Diễn đàn văn trẻ: "Vì sao chúng ta viết? Cảm xúc như sông, không bao giờ cạn"

23/12/2021 - 18:51

PNO - Một câu hỏi có lẽ không dễ trả lời cho những người cầm bút trẻ: “Vì sao chúng ta viết?” - đó là chủ đề dự kiến được thảo luận trong khuôn khổ hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X.

Viết vì sở thích, đam mê nhưng lựa chọn văn chương như một cuộc “chơi cho vui” hay theo đuổi sự nghiệp lâu dài; viết những điều bản thân muốn hay về những đề tài được thế hệ đi trước kỳ vọng/bạn đọc mong chờ; viết vì nhu cầu chia sẻ hay vì vẻ đẹp của văn hóa, đời sống, của thân phận con người…?

Báo Phụ Nữ TP.HCM ghi nhận chia sẻ của những người viết trẻ ở khắp mọi miền.

Phóng viên: Trước nhất là câu: “Vì sao bạn viết?” 

- Nhà văn Lê Quang Trạng (sinh năm 1996, An Giang, tác giả có nhiều giải thưởng văn chương): Hồi nhỏ tôi thích ướm mình vào những câu chuyện kể, thấy khi mình bước vào không gian đó, mình và cả câu chuyện hiện lên đầy màu sắc. Điều đó vẫn theo tôi đến giờ. Khác chăng là ở hình thức, lúc nhỏ thầm thì kể cho mình nghe, lớn lên thì ngồi viết ra trang giấy. Và bao giờ con chữ trải tràn ra giấy, nó cũng có một sức hút kỳ diệu. 

Lê Quang Trạng
Lê Quang Trạng

- Nhà thơ Khét - Trần Đức Tín (sinh năm 1989, Cà Mau, giải thưởng Nhà văn trẻ Hội Nhà văn TP.HCM 2021): Với tôi, viết như một nhu cầu tự thân, một cách trải lòng, khám phá và lần mò về nguyên bản. Những tác động khách quan từ cuộc sống đến ta là điều không thể tránh, bất kỳ ai cũng phải đối diện với nó, có người chọn cách này hay cách khác, nhưng người cầm bút sẽ đối diện, phơi bày nó từ lòng mình ra trang giấy để nhận diện rõ bản thân hơn. 

- Nhà văn Huỳnh Trọng Khang (sinh năm 1994, giải thưởng Sách hay 2017): Tôi đã bắt đầu như một người đọc và đến một lúc nào đó, tôi trở thành người viết. Viết như một cách giải phóng câu chuyện trong mình và hy vọng đến một lúc nào đó câu chuyện của mình được lắng nghe. 

-Nhà văn Hiền Trang (sinh năm 1993, giải ba cuộc thi Văn học tuổi 20 lần VI): Văn chương như một công cụ âm nhạc vô thanh, tạo nên nhịp điệu, những hợp âm bằng ngôn từ. Tôi thích diễn đạt những thứ không thể diễn đạt được. Thông qua văn chương, tôi đối mặt với sự bất lực của mình và chạm vào phần hư không bên trong mình. 

Hiền Trang
Hiền Trang

* Bạn tự nhìn thấy mình có ưu thế riêng như thế nào trong “vùng đất văn chương”? Và có không những trở ngại…?

- Nhà văn Hiền Trang: Ưu điểm có lẽ là tôi coi văn chương như một chiếc pizza hải sản, tôi không sống nhờ nó, nhưng tôi luôn tận hưởng nó. Tôi có một cuộc sống tương đối tách biệt với văn chương, nó cho phép tôi viết một thứ văn chương mà mọi người bảo là “thuần khiết”, nhưng tôi thấy đúng hơn là “vô mục đích”, trong đó toàn những nhân vật đọc sách ngấu nghiến, nghiện phim của Fellini và say đắm Chopin (cười).

- Nhà văn Lê Quang Trạng: May mắn được sinh ra và lớn lên ở vùng đất biên thùy Tây Nam, lại là nơi đầu nguồn Cửu Long, hàm chứa nhiều giá trị văn hóa lịch sử. Những yếu tố ấy phần nào tạo nên trong tôi một “quê hương văn học”. Tôi nghĩ “cuống rốn” cảm hứng của An Giang nói riêng và miền Tây nói chung còn cho tôi nhiều cơ hội lắm, như sông vậy, chảy hoài mà không bao giờ cạn. Nếu xem việc viết là một công việc nghiêm túc, thì cuộc dấn thân vào nghề ấy không thể thiếu những trở ngại, khó khăn. Nhưng tôi cho rằng những khó khăn cũng là “cơ duyên” cần thiết cho một người viết, nó tạo ra những hoàn cảnh, để trang văn gần với cuộc sống hơn.

Huỳnh Trọng Khang
Huỳnh Trọng Khang

* Văn trẻ luôn được thế hệ trước đặt lên vai những kỳ vọng lớn lao (về sự dấn thân, đề tài, phong cách…). Bạn nghĩ, thế hệ mình có thể đáp lời thế nào với những kỳ vọng ấy?

- Nhà văn Hiền Trang: Tôi nghĩ nếu người ta thôi kỳ vọng đi thì tự khắc sẽ thấy văn chương hay hơn nhiều. Chưa kể, dấn thân là gì? Nếu đọc Annie Ernaux hay Patrick Modiano, ta sẽ thấy nơi duy nhất họ dấn thân vào là ký ức. Ai cho rằng dấn thân là phải ra hải đảo, lên miền núi, phản ánh xã hội thì đó là cái nhìn lệch lạc về văn chương. 

- Nhà văn Lê Quang Trạng: Tôi hiếm khi nghĩ nhiều về vai trò trách nhiệm của mình với văn chương khi ngồi vào bàn viết. Tuy nhiên, tôi nghĩ mình phải có trách nhiệm với chính mình, bằng sự kỹ tính hơn trong trang viết, càng nhiều càng tốt. Điều đó đòi hỏi tác giả phải quan sát, lắng nghe nhiều hơn; đọc, đi và lắng đọng nhiều hơn nữa. Suy cho cùng thì sứ mệnh thiêng liêng nhất của một nhà văn là “viết và viết”. Và viết ra sao, viết như thế nào? là một câu tự vấn chưa bao giờ kết thúc.

- Nhà thơ Khét: Tôi thường đọc những tác phẩm của các bạn viết cùng thế hệ, điều dễ nhận ra sự khác biệt với lớp cha anh đi trước là ở đề tài và phong cách. Đề tài mở rộng, gần gũi hơn với những trăn trở thường nhật. Các bạn khai thác ở đề tài 4.0, trừu tượng, thậm chí là viễn tưởng… và đa ngữ điệu, phong cách hơn. Sự khác biệt song hành cùng với sự phát triển của xã hội theo từng giai đoạn, tuy nhiên, ở mỗi khía cạnh vẫn có cái khó nhất định, cũng như chúng tôi hôm nay, cái khó là định danh mình.

Nhà thơ Khét
Nhà thơ Khét

* Những đề tài bạn đang ấp ủ với văn chương là gì?

- Nhà văn Hiền Trang: Hai đề tài tôi luôn quan tâm là bản chất của hồi ức và nghệ thuật. Chúng liên hệ mật thiết với nhau. Thần thoại Hy Lạp từ hàng ngàn năm trước đã để nữ thần của hồi ức sinh ra chín Nàng Thơ. Những bản thảo sắp tới của tôi về cơ bản đều xoay quanh những chủ đề đó. Ngoài hư cấu thì tôi cũng quan tâm tới thể loại nằm giữa hư cấu và phi hư cấu, như tiểu luận văn chương. Tôi ước viết được một cuốn như Chân dung trong nhạc jazz của Murakami. 

- Nhà văn Huỳnh Trọng Khang: Thi thoảng, tôi hay nhận được “đơn đặt hàng”, độc giả muốn tôi viết câu chuyện của họ hay chủ đề mà họ quan tâm, về tệ nạn, về đời sống hôm nay, về những người khốn khổ… Nhưng có lẽ tôi nên tìm một điều gì sẽ khiến mình hạnh phúc hay chí ít được giải tỏa nếu được viết ra trên trang giấy. Đại dịch vừa qua cho tôi quãng thời gian để nhìn lại và nhận ra nhiều thứ. Vẫn còn nhiều điều trong cuộc sống và tương lai, đợi chờ được kể. 

- Nhà thơ Khét: Tôi mong có thể giới thiệu những nét đẹp của quê hương đến với mọi người, về văn hóa, sinh hoạt… Sự phát triển chóng vánh về công nghệ, người trẻ dần xa rời những nét đẹp bình dị của quê. Tôi viết về quê, mong nét đẹp ấy sẽ được lưu giữ, được nhớ về…

* Cảm ơn các bạn!

Lục Diệp (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI