Đề xuất tăng mức phạt là thiếu cơ sở thực tiễn

13/02/2025 - 06:26

PNO - Trao đổi với phóng viên Báo Phụ nữ TPHCM, tiến sĩ Phan Lê Bình - Trưởng đại diện Văn phòng tư vấn OCG (Nhật Bản) - cho rằng, đề xuất của UBND TP Hà Nội về việc tăng gấp đôi mức phạt vi phạm giao thông có vẻ nóng vội, chưa có cơ sở thực tiễn và mục tiêu hợp lý.

Ông Phan Lê Bình
Ông Phan Lê Bình

Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về tình hình giao thông ở Hà Nội sau khi áp dụng Nghị định 168/2024/NĐ-CP?
Tiến sĩ Phan Lê Bình: Trước khi áp dụng Nghị định 168, tôi cũng từng bức xúc và mong tăng mức xử phạt do có quá nhiều người ngang nhiên vi phạm luật giao thông. Tôi thường xuyên đi bộ, chứng kiến nhiều người phi xe máy lên vỉa hè, còn bấm còi ầm ĩ để ép người đi bộ phải né qua.

Trước đây, đứng ở bất kỳ ngã tư nào của Hà Nội, tôi cũng thấy tình trạng người tham gia giao thông không tuân thủ vạch dừng, lấn làn, đè lên vạch dành cho người đi bộ, không tôn trọng không gian dành cho người đi bộ; lực lượng xe ôm công nghệ và người giao hàng rất hay vượt đèn đỏ, lấn làn, lấn tuyến. Chính tình trạng vi phạm ngang nhiên, phổ biến này làm tăng ùn tắc, gây hỗn loạn giao thông và dễ xảy ra va chạm, tai nạn giao thông.
Tuy nhiên, chỉ sau thời gian ngắn áp dụng Nghị định 168, giao thông ở Hà Nội đã có những thay đổi cơ bản, tích cực. Việc lưu thông trật tự hơn rất nhiều, phần đông người dân tuân thủ quy định, chấp hành đèn tín hiệu, dừng xe đúng vạch, chạy đúng làn, đúng tuyến, giảm hẳn leo lề.
* Vậy lúc này, việc chính quyền Hà Nội đề xuất nâng mức xử phạt liệu có hợp lý?
- Sự tuân thủ quy định giao thông của người dân đã và đang tăng lên rõ rệt thì không có lý do gì để chính quyền TP Hà Nội tiếp tục đề xuất tăng mức phạt lên gấp 1,5-2 lần. Tôi không nhìn thấy cơ sở thuyết phục và mục tiêu hợp lý của đề xuất này.

Nếu chính quyền TP Hà Nội chứng minh được rằng với mức phạt rất cao của Nghị định 168, người dân vẫn chây ì, không chịu tuân thủ pháp luật, tình hình giao thông vẫn phức tạp so với các địa phương khác, hoặc mức phạt vẫn còn thấp so với mức sống của người Hà Nội, chưa đủ sức răn đe thì có thể hiểu lý do họ đề xuất tăng mức phạt. Thế nhưng, cả người dân và cơ quan quản lý đều thấy rõ và khẳng định sự chuyển biến tích cực trong ý thức tham gia giao thông của người dân cũng như trật tự, an toàn giao thông khi áp dụng Nghị định 168.

Do đó, theo tôi ít nhất là tới lúc này, việc đề xuất tăng mức phạt là chưa cần thiết. Khi đề xuất quy định mới, cần có nghiên cứu, đánh giá về quy định hiện hữu, trong khi Nghị định 168 vừa mới triển khai hơn 1 tháng và đang phát huy hiệu quả. Cần có thời gian đủ dài để đánh giá về tác động, tính hiệu quả của Nghị định 168, sau đó mới đề xuất sửa đổi nếu thấy cần thiết.

* Để nâng cao ý thức của người dân, hẳn không chỉ nên dựa vào biện pháp tăng mức phạt, thưa ông?
- Đúng vậy. Ý thức, văn hóa giao thông không chỉ được xây dựng từ tâm lý e sợ bị phạt. Chúng ta cần xây dựng kế hoạch tuyên truyền hiệu quả, thuyết phục, thường xuyên, liên tục bằng nhiều hình thức đa dạng để phổ biến sâu rộng các quy định mới về trật tự an toàn giao thông đến người dân.

Thời gian qua, báo chí, truyền thông đã làm rất tốt công tác tuyên truyền về nghị định mới, giúp người dân nắm được thông tin, tạo sự răn đe. Khi đọc trên báo về mức phạt cao, về các trường hợp bị phạt thì ngay cả người không bị phạt cũng có ý thức hơn. Cho nên, công tác tuyên truyền rất quan trọng và cần được tiếp tục đẩy mạnh.

Bên cạnh đó, các lực lượng thực thi pháp luật cũng cần kiên quyết trong công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, không để xảy ra tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong quá trình xử lý. Việc kiểm tra, xử phạt các hành vi cố ý vi phạm là rất quan trọng, nếu mức phạt cao mà không bị xử phạt thì người ta vẫn vi phạm.

Chẳng hạn, mấy ngày tết vừa qua, khi lực lượng cảnh sát giao thông ít tuần tra hơn thì tôi vẫn thấy nhiều người chạy xe máy không đội mũ bảo hiểm. Trên đường gần sân bay Nội Bài, nhiều người vẫn chạy xe máy ngược chiều.

Việc xử phạt với mức cao cũng cần tập trung vào các lỗi vi phạm nghiêm trọng, cố tình, như uống rượu bia khi lái xe, vượt đèn đỏ, chạy ngược chiều, lấn làn trên cao tốc, lạng lách, đánh võng. Với những lỗi liên quan đến chất lượng hạ tầng, như chạy đè lên vạch phân làn ở các nút giao đông đúc thì nên tuyên truyền, nhắc nhở thay vì chăm chăm xử phạt.

Sau một thời gian áp dụng Nghị định 168, với những lỗi vi phạm nghiêm trọng, có thể duy trì hoặc kiến nghị nâng mức phạt, còn một số lỗi không cần thiết phạt cao thì có thể xem xét giảm mức phạt xuống.

Ý thức của người dân đang dần được nâng cao sau khi tăng mức xử phạt thì chính quyền cũng phải nghiêm túc, quyết liệt nâng cao chất lượng đường sá, khắc phục những bất cập trong hạ tầng giao thông. Chính quyền cần tập trung vào các giải pháp bền vững thuộc về trách nhiệm của mình và cũng phải có các giải pháp chế tài mạnh tương tự nếu cơ quan chức năng chậm trễ, không làm tròn trách nhiệm.
* Xin cảm ơn ông.

Minh Linh (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI