Để nguồn tài nguyên sông kênh rạch không lãng phí

11/04/2022 - 06:58

PNO - Có hàng ngàn km kênh rạch và 80km sông Sài Gòn là tiềm năng rất lớn để TPHCM phát triển kinh tế, xã hội. Tuy vậy, quá trình đô thị hóa nhanh chóng thời gian qua đang biến những lợi thế “trời cho” này thành trở ngại, điểm nghẽn trong quá trình phát triển thành phố. Nạn lấn chiếm sông rạch, tình trạng sạt lở, nhếch nhác, ô nhiễm nghiêm trọng các tuyến kênh, rạch đòi hỏi phải chi nguồn tiền lớn để giải quyết.

Thời gian qua, chính quyền TPHCM đã nỗ lực để cải tạo, chỉnh trang các tuyến kênh như Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tàu Hủ - Bến Nghé, Tân Hóa - Lò Gốm và dự kiến tiếp tục chỉnh trang các kênh Hy Vọng, Tham Lương, rạch Xuyên Tâm… Tuy nhiên, để có lại được những “con kênh xanh xanh”, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp mà quan trọng nhất là xử lý tận gốc tình trạng ô nhiễm bằng cách đẩy mạnh tuyên truyền, xử lý nghiêm nạn xả chất thải trực tiếp lên kênh rạch, đồng thời xây dựng các nhà máy xử lý nước thải.

Rạch Xuyên Tâm
Rạch Xuyên Tâm

Khi đã xử lý được ô nhiễm kênh rạch, TPHCM sẽ có điều kiện phát triển mạnh giao thông thủy. Thời gian qua, giao thông thủy của TPHCM đã có những bước phát triển nhưng chưa tương xứng tiềm năng. Có thể thấy, các tuyến vận tải thủy như tuyến buýt đường sông đầu tiên từ Bạch Đằng (quận 1) đi TP.Thủ Đức, tuyến phà biển Cần Giờ - Vũng Tàu đều được đông đảo người dân thích thú. Cần phát triển thêm nhiều tuyến vận tải hành khách đường thủy hơn nữa để vừa chia sẻ áp lực với giao thông đường bộ, vừa đáp ứng nhu cầu được di chuyển chậm rãi trên mặt nước của một bộ phận người dân.

Đầu tư cho giao thông thủy cũng tạo động lực cho vận tải hàng hóa đường thủy phát triển. Theo tính toán, chi phí vận chuyển hàng hóa đường thủy luôn thấp và ít gây ô nhiễm môi trường hơn đường bộ. Nhưng hiện nay, vận tải đường thủy vẫn chiếm tỷ lệ thấp trong chuỗi vận tải hàng hóa, khiến chi phí logistics tại TPHCM nói riêng và cả nước nói chung luôn ở mức cao. 

Thời gian qua, TPHCM triển khai hàng loạt quy hoạch, đề án nhằm phát huy thế mạnh sông nước, trong đó có đề án “Phát triển kinh tế dịch vụ ven sông Sài Gòn giai đoạn 2020 - 2045” nhằm khai thác hiệu quả giá trị hệ sinh thái sông nước, tạo cảnh quan dọc bờ sông gắn với hạ tầng xanh đa chức năng, đồng thời hướng đến quy hoạch, phát triển kênh nội thành và hoàn thành cơ bản kè sông và kênh nội thành vào năm 2025. Bên cạnh đó, cũng có ý tưởng hình thành đại lộ ven sông Sài Gòn dài 64km nối từ huyện Củ Chi về đến quận 1.

Theo các chuyên gia, không gian ven sông, kênh cần được trân trọng, nâng niu bởi đó luôn là tài nguyên quý giá, là vành đai xanh, không gian mở của đô thị. Ngoài sự hạn chế trong công tác quản lý đô thị, tình trạng lấn chiếm sông rạch thời gian qua còn do thiếu vắng một đề án quy hoạch tổng thể bờ sông, kênh nội thành nhằm bảo đảm sự nhất quán về tổ chức và quản lý. Do đó, cần nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng, xây dựng quy hoạch bài bản trên cơ sở tôn trọng tự nhiên, tránh xâm hại, “bất động sản hóa”, tư nhân hóa không gian ven sông, ven kênh như đã từng xảy ra với nhiều bờ biển đẹp của các tỉnh, thành. 

Trong quá trình quy hoạch, phát triển không gian ven sông, kênh, rạch, không nên quá đặt nặng hiệu quả kinh tế trước mắt mà cần quan tâm hơn đến môi trường đô thị và cảnh quan sông nước của thành phố, hướng đến việc tạo điều kiện cho cộng đồng dân cư được tiếp cận tốt nhất với không gian đô thị sông nước này. 

Phương Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI