Để phụ huynh không phải ly hương

10/10/2022 - 06:31

PNO - Mong rằng sẽ có thêm nhiều giải pháp về tài chính hỗ trợ sinh viên để con đường học tập của các em bớt gập ghềnh.

Những ngày giữa tháng 9, ở ga Sài Gòn, tôi đã bắt gặp nhiều phụ huynh tay xách, nách mang, dắt con từ các tỉnh miền Trung vào TPHCM nhập học. Đây cũng là hình ảnh quen thuộc mỗi khi bắt đầu năm học mới.

Con em nhập học là thời điểm nhiều phụ huynh rời quê nhà, vào các thành phố lớn mưu sinh. Bởi lẽ, các khoản thu nhập ở quê của nhiều gia đình không đủ để gửi tiền nuôi con hằng tháng. 

Mười năm trước, khi chúng tôi vào giảng đường, nhiều bạn bè cũng được cha mẹ “tiếp sức” theo cách như vậy. Nguyễn Thúy Hằng là cô học trò nghèo, quê ở tỉnh Quảng Ngãi, có cha bị tâm thần nên chịu nhiều cực khổ, thiệt thòi. 

Năm Hằng học đến lớp 12, cha Hằng mất. Khi người con gái duy nhất đậu đại học, mẹ của Hằng dù đã gần 50 tuổi cũng quyết định rời quê, theo con vào TPHCM, làm nghề bán vé số và giúp việc nhà. Nếu mẹ ở quê làm mấy sào ruộng, có lẽ việc học của Hằng phải gãy gánh giữa đường.

Những năm tháng cực khổ của mẹ càng khiến quyết tâm học tập của Hằng mãnh liệt hơn. Thời sinh viên, năm nào Hằng cũng được học bổng loại giỏi. Khi tốt nghiệp, Hằng được nhà trường giữ lại làm công tác giảng dạy. Hằng tâm sự với tôi rằng, năm đó, nếu mẹ cô không chịu rời quê theo con vào TPHCM thì có lẽ, cô không thể trở thành giảng viên đại học như bây giờ.

Miền Trung là mảnh đất quanh năm oằn mình chịu thiên tai, bão lũ. Học vấn là con đường thoát nghèo “sáng cửa” nhất mà nhiều người lựa chọn. Nhiều bậc phụ huynh tâm niệm rằng, đời mình dãi dầu mưa nắng, cực khổ sao cũng chịu được, chỉ mong con có tương lai tốt đẹp hơn. Vì thế khi con đậu đại học, họ cũng theo con lên thành phố dù biết rằng cuộc mưu sinh nơi xứ lạ lắm nỗi  nhọc nhằn.

30 năm trước, ông Tạ Văn Ngọt - quê ở xã Phổ Cường, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi - rời quê vào TPHCM mưu sinh bằng nghề bán hủ tíu để nuôi con ăn học. Năm ngoái, ông Ngọt về quê tránh dịch gần nửa năm. Những tưởng ở tuổi ngoài 60 sẽ được “về hưu”, nhưng do con gái út học đại học ngành ngân hàng chưa ra trường nên ông đành phải quay lại TPHCM. Ông chia sẻ: “Khi nào cháu ra trường có công ăn việc làm, tôi mới yên tâm về quê”. 

Ở xã Phổ Cường, có khoảng 7.400 người rời quê mưu sinh, chiếm hơn 46% dân số. Rất nhiều người trong số đó lên thành phố để kiếm tiền nuôi con học đại học. Vì con, họ phải chấp nhận ly hương, sống những tháng ngày cực nhọc. Nếu ở quê có thu nhập tốt, hoặc việc học của con ít tốn kém, nhiều bậc cha mẹ, nhất là những người ở độ tuổi về già sẽ không phải bươn chải mưu sinh.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong giai đoạn 2016-2020, có trên 3,6 triệu học sinh, sinh viên được vay vốn để trang trải việc học tập. Tỷ lệ học sinh, sinh viên có nhu cầu vay vốn chiếm từ 10-15% số người nhập học hằng năm. Điều này cho thấy, vẫn còn rất nhiều sinh viên gặp khó khăn về tài chính.

Năm học 2022-2023 này, học phí nhiều trường đại học tăng cao và “cơn bão” học phí khiến con đường đến giảng đường của nhiều sinh viên nghèo càng chông chênh hơn. Để hỗ trợ sinh viên, nhiều trường đã có các chính sách tặng học bổng, miễn giảm học phí, có cơ chế hỗ trợ tài chính hấp dẫn… Bên cạnh đó, mức vay trong chương trình tín dụng học sinh, sinh viên cũng được điều chỉnh tăng từ 2,5 triệu lên 4 triệu đồng/tháng.

Tuy vậy, cả quỹ học bổng lẫn quỹ tín dụng cho sinh viên nghèo vay vốn không thấm tháp gì so với nhu cầu thực tế và không phải đối tượng nào cũng tiếp cận được. Do đó, rất nhiều sinh viên vẫn cần sự chu cấp từ gia đình, sự giúp đỡ của cộng đồng và đặc biệt là từ chính sách hỗ trợ của Nhà nước. 

Mong rằng, sẽ có thêm nhiều giải pháp về tài chính hỗ trợ sinh viên để con đường học tập của các em bớt gập ghềnh, chênh vênh theo những cuộc ly hương của mẹ cha từ chốn quê nghèo.

Sơn Vinh

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI