Để người cô đơn vẫn thuộc về nhân loại

23/12/2019 - 17:34

PNO - Năm 2011, khi Esther Rantzen thừa nhận mình cô đơn, sự phản hồi từ công chúng nhiều đến nỗi bà quyết định cho ra đời đường dây điện thoại với tên gọi The Silver Line để nói chuyện với người lớn tuổi cô đơn.

Các con số thống kê tại Anh cho thấy người lớn tuổi phải sống một mình ngày càng nhiều: 51% những người trên 75 tuổi đang sống một mình, tăng 24% so với hai thập niên qua. 1,2 triệu người thừa nhận họ cảm thấy cô đơn thường xuyên và 9 triệu người cho biết thỉnh thoảng hoặc thường phải ở trong tình trạng một mình. Nửa triệu người già phải trải qua năm đến sáu ngày trong tuần không gặp gỡ hay nói chuyện với ai, và ti vi là công cụ để họ có thể nghe thấy tiếng người.

Sự cô đơn ảnh hưởng đến sức khỏe tương tự như một người hút mười lăm điếu thuốc mỗi ngày. Điều này có hại hơn cả việc béo phì. Người cô đơn thường mắc phải các chứng bệnh mất trí nhớ, bệnh tim và trầm cảm.

De nguoi co don van thuoc ve nhan loai
Esther Rantzen

Dame Esther Rantzen thành lập đường dây The Silver Line lúc 71 tuổi, khi bà viết một bài báo thừa nhận dù có một công việc bận rộn và gia đình đông đủ, nhưng bà luôn thấy lặng lẽ vào những buổi tối và cuối tuần. Thú nhận của bà nhận được sự đồng tình mạnh mẽ từ công chúng, vì không phải ai cũng vượt qua tự tôn cá nhân để thừa nhận điều này.

Bà kể lại: “Nhiều người viết thư cho tôi, kể rằng họ phải trải qua sự cô đơn như thế nào, và thật khó khăn để chia sẻ hay thú nhận điều đó một cách công khai. Nhiều người đồng cảm với câu chuyện của tôi khi ngủ quên trước ti vi, và tỉnh dậy lúc nửa đêm để về căn phòng trống vắng, sáng hôm sau lại thấy vài vụn bánh bích quy và phô mai còn thừa trong dĩa - bằng chứng của bữa tối qua quýt, vì ai lại nấu ăn cho chỉ một người?”.

Một “khách hàng” của The Silver Line, bà Beryl Shenton, 91 tuổi, hiện sống một mình sau khi người chồng chung sống gần 50 năm qua đời, thừa nhận đường dây là “vị cứu tinh” của bà.

“Cuộc sống và gia đình của tôi luôn bận rộn, nhưng từ khi John qua đời, tôi cảm thấy lạc lõng. Tôi không chia sẻ điều này với ai cả vì tôi biết họ sẽ buồn. Thời khắc tôi cảm thấy cô đơn nhất là khi thức dậy vào buổi sáng. Một đêm, khi quá buồn bã, tôi quyết định gọi đường dây vào lúc hai giờ sáng. Người bên kia đầu dây trò chuyện rất cởi mở và đầy thông cảm, khiến tôi bật khóc và trải lòng hết với họ. Tôi không nhớ cuộc trò chuyện kéo dài bao lâu, nhưng vì tôi không biết họ, và họ không biết tôi là ai, nên tôi có thể nói hết những điều mình nghĩ hay cảm thấy”.

Từ đó đến nay, Beryl vẫn thỉnh thoảng gọi đến The Silver Line, bà biết rằng đường dây luôn có người trực 24 giờ một ngày, 365 ngày một năm.

Nhà báo Eleanor Stealel tình nguyện làm việc một đêm tại The Silver Line kể lại: “Một số người gọi đến vì họ không được nghe tiếng người trong vài ngày, một số khác gọi đến vì họ cần được trải lòng khi cảm thấy buồn bã, họ muốn được chúc ngủ ngon và chào buổi sáng, để ai đó biết rằng họ vẫn còn sống”.

Một tình nguyện viên khác kể lại, Tom gọi đến đường dây chỉ để kể sáng nay ông đến gặp nha sĩ, nha sĩ rất vui vẻ với ông. Khi được hỏi buổi gặp gỡ ở trung tâm cộng đồng như thế nào, ông bảo cũng vui, nhưng ông không thích tách trà ở đó, vì họ quên bỏ đường vào cho ông. Những câu chuyện vô thưởng vô phạt chúng ta đều trải qua hằng ngày và xem nó là điều đương nhiên, cho đến khi nhận ra rằng chẳng có ai bên cạnh để làm điều đó nữa. Nhiều người thức giấc và cảm thấy rất cô đơn, vì người chồng hay vợ mà họ đã sống cùng nhau trên 50 năm không còn nữa. Những câu chuyện họ nói với nhau qua nửa thế kỷ bỗng dưng bị bỏ ngỏ. 

De nguoi co don van thuoc ve nhan loai
(Ảnh minh họa)

Một “khách hàng” thường xuyên khác của đường dây là Anita, bà gọi cho đường dây hầu như mỗi ngày kể từ khi anh trai bà qua đời. Bà sống một mình và không thể ra ngoài thường xuyên vì chứng bệnh thấp khớp. Bà chia sẻ: “Tôi thích gọi cho The Silver Line vì tôi thích trò chuyện với bạn bè, nhưng bạn bè nào có thể trò chuyện với tôi lúc hai giờ sáng? Chứng thấp khớp làm tôi đau đớn, đặc biệt là những tháng mùa đông. Điện thoại viên trò chuyện với tôi như những người bạn và giúp những cơn đau đớn của tôi trôi qua một cách nhẹ nhàng”.

Đường dây không chỉ giúp đỡ những người già cô đơn, mà còn là bạn đường cho những người phải chăm sóc người thân bị bệnh. Margaret Laverick, hiện 88 tuổi đã chăm sóc chồng mình là Bill, bị bệnh mất trí nhớ trong nhiều năm trước khi ông qua đời. Trong những ngày tháng đó, Margaret gọi cho đường dây hai giờ mỗi ngày, mỗi khi Bill chìm vào giấc ngủ. Margaret kể: “Tôi đều mong chờ được kết nối với The Silver Line. Chúng tôi trò chuyện vui vẻ, không than thở, chỉ chia sẻ kinh nghiệm”. 

Những đóng góp của The Silver Line đã được ghi nhận, và Esther Rantzen được Nữ hoàng phong tước Dame vào năm 2015. Một phần thưởng quý giá khác với bà là tin nhắn từ một nam “khách hàng” 80 tuổi: “Khi tôi để điện thoại xuống, tôi biết là mình vẫn còn thuộc về nhân loại”. 

Phan Quỳnh Dao 
(tổng hợp từ )

Từ khóa cba
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI