Điều chỉnh 38 tên đường ở TP.HCM: “Chẳng hiểu sao giờ mới đề xuất?”

25/09/2020 - 06:00

PNO - "Nếu có sai sót, chúng ta cần nhìn nhận sớm và điều chỉnh nhanh chóng. Những người có trách nhiệm cần lấy đúng tên trong chính sử để trả lại công bằng cho những vị anh hùng, danh nhân",

“Trong thành phố, những con đường bị đặt sai tên so với chính sử cũng giống như việc ta tưởng tượng ra một ai đó rồi đặt cho họ cái tên” - nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư trả lời Báo Phụ nữ TP.HCM quanh chuyện Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM vừa có văn bản đề xuất UBND thành phố xem xét điều chỉnh 38 tên đường đặt không chính xác trên địa bàn.  

Những sai sót đã tồn tại quá lâu

Phóng viên: Là người từng nằm trong Hội đồng đặt tên đường cho thành phố, ông có bất ngờ với đề xuất trên?
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư: Tôi công tác trong hội đồng này từ năm 1996 đến năm 2015. Trong thời gian đó, tôi có khoảng 6 - 7 năm hoạt động miệt mài để làm công việc rà soát, đặt tên, đổi tên đường. Tôi cùng hội đồng 20 người thường họp sau hai tuần để thống nhất một đề xuất đặt/đổi tên đường nào đó. Thời tôi làm việc, tôi cùng một cán bộ đi khắp các quận, huyện để tìm hiểu quy tắc đặt tên đường, xem còn bất cập nào để xử lý. 

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư

Trong danh sách 38 tên đường đặt không chính xác trên địa bàn này, tôi đã từng đề xuất điều chỉnh. Chúng ta không có ông Nguyễn Văn Tráng mà chỉ có Phạm Văn Tráng, không có ai tên Hoàng Đức Tương mà chỉ có Hoàng Đức Lương, cũng không có ai là Trương Quốc Dung mà chỉ có Trương Quốc Dụng... Những sai sót này do lỗi của người làm bảng, có thể do phát âm khác biệt giữa hai miền, do trình độ hiểu biết về lịch sử của những người đặt tên đường... Vì đã từng đề xuất nên tôi không thấy lạ với văn bản trên, nhưng chẳng hiểu vì sao đến bây giờ, chúng ta mới đưa ra.

* Xét về khía cạnh văn hóa, việc đồng loạt điều chỉnh 38 tên đường đặt không chính xác sẽ gây ra những tác động nào, thưa ông?

- Nếu có sai sót, chúng ta cần nhìn nhận sớm và điều chỉnh nhanh chóng. Những người có trách nhiệm cần lấy đúng tên trong chính sử để trả lại công bằng cho những vị anh hùng, danh nhân, cũng là một cách để hoàn thiện lại bộ mặt của đô thị. Đương nhiên, sẽ có những bất cập trong việc chỉnh sửa hồ sơ, thủ tục hành chính, nhưng nếu đồng lòng làm việc vì dân thì những xáo trộn này không đáng kể. 

* Về việc đặt, đổi tên đường, theo ông, để tránh xảy ra những sai sót, xáo trộn, điều gì là cần thiết?
- Trong thành phố, có đường lớn, nhỏ, có đường dài, ngắn. Việc đặt tên đường phải dựa vào việc khảo sát kỹ lưỡng tên đường, cũng như hiểu biết về các danh nhân văn hóa, tướng lĩnh, anh hùng, để có cái nhìn chính xác. 
Ngày trước, khi đặt tên đường Lưu Trọng Lư ở quận 7, con cái của nhà thơ có ý kiến rằng chúng tôi đã sai, chưa hợp tình, hợp lý khi đặt tên ông cho một tuyến đường ở xa trung tâm.

Hay khi đặt tên đường Phan Anh, đường Nguyễn Hữu Thọ, Lê Văn Lương, Phạm Hùng... chúng tôi đều nhận về nhiều ý kiến. Ngày đó, tôi có nghiên cứu và biết thành phố sẽ phát triển theo những hướng về phía quận 2, quận 8, quận 7... nên quyết định đặt tên đường như thế và giờ đây, quyết định ngày đó của chúng tôi đã đúng. 

Việc điều chỉnh là cấp thiết

* Từ việc đặt lại tên đường Lê Văn Duyệt cho tới điều chỉnh 38 tên đường, theo ông, có cần quy hoạch tên đường để trả lại cho thành phố một bộ mặt đô thị thông minh hơn (ngay từ tên đường)?

- Đối với một thành phố, tên đường phải được sắp xếp một cách khoa học, rõ ràng. Khi giành lại thành phố từ tay người Pháp, chúng ta đã thực hiện việc đổi tên đường và có học hỏi họ cách đặt tên đường theo tên danh nhân, tướng sĩ, địa danh. Lúc đó, ta đặt theo từng nhóm đường: các tướng triều nhà Trần như Trần Quang Khải, Đặng Dung, Đặng Tất được đặt cho các tuyến đường ở khu Tân Định; khu quận 4 thì các tướng của đời Lê; khu quận 3 dành đặt tên của văn nhân, thi sĩ như Đoàn Thị Điểm, Bà Huyện Thanh Quan, Hồ Xuân Hương... hoặc ở Chợ Lớn sẽ là tên của các thương gia, kỹ nghệ gia...

Tuy nhiên, về sau, do nhiều thay đổi về thời cuộc, việc đặt lại tên đường trở nên lộn xộn. Chưa kể, TP.HCM được hợp thành từ ba đô thị độc lập về mặt hành chính (gồm Sài Gòn, Gia Định, Chợ Lớn), mỗi đô thị chủ động trong việc đặt tên, thành ra trùng tên là điều khó tránh khỏi.

Tôi đã từng đề xuất đặt lại tên đường để thống nhất về mặt hành chính, tránh trùng lặp, nhưng vì nhiều bất cập nên đến khi rời vị trí, những trăn trở ngày đó vẫn còn. Tôi nghĩ, việc thay đổi những tên đường sai là cấp thiết, phải ưu tiên, không thể để xảy ra tình trạng có những danh nhân, tướng lĩnh được đặt tên đường, nhưng trong sử sách không ai biết họ là ai vì sai tên.

* Về ngân hàng tên đường, ông nghĩ như thế nào khi phải cân đối, bổ sung thêm?

- Trong chiều dài lịch sử hơn 4.000 năm văn hiến, ta không thiếu những nhân vật xứng đáng để lấy tên họ đặt tên đường. Tuy nhiên, mọi sự can thiệp, đặt mới hay điều chỉnh đều phải cân nhắc. Từ lúc tôi tham gia công việc đặt tên đường, khi đó chỉ có 700 con đường trong địa bàn TP.HCM, giờ đây gần 2.000 con đường. Đây là bài toán đặt ra để những nhà quản lý rà soát kỹ lưỡng hơn để đặt tên đường cho hợp lý. Vì chúng ta không thể tùy tiện, nhất là với một đô thị giàu giá trị lịch sử, văn hóa như TP.HCM. Một can thiệp nhỏ nhưng bất hợp lý cũng gây nên hậu quả lớn.

* Xin cảm ơn ông! 

Diễm Mi (thực hiện)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI