguy hiểm vì bóp bóng phải đúng nhịp, đúng số lần mỗi phút theo quy định. Nếu bóp quá mạnh, lượng khí đi vào quá lớn thì người bệnh, nhất là trẻ nhỏ, có nguy cơ vỡ phế nang. Ngược lại, nếu bóp yếu quá thì BN sẽ có nguy cơ chết não vì không đưa đủ ôxy vào cơ thể. Việc để người nhà đút thức ăn cho BN qua ống thông dạ dày cũng rất nguy hiểm. Ống thông thường được dán băng keo cho khỏi tụt nhưng người nuôi bệnh không biết chỉnh sửa, xê dịch tới lui, rất dễ bị sai lệch. Nếu BN không biết kiểm tra ống thông có còn gắn ở dạ dày hay đã bị xê dịch khỏi dạ dày mà cho thức ăn vào thì thức ăn sẽ bị đẩy vào phổi, gây sặc và tử vong”.

Một ĐD ở BV Nhi Đồng 1 chia sẻ: “Ngay cả ở các BV lớn thì cũng chỉ có ĐD “cắm chốt” ở các khoa cấp cứu, hồi sức, làm tất cả công việc của một ĐD đúng nghĩa như: lấy máu, đo huyết áp xâm lấn... Đơn cử như ở BV Nhi Đồng 1, ở các khoa Sốt xuất huyết, khoa Thận… khi gặp một bệnh nhi rơi vào tình trạng sốc cần đo huyết áp xâm lấn, đo áp lực tĩnh mạch trung ương, lấy khí máu động mạch để xét nghiệm thì vẫn phải nhờ các ĐD ở khoa Hồi sức lên làm thay. Các khoa này cũng có máy móc hiện đại để thực hiện, nhưng ĐD không đưa được kim vô động mạch để lấy máu thì có máy móc cũng như không. Còn ĐD ở các phòng khám bệnh thì đa số chỉ biết làm thủ tục hành chính, ghi chép sổ sách, đo huyết áp đơn thuần”.

4 người ra trường chỉ một người có việc

Tỷ lệ ĐD/BS của Việt Nam hiện là 1,8, thấp nhất Đông Nam Á. Tỷ lệ này ở Philippines là 5,1; Thái Lan là 7; Indonesia 8… Ông Lương Ngọc Khuê lo lắng: “ĐD Việt Nam được đào tạo rất nhiều nhưng không làm được việc. Trong bốn ĐD ra trường chỉ có một ĐD có cơ hội việc làm. ĐD Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc người bệnh trong nước; trong khi ĐD ở các nước có tay nghề cao, lại được nhiều nước phát triển như Nhật, Đức… công nhận bằng cấp và “nhập khẩu” lao động với lương cao. Nhiều nước phát triển khác cũng công bố thiếu trầm trọng ĐD và có chính sách nới lỏng luật di trú, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút ĐD có kinh nghiệm khắp thế giới đến sinh sống và làm việc như Anh, Úc, Canada… đặc biệt là Mỹ, đang thiếu đến 500.000 ĐD”.

PGS-TS-BS Cao Văn Thịnh, Trưởng khoa Điều dưỡng và kỹ thuật y học, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM phân tích: nguyên nhân ĐD ra trường không làm được việc là do có nhiều trường chuyên về kinh tế, công nghệ… cũng tham gia đào tạo ngành ĐD; trong khi Bộ GD-ĐT chưa thăm dò ý kiến các BV đã cấp phép. Bộ chỉ cần “thấy” có giảng đường và giảng viên mà không quan tâm đến cơ sở vật chất như BV nào sẽ nhận các SV này vào thực hành, nguồn giảng viên có đủ tầm không...

Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch chỉ đào tạo khoảng 150- 200 ĐD mỗi khóa. Số lượng đào tạo ĐD của trường và Trường ĐH Y Dược TP.HCM không đủ cho các BV, nên các BV tranh nhau đặt hàng khi học viên còn chưa ra trường, trong khi ĐD ở nhiều cơ sở đào tạo khác lại thất nghiệp. Đã vậy, một số em làm được việc còn bỏ nghề vì cực, lương thấp.

TS điều dưỡng Đặng Trần Ngọc Thanh, Phó khoa Điều dưỡng và kỹ thuật y học, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch chia sẻ: “Thực tế, các BV thường phân công việc cho ĐD từ sơ cấp, trung cấp, CĐ đến ĐH đều giống nhau. Lẽ ra, BV phải phân chia rạch ròi mỗi ĐD cấp độ khác nhau sẽ được làm những kỹ thuật nào, từ đó mới tạo cơ hội cho ĐD phát triển. Đã vậy, ĐD còn phải làm quá nhiều việc, kể cả việc hành chính, nên không có thời gian nâng cao tay nghề. Thậm chí, có khi ĐD làm cả công việc của BS, dù biết làm sai nhưng vẫn phải làm vì khó từ chối”.

Việt Nam hiện có gần 82% ĐD có trình độ trung cấp trở xuống. Theo quy định của Bộ Y tế, từ năm 2025, ĐD ở các BV phải đạt trình độ CĐ trở lên và tăng chỉ tiêu đào tạo ĐD ĐH. Từ năm 2006, Việt Nam đã ký thỏa thuận với các quốc gia Đông Nam Á là ĐD sẽ có trình độ CĐ trở lên, khi hội nhập sẽ được tự do lưu chuyển lao động. Nếu Việt Nam không nâng chất lượng của ĐD thì sẽ gặp khó khăn, thiệt thòi. BS Bạch Văn Cam lo lắng: “Nếu chỉ chạy theo tiêu chuẩn CĐ hay ĐH mà ĐD ra trường không làm được việc cũng như không. BV Nhi Đồng 1 từng tiếp nhận ĐD trình độ ĐH nhưng chỉ giỏi lý thuyết, có toàn những ý tưởng “trên mây”, khi thực hành thì không làm được”.

Bộ Y tế đã ban hành chuẩn năng lực cơ bản của ĐD khi ra trường, Bộ GD-ĐT phải thay đổi theo khung mới này để quy định các trường đào tạo tốt hơn. Thế nhưng, việc đào tạo lại giao cho các trường tự chịu trách nhiệm. Theo TS Đặng Trần Ngọc Thanh, sắp tới Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch sẽ kiến nghị, trước khi ĐD ở các trường tốt nghiệp phải tổ chức một kỳ thi tay nghề và Bộ Y tế sẽ là đơn vị chấm thi, quyết định chuẩn chất lượng của học viên.

Văn Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI