Dịch sốt xuất huyết ở TPHCM vẫn phức tạp, khó lường

19/09/2022 - 06:14

PNO - Tính đến sáng 18/9, số ca tử vong do sốt xuất huyết là 21 ca, tăng 17 ca so với cùng kỳ năm 2021.

Tính đến sáng 18/9, theo báo cáo của Sở Y tế TPHCM, số ca tử vong do sốt xuất huyết (SXH) là 21 ca, tăng 17 ca so với cùng kỳ năm 2021. Riêng từ ngày 5/9 đến ngày 11/9, có 2.579 ca SXH mới tại TPHCM, gồm 1.194 ca nội trú và 1.385 ca ngoại trú. Số ca mắc mới giảm 11,9% so với tháng trước, tuy nhiên số ca mắc SXH tích lũy đến nay đã hơn 54.000 ca, tăng rất cao so với cùng kỳ năm 2021 (chỉ 8.485 ca). 

Các bệnh viện nhi trên địa bàn TPHCM liên tục tiếp nhận các bệnh nhân bị sốt xuất huyết trong thời gian qua
Các bệnh viện nhi trên địa bàn TPHCM liên tục tiếp nhận các bệnh nhân bị sốt xuất huyết trong thời gian qua

Ngoài SXH, Sở Y tế TPHCM cũng ghi nhận có 311 ca mắc bệnh tay chân miệng trong tuần 37. Đến nay tay chân miệng cũng đã tăng 41% so với cùng kỳ năm 2021 với 13.720 ca. 

Hiện TPHCM đang lo ngại phải đối diện nguy cơ dịch sởi bùng phát cùng SXH và COVID-19 do vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng gồm sởi đơn khi trẻ đủ chín tháng tuổi và DPT (bạch hầu, ho gà, uốn ván tiêm khi trẻ đủ 18 tháng tuổi) bị gián đoạn cung ứng.

Tính từ tháng 6/2022 đến nay, Sở Y tế TPHCM cũng nhiều lần gửi công văn cho Bộ Y tế kiến nghị khắc phục tình trạng thiếu vắc xin bởi mỗi tháng do nhu cầu tiêm ngừa vắc xin sởi và DPT tại TPHCM lên đến hơn 8.000 liều cho mỗi loại.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM nhận định, thời tiết hiện nay rất thuận lợi để muỗi vằn truyền bệnh sinh sôi, nguy cơ bùng phát dịch SXH Dengue cao. Bên cạnh đó, người dân còn tâm lý vẫn sợ dịch COVID-19 nên hạn chế đến bệnh viện thăm khám dù đã có triệu chứng. 

Mặt khác, những triệu chứng ban đầu của SXH khá tương đồng với một số bệnh nhiễm siêu vi khác như cúm, đặc biệt giai đoạn khởi phát của bệnh có khi giống với COVID-19 nên cũng dễ nhầm lẫn, đặc biệt với trẻ em nên rất nguy hiểm. Vì vậy các phụ huynh cần lưu ý khi trẻ sốt cao liên tục từ hai ngày trở lên cần phải đến khám tại các cơ sở y tế để được chẩn đoán và được điều trị kịp thời. 

Nhiều bác sĩ đang điều trị SXH tại các bệnh viện trên địa bàn TPHCM cho biết, thời gian gần đây nhiều người dân tự ý mua thuốc điều trị SXH tại nhà nên khi nhập viện thì bệnh đã ở giai đoạn nặng, nguy cơ tử vong cao.

Bác sĩ Lê Quốc Hùng - Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM - khuyến cáo: “Để phòng tránh bệnh, cũng như hạn chế rơi vào tình trạng sốc SXH nặng, người dân tích cực thực hiện các biện pháp phòng dịch như diệt lăng quăng; xử lý các nơi ao tù, nước đọng… Trong giai đoạn bị sốt, đặc biệt là sốt cao đột ngột, người bệnh không tự ý mua thuốc để điều trị tại nhà mà hãy đến các cơ sở y tế để bác sĩ thăm khám và chẩn đoán, điều trị sớm SXH”.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI