Diễn viên Hồng Ánh: Đời hay phim, phụ nữ vẫn vì chữ thương mà ở lại

13/09/2021 - 16:19

PNO - Được sống là chính mình trong vai một người của công chúng, với diễn viên Hồng Ánh, đó là điều may mắn. Chị nói, có thể vị trí mình đang đứng còn cách đỉnh của sự nổi tiếng một quãng xa nên những lời tung hô vẫn có nhưng chúng vừa tầm, cho phép chị được sống rạch ròi giữa đời thực và nghệ thuật.

Hơn 20 năm trong nghề, diễn viên Hồng Ánh là tên tuổi mà theo đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, “dự án nào có được Hồng Ánh sẽ cảm thấy an tâm”. Hồng Ánh cười khi nghe nhận xét ấy, cho đó là sự ưu ái riêng từ phía đạo diễn. Còn từ bản thân, cô Hạnh của Trăng nơi đáy giếng cách đây hơn chục năm hay cô Hạnh của Cây táo nở hoa ở hiện tại đều chưa phải là điểm dừng trong nghệ thuật. Vẫn còn nhiều lắm những dạng nhân vật gai góc hơn mà Hồng Ánh muốn được hóa thân, chinh phục.

Với nhiều phụ nữ, gia đình dù sứt mẻ vẫn là nơi chốn để quay về  

Phóng viên: Hạnh của Cây táo nở hoa là một phụ nữ sống vì chồng, rất mực thương con dù nhận lại nhiều cay đắng. Trong xã hội này, chị thấy có nhiều người như Hạnh - cứ cho đi và chẳng mong nhận về? 

Diễn viên Hồng Ánh: Những phụ nữ như chị Hạnh trong xã hội này vẫn có, chỉ là các bạn trẻ gen Z hay 9X có điều kiện, sống ở đô thị có thể ít bắt gặp. Thế nhưng, chỉ cần bước ra khỏi trung tâm thành phố, đến vùng ngoại ô, nông thôn, bạn sẽ thấy không ít phụ nữ tảo tần, có đức tính chịu thương, chịu khó. Nơi nào điều kiện vật chất càng thiếu thốn, đức tính đó càng bộc lộ rõ hơn.

Từ xưa, phụ nữ đã được giao vai trò “tay hòm chìa khóa” quán xuyến việc nhà để đàn ông ra ngoài tạo dựng sự nghiệp. Nếp sống đó vẫn được giữ qua nhiều thế hệ. Thậm chí như mẹ tôi hay tôi, dù hoàn cảnh sống, tình huống không giống nhân vật Hạnh nhưng đâu đó vẫn có tính muốn bảo bọc, lo toan cho anh em, họ hàng. Tôi thấy trong nhiều gia đình, hễ ai có điều kiện tốt đều muốn cưu mang các thành viên còn lại.

* Có quá nhiều lần nhân vật Hạnh gào khóc trong cùng cực vì chồng nhu nhược, thậm chí mệt mỏi đến mức trầm cảm... Những lúc như thế, sao phụ nữ không tìm cách giải thoát cho mình?

- Vì họ vẫn cảm thấy hạnh phúc với hiện tại và sự chịu đựng còn nằm trong giới hạn. Tôi tin khi không thể chịu đựng được nữa, họ sẽ rời đi. Với Hạnh, những bức xúc đến từ các sinh hoạt đời sống quanh quẩn chữ nghèo. Mà khi nghèo túng quá đỗi, cảm xúc trong tình yêu, hôn nhân khó có thể giữ được. Thế nhưng, khó giữ được không có nghĩa họ sẽ chia tay nhau. 

Tôi từng chứng kiến nhiều cuộc hôn nhân đứt gãy không thể cứu vãn, lý do họ bỏ nhau cũng đau đớn khó thể kể xiết nhưng thường chúng xảy ra ở các gia đình có điều kiện. Còn với những cặp đến với nhau trong gian khó, thậm chí vì quá khổ sở tới mức tù túng, dùng bạo lực để giao tiếp thì thật lạ là sau đó họ lại quay về, lại sinh con đẻ cái, cười hề hà như chưa có chuyện gì xảy ra. Dường như với những người sống quen trong cái khổ, sự vị tha và dễ hài lòng bên trong họ rất lớn. Với họ, gia đình dù sứt mẻ vẫn là nơi chốn gần như duy nhất để quay về.

"Tôi thấy năng lượng của mình có thể khai thác thêm, tôi chưa muốn dừng lại. Tôi không ngại khó, không ngại khổ, không ngại xấu nhưng thường diễn viên phải “nhá hàng” cho đạo diễn biết được bản thân có sự phù hợp, họ mới giao vai. Còn ở đây, tôi đang có tâm thế chờ giao vai rồi tôi sẽ biến đổi. Tôi đang muốn chinh phục những dạng vai gai góc hơn như người phụ nữ tâm thần, kẻ sát nhân, bà trùm gái già, một phụ nữ già cỗi nhưng tâm hồn như đứa trẻ lên năm, lên ba.... "

HỒNG ÁNH

* Một Hồng Ánh vui vẻ, năng động ngoài đời nhưng liên tục được giao những vai diễn có hoàn cảnh đặc biệt, đau đớn kiếp chồng chung, sống đời khổ sở... vì sao thế?

- Có lẽ nét mặt của tôi phần nào đó cho thấy sự truân chuyên và diễn xuất cũng ra được cuộc đời của những phụ nữ cam chịu, bất hạnh nên nhiều nhà sản xuất ngỏ lời. Có người sợ tôi hóa thân vào nhiều nhân vật khổ sở rồi cuộc đời cũng u ám theo, nhưng tôi ý thức rõ cuộc sống thường nhật và phim ảnh. Tôi luôn tách bạch, không nhập nhằng để tránh mang những khổ đau trên phim hành hạ cuộc đời riêng. 

Nhiều lần, tôi cũng tự hỏi tại sao nhân vật phải làm như thế bởi nếu là Hồng Ánh, sẽ chẳng bao giờ điều đó xảy ra. Tôi và nhân vật cứ đấu tranh, có lúc thoát khỏi nhau nhưng vì phải nhập vai, tôi buộc mình cảm thông cho nhân vật và từ những lần đó, phim ảnh dạy tôi nhiều bài học. Tôi học được cách trân trọng cuộc sống; biết thương những phụ nữ lâm cảnh khốn khó, yếu thế; tránh buông lời nặng nhẹ; sống vị tha hơn.

Nét chung trong diễn xuất của Hồng Ánh và Thái Hòa  là luôn tìm tòi, mổ xẻ nhân vật để không dùng đến kỹ thuật diễn xuất mà như thể câu chuyện là của chính mình
Nét chung trong diễn xuất của Hồng Ánh và Thái Hòa là luôn tìm tòi, mổ xẻ nhân vật để không dùng đến kỹ thuật diễn xuất mà như thể câu chuyện là của chính mình

* Liên tục đảm nhận dạng vai khổ sở, bi kịch, cảm xúc bên trong chị có phần nào chai sạn, khó xúc động trước những mất mát?

- Nhờ nhân vật, tôi được sống nhiều thân phận nhưng ngoài phim, tôi vẫn còn cuộc đời riêng của mình để sống, không trộn lẫn nên cảm xúc vẫn tròn đầy. Tôi dễ xúc động trước những gì liên quan đến thân phận con người; sự chia ly, từ biệt cũng dễ khiến tôi rơi nước mắt. Bây giờ, thỉnh thoảng khi nhớ lại; một vài vai diễn, nhân vật vẫn khiến tôi ám ảnh.

Tôi sẽ không bao giờ quên được cô Hạnh trong Trăng nơi đáy giếng, cô Tâm trong Đời cát, cô Quỳ trong Người đàn bà mộng du. Tôi ám ảnh vai diễn không phải vì sự giống nhau giữa các số phận mà giai đoạn hóa thân thành họ, tôi còn quá trẻ.

Khi đóng Tâm trong Đời cát, tôi mới 22 tuổi, có nhiều câu hỏi bản thân còn thắc mắc. Tôi không hiểu vì sao phụ nữ thời hậu chiến lại chịu cảnh chồng chung như vậy. Khi đóng Hạnh trong Trăng nơi đáy giếng, quá trình tìm hiểu thế giới tâm linh của người phụ nữ này cũng khiến tôi hoang mang. Với Người đàn bà mộng du cũng vậy, tôi không rõ bằng cách nào những người chứng kiến quá nhiều mất mát trong chiến tranh có thể gượng dậy.

Những ngày này, khi dịch bệnh căng thẳng, tôi càng nhớ đến nhân vật Quỳ. Tôi thấy trải nghiệm của các bác sĩ tuyến đầu hiện tại giống với Quỳ ngày đó - là cảm giác bất lực khi đã cố gắng hết sức vẫn không thể cứu sống bệnh nhân. Tôi không biết rồi khi dịch bệnh qua đi, các bác sĩ và lực lượng tuyến đầu sẽ sống như thế nào. Liệu họ có cảm giác lơ lửng, trống không vì chứng kiến quá nhiều mất mát?

* Đã có sự lặp lại ở các vai diễn của chị. Ngay với Hạnh, nhân vật gần nhất chị nhận lời tham gia cũng phảng phất số phận cũ. Sự lặp lại này có gây nhàm chán cho chính chị?

- Ban đầu, tôi lăn tăn chưa nhận vai Hạnh vì đọc kịch bản, tôi thấy nhân vật xuất thân trong gia đình lao động, lại thương chồng, luôn lo nghĩ cho con. Đây là dạng nhân vật không lạ. Nhưng khi biết nếu nhận lời, tôi sẽ được làm việc với ê-kíp sản xuất tốt, được đóng với dàn diễn viên có nghề, trong đó có anh Thái Hòa, tôi đồng ý ngay. 

Tôi với anh Thái Hòa giống nhau ở chỗ luôn tìm tòi, mổ xẻ nhân vật để không dùng đến kỹ thuật diễn xuất mà như thể câu chuyện bi kịch hiện tại là của chính mình. Tôi thấy ai cũng có một cuộc đời, nếu bạn liên tục trăn trở với cuộc đời riêng của mình, gặp phải chuyện gì cũng suy xét, quan sát thì khi lên phim, bạn cũng sống sâu như vậy.

Đừng bao giờ cùng lúc bước lên hai con thuyền 

* Bước tiếp theo trong sự nghiệp của những diễn viên đã có vai diễn để đời thường khó vạch ra rõ ràng và chu kỳ của điều gì đã chạm đỉnh thường có hướng đi xuống...

- Tôi nghĩ ở mỗi giai đoạn, con người có cảm giác khác nhau về chặng đường mình đi qua. Trong mấy chục năm qua, chưa bao giờ tôi nghĩ mình sống cuộc đời của một người nổi tiếng hay phải thay đổi nếp sống vì được nhiều người 
biết đến. 

Thời của tôi, trong lĩnh vực điện ảnh, sự nổi tiếng không đạt đỉnh như ca sĩ Phương Thanh, Đan Trường hay Lam Trường... Tôi được khán giả biết đến nhưng không phải với sự vỡ òa của đám đông. Ngày tôi mới vào nghề, phim video đã thoái trào, chủ yếu là dòng phim do Nhà nước đầu tư, làm để phục vụ mục đích tuyên truyền nên có chăng, tôi nhận được sự chú ý từ các anh chị trong nghề và một số ít khán giả. Về sau, dòng phim thị trường nhiều hơn, tôi tham gia và đóng thêm phim truyền hình nên được nhiều người biết đến. Tôi không sợ khán giả rời đi mà chỉ sợ bản thân không thỏa mãn được chính mình. 

* Ghi nhận sự hết mình cho nghệ thuật của chị nhưng hiện tại, khâu biên kịch đang là vấn đề khá khó để có được những kịch bản xứng tầm, nhân vật nặng đô, tình tiết thuyết phục. 

- Đúng. Muốn có những vai diễn hay, biên kịch phải thật xuất sắc. Hiện tại, các câu chuyện trên phim Việt vẫn rất an toàn. Mỗi khi phim nào đó được khen có chất đời cũng đã thật đáng mừng chứ chưa nói đến những nội dung khác lạ hơn.

Từ bao lâu rồi, tôi không rõ ngành đào tạo biên kịch còn hay không hoặc có nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ. Sắp tới, nếu truyền hình kỹ thuật số bùng nổ mạnh hơn thì nhu cầu về kịch bản còn nhiều nữa. Mọi người vẫn hay băn khoăn về chuyện phim Việt hay chọn remake (làm lại) nhưng tôi thấy nếu chưa có kịch bản tốt, xuất sắc thì đây cũng là cách để các biên kịch trong nước cọ xát với nguồn nội dung hay.

* Có nghĩa là nỗi lo phim ảnh Việt thiếu biên kịch giỏi lớn hơn nỗi lo thiếu lớp diễn viên kế thừa - điều mà nhiều đạo diễn canh cánh bấy lâu?

- Nhiều người nói diễn viên Việt thiếu nhân tố tốt nhưng tôi thấy điều ngược lại. Các diễn viên trẻ, yêu nghề có tiềm năng, có sự tìm tòi nhưng vì thiếu kịch bản hay, thiếu cơ hội nên họ khó bứt phá hay thay đổi. 

Tôi thấy sau tôi và anh Thái Hòa, các bạn diễn viên trong Cây táo nở hoa diễn khá tốt; từ Trương Thế Vinh, Thúy Ngân, đến Trịnh Thảo... hay ê-kíp đóng chung Tháng năm rực rỡ với tôi cũng rất có tiềm năng. 

* Nhưng sự lo lắng về việc thiếu nhân lực là có thật khi ở các phim điện ảnh đã thấy sự lặp lại các gương mặt còn trên truyền hình, nghệ sĩ trẻ đang miệt mài chạy show, đánh mất cơ hội làm nghề chỉn chu.

- Nhiều khi các bạn trẻ còn nặng gánh mưu sinh, áp lực gia đình nên phải chạy show kiếm tiền, chúng ta không thể trách. Tôi chỉ mong các bạn định hướng lại con đường nghề nghiệp mà mình sẽ đi. Nếu xác định trong hai - ba năm dồn lực để kiếm tiền trang trải cuộc sống thì mặc ai nói gì, mình vẫn làm. Còn sau đó, nếu xác định đã đến lúc tập trung cho một vai diễn hay thì bằng mọi giá phải dũng cảm từ chối. Đừng bao giờ cùng lúc bước lên hai con thuyền. 

Tôi không sợ thiếu diễn viên tài năng nhưng điều tôi mong mỏi nhất là có được thế hệ diễn viên trẻ gắn bó với nghề lâu dài. Mỗi lần xem được bộ phim có nhân tố mới xuất hiện, tôi có niềm tin cho điện ảnh Việt nhưng thường sau một thời gian, bạn chuyển sang lĩnh vực khác hoặc mất hút. Bằng cách nào đó, tôi mong các bạn giữ được niềm đam mê, sự dũng cảm và tinh thần dám dấn thân với nghề. Khi còn trẻ, mọi sự cố gắng đều quý giá, ngay cả lúc thất bại. Chính tôi, khi nhìn lại sự nghiệp, ở những tháng ngày đầu khi ra Bắc đóng phim, dù khổ đủ đường nhưng vì còn trẻ nên mọi trải niệm đều thấy vui, trở thành vốn sống quý cho cuộc đời. 

Đời bình an khi người biết đủ

* Chị chỉ cần vừa đủ ăn, chỗ ở đủ sạch sẽ, được sống là chính mình trong vai một người của công chúng là hạnh phúc. Sao không phải là ăn ngon, mặc đẹp, ở vị trí không ai có thể thay thế?

- Tôi sinh ra ở giai đoạn đất nước vừa thống nhất, gặp nhiều khó khăn về kinh tế, xã hội. Bản thân cũng không thuộc gia đình quý tộc, giàu sang từ trong trứng nước nên mọi thứ với tôi khá đơn giản. Nhu cầu sống của tôi chỉ dừng ở mức vừa đủ. Trong quá trình đi nhiều, tiếp xúc với giáo lý nhà Phật, tôi càng ý thức được không có gì là mãi mãi, đặc biệt những thứ liên quan đến vật chất nên mình buông được thì tâm an.

Hồng Ánh trong Cây táo nở hoa
Hồng Ánh trong Cây táo nở hoa

* Chị vào vai những phụ nữ tảo tần, vì chồng mà quên cả bản thân. Ngoài đời, Hồng Ánh có phần nào giống nhân vật của mình?

- Về chuyện làm vợ, tôi thấy bản thân ở mức trung bình nhưng theo thời gian, mọi thứ được nâng cấp lên. Tôi không bao giờ được như nhân vật Hạnh - sống hy sinh, tảo tần và chỉ vì người khác. Tôi tâm niệm mình chỉ giúp người khác khi bản thân mình ổn vì như vậy, sự giúp đỡ mới có ý nghĩa. Còn chuyện bếp núc, tôi không được nhanh nhẹn, gọn gàng nhưng tôi ý thức được bản thân đang như thế nào để luôn cố gắng, học hỏi thêm. Ông xã tôi là kiểu người ghi nhận thái độ hơn là kết quả nên việc của tôi là nỗ lực, còn lại, anh vui khi thấy tôi hoàn thiện mình mỗi ngày. 

* Gia đình êm ấm, sự nghiệp thăng hoa, được đồng nghiệp quý trọng, khán giả yêu thương, nếu dành chữ viên mãn cho cuộc sống hiện tại, liệu có điều gì khiến chị suy nghĩ?

- Tôi tin không đời sống nào phù hợp tuyệt đối với chữ viên mãn. Có chăng là người khác nhìn vào, họ thấy được đâu đó có hình dáng của sự tròn trịa, hạnh phúc nên thầm gọi. Còn người trong cuộc, tôi nghĩ ai cũng rất nỗ lực để giữ gìn hôn nhân. Mọi người đừng nghĩ sự hoàn thiện là điều gì lớn lao. Chỉ cần hôm nay bạn nấu chưa ngon nhưng ngày mai bạn cố gắng làm lại cũng là một cách để giữ lửa. Cuộc sống cứ vun vén từng chút, làm mới từng chút mới duy trì được hạnh phúc.

 

Nhiều người đưa con cái vào làm một trong những tiêu chí của sự viên mãn, hạnh phúc. Tôi không đạt tiêu chí này nhưng không thấy áp lực. Ở tuổi 45, không có con cái, tôi vẫn có nhiều việc để bận rộn, có con của chồng, có cháu, có họ hàng để quan tâm. Chuyện con cái nếu có được thì tốt, không có cũng không sao. Tôi vẫn vui sống và cảm ơn mỗi ngày khi tỉnh giấc, tôi còn khỏe mạnh, sống có ích.

Có con hay không, thành công hay không, nếu còn sống, ai cũng phải đi về phía trước. Tôi cũng vậy. Ngày trẻ, có khi tôi vừa đi vừa chạy để đạt mục đích đề ra. Bây giờ, tôi bình tĩnh mà đi thôi. Tôi đi như thể vì mình còn sống, mình phải tiếp tục, không thể dừng lại. Tâm thế của từng bước chân bây giờ thong thả, chậm rãi và bình an hơn. Rồi chuyện gì đến sẽ đến. 

* Cảm ơn chị đã chia sẻ. 

Diễm Mi (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI