Điện ảnh thời hậu chiến: Những thước phim không quên

30/04/2019 - 19:00

PNO - Trong lịch sử phát triển của điện ảnh Việt, thời kỳ hậu chiến là bước chuyển quan trọng giữa phong cách làm phim của 2 giai đoạn trước và sau chiến tranh.

Khi hoà bình lặp lại, những thay đổi về mặt chính trị - xã hội kéo theo sự thay đổi của điện ảnh. Ví như để kể về chiến tranh trong các thước phim tài liệu cách mạng, nhiều đạo diễn đã tập trung hơn vào khai thác các đề tài dựa trên bối cảnh chiến tranh vừa kết thúc.

Điện ảnh Việt sau 1975, khi những hạn chế về phương tiện kỹ thuật vẫn còn, những manh nha về lối làm phim mới chỉ vừa xuất hiện, nhiều đạo diễn đã khẳng định mình với các bộ phim mà về sau, chúng trở thành tác phẩm kinh điển, chuẩn mực nghệ thuật của một thời kỳ.

Mùa gió chướng (1977) – Nguyễn Hồng Sến

Bộ phim được thực hiện năm 1977 bởi đạo diễn Nguyễn Hồng Sến. Mùa gió chướng kể về câu chuyện của 2 chiến sĩ quân giải phóng được cử về công tác tại một địa phương ở miền Tây. Tại đây, Châu (do Nguyễn Phúc đóng) đã gặp và làm quen với cô giao liên Bé Ba (Thuý An đóng) để rồi tình yêu chớm nở giữa 2 người trẻ.

Dien anh thoi hau chien: Nhung thuoc phim khong quen
Hình ảnh trong phim Mùa gió chướng

Chiến sĩ giải phóng còn lại - Năm Bờ (Minh Đáng) cũng vui mừng gặp lại người yêu là Sáu Linh (Thuỳ Liên) đang là chỉ huy du kích tại địa phương. Tuy nhiên, niềm vui của họ chưa thật sự trọn vẹn vì cả hai phải chuẩn bị bắt tay vào cuộc chiến đấu chống càn của địch.

Mùa gió chướng giúp tên tuổi 2 diễn viên nữ Thuỳ Liên và Thuý An được nhiều người biết đến. Ngoài ra, quay phim Đường Tuấn Ba của phim cũng được giới chuyên môn đánh giá cao.

Cánh đồng hoang (1979) – Nguyễn Hồng Sến

Ngoài Mùa gió chướng, Cánh đồng hoang là một trong các tác phẩm điện ảnh kinh điển của đạo diễn Hồng Sến. Bộ phim giành được 6 giải thưởng trong và ngoài nước, nổi bật với Giải Bông sen vàng – LHP Việt Nam và Huy chương vàng – LHP Quốc tế Moskva.

Dien anh thoi hau chien: Nhung thuoc phim khong quen
Diễn viên Thuý An trong Cánh đồng hoang.

Cánh đồng hoang lấy bối cảnh vùng Đồng Tháp Mười trong những ngày diễn ra chiến tranh. Vợ chồng Ba Đô (Lâm Tới vai Ba Đô và Thuý An vai Sáu Xoa – vợ Ba Đô) và đứa con nhỏ sống trong một căn chòi nhỏ giữa đồng nước. Họ được phía cách mạng Việt Nam giao nhiệm vụ giữ đường dây liên lạc cho bộ đội.

Trong phim, những cảnh đời thường của gia đình Ba Đô chiếm phần lớn thời gian nhưng không đơn thuần là chuyện sinh hoạt, bức tranh về nếp sống của một gia đình Việt trong thời chiến được thể hiện rõ. Cho đến khi thù hận được trả bằng máu và tính mạng, đâu đó vẫn có tình người hiện hữu dù với quân ta hay quân địch.

Mẹ vắng nhà (1979) – Trần Khánh Dư

Bộ phim ra đời năm 1979 được chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyễn Thi. Mẹ vắng nhà kể về cuộc sống của 5 chị em, trong đó em út còn đang tuổi nằm nôi. Trong giai đoạn Mỹ đánh phá dữ dội các tỉnh miền Tây Nam bộ, mẹ của các em là nữ du kích Út Tịch thường xuyên đi chiến đấu xa nhà. Những hy sinh thầm lặng của người mẹ trong phim khiến người xem xúc động.

Dien anh thoi hau chien: Nhung thuoc phim khong quen
NSƯT Ngọc Thu (phải) và nghệ sĩ Bùi Bài Bình

Đảm nhận vai mẹ khi mới ngoài 20 tuổi, NSƯT Ngọc Thu thời hiện tại nhiều lần kể lại vai diễn Út Tịch trong Mẹ vắng nhà. Cho đến bây giờ, NSƯT Ngọc Thu vẫn không hiểu vì sao đạo diễn Trần Khánh Dư chọn mình vào vai mẹ vì cả ngoại hình lẫn kinh nghiệm sống chưa có nhiều. Sau vai Út Tịch, nữ nghệ sĩ tham gia nhiều bộ phim khác nhưng cô khẳng định, Út Tịch là vai diễn thành công nhất.

Thị xã trong tầm tay (1982) – Đặng Nhật Minh

Thị xã trong tầm tay được đặt trong bối cảnh chiến tranh biên giới Việt – Trung với câu chuyện chính xảy ra ở thị xã Lạng Sơn. Sau chiến tranh biên giới, Vũ – một nhà báo lên Lạng Sơn làm phóng sự về tình hình của thị xã. Trong thời gian công tác, Vũ nhớ về một thị xã của ngày trước chiến tranh, yên bình, nên thơ bao nhiêu thì giờ đổ nát, hoang tàn bấy nhiêu. Trong miền ký ức thoáng qua, Vũ còn nhớ về mối tình thời sinh viên với Thanh.

Dien anh thoi hau chien: Nhung thuoc phim khong quen
Thị xã trong tầm tay đánh dấu bước đầu thành công của đạo diễn Đặng Nhật Minh

Thị xã trong tầm tay nhận được Giải thưởng Bông Sen Vàng cho Kịch bản phim xuất sắc tại LHP Việt Nam lần 6 năm 1983. Bộ phim được xem là thành công bước đầu cho chuỗi các tác phẩm xuất sắc về sau của đạo diễn Đặng Nhật Minh.

Về nơi gió cát (1983) – NSND Huy Thành

Tại LHP Việt Nam lần 6 năm 1983, Về nơi gió cát đoạt giải Bông sen vàng và nữ diễn viên Hương Xuân đoạt giải Diễn viên xuất sắc nhất. Thành công của bộ phim còn giúp tên tuổi của nam diễn viên Trần Vịnh được nhiều người biết đến.

Dien anh thoi hau chien: Nhung thuoc phim khong quen
Về nơi gió cát là 1 trong 3 bộ phim kinh điển của cố đạo diễn - NSND Huy Thành

Về nơi gió cát nói về tình thế trái ngang của cặp vợ chồng cũ Luỹ (Trần Vịnh đóng) và Duyên (Hương Xuân). Sau thời gian thoát ly hoạt động cách mạng, Luỹ được phân công về quê làm bí thư xã. Còn Duyên, vì hoàn cảnh đưa đẩy đã lập gia đình mới và có con với người khác. Luỹ lúc này với vai trò của người cán bộ, phải xử lý các vụ việc dân sinh và dù không muốn cũng chạm mặt Duyên.

Cùng với Nổi gió, Xa và gần, Về nơi gió cát là 3 tác phẩm đều đoạt giải Bông sen vàng của cố đạo diễn Huy Thành.

Bao giờ cho đến tháng Mười (1984) – Đặng Nhật Minh

Là bộ phim tâm lý của đạo diễn Đặng Nhật Minh, ra mắt năm 1984, Bao giờ cho đến tháng Mười trở thành bộ phim kinh điển của điện ảnh Việt Nam. Tháng 9/2008, CNN bầu chọn đây là 1 trong 18 phim châu Á xuất sắc mọi thời đại.

Dien anh thoi hau chien: Nhung thuoc phim khong quen
Diễn viên - NSƯT Lê Vân trong vai Duyên

Bao giờ cho đến tháng Mười kể về Duyên (do NSƯT Lê Vân đóng) – một người chịu nhiều hy sinh, điển hình của người phụ nữ Việt. Duyên trở về nhà sau chuyến thăm chồng ở biên giới Tây Nam nhưng nhận lại nỗi đau là chồng cô đã qua đời. Duyên giấu gia đình về cái chết của chồng, tìm mọi cách để người cha già bệnh nặng không bị sốc.

Duyên nhờ Khang là thầy giáo - người đã cứu cô khỏi cái chết, viết những lá thư như ngày chồng cô còn sống để giấu nhẹm sự thật. Rồi đến một ngày, trước bệnh tình chuyển nặng, người cha già nhờ Duyên gọi chồng về để ông gặp mặt. Bí mật về cái chết đã không thể giữ.

Minh Tú

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI