Lạp xưởng, xúc xích “trôi nổi” - món ăn đường phố không ai kiểm soát

10/05/2025 - 06:27

PNO - Ở TPHCM, xúc xích, lạp xưởng không rõ nguồn gốc đang được bày bán phổ biến trong các cửa hàng, tiệm tạp hóa và được mang ra lề đường nướng đá nóng phục vụ thực khách.

Giá rẻ, mua bao nhiêu cũng có

Ghé cửa hàng N.N. trên đường Cách Mạng Tháng Tám, quận Tân Bình, chúng tôi được người bán giới thiệu 2 loại lạp xưởng tươi là “cô gái xanh” và “cô gái Lưu Diệc Phi” với giá lần lượt 1,28 triệu đồng/thùng và 1,18 triệu đồng/thùng (20 gói, tương đương 200 cây). Theo người bán, các sản phẩm này được nhập khẩu từ Hà Khẩu (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc).

Chúng tôi nhận thấy, bao bì sản phẩm đều in chữ nước ngoài, không có nhãn phụ theo quy định. Việc phân biệt giữa các loại sản phẩm đều dựa vào hình ảnh nhân vật được in trên bao bì và tên là do người bán tự đặt. Người bán cho biết lạp xưởng “cô gái xanh” có giá cao hơn do có nhiều thịt và ít mỡ hơn. Chủ cửa hàng cho biết chỉ bán theo thùng, không bán lẻ từng gói: “Lấy sản phẩm bên anh thì em yên tâm, hạn sử dụng còn dài nên không chua nhớt”. Người này nhấn mạnh: một số chủ quán lề đường mua trúng sản phẩm bị chua nhớt nhưng vì tiếc tiền nên vẫn đem rửa, nướng lên bán cho khách. Sau khi nướng, khách ăn vẫn thấy bình thường, nhưng ăn xong có thể đau bụng.

Trong quá trình tìm hiểu về đường đi của loại thực phẩm “trôi nổi” này, chúng tôi được giới thiệu một người tên V. ở tỉnh Quảng Ninh, chuyên cung cấp xúc xích, lạp xưởng tươi với số lượng lớn, giá “rẻ nhất thị trường”. V. cho biết, đang phân phối 9 loại xúc xích, lạp xưởng tươi của Trung Quốc, giá mỗi loại từ 900.000-1,1 triệu đồng/thùng.

Xúc xích, lạp xưởng tươi không rõ nguồn gốc, chất lượng đang được bán phổ biến trên lề đường ở TPHCM
Xúc xích, lạp xưởng tươi không rõ nguồn gốc, chất lượng đang được bán phổ biến trên lề đường ở TPHCM

Ngoài các sản phẩm có xuất xứ Trung Quốc, trên thị trường còn có lạp xưởng nhãn hiệu H.D., được sản xuất ở tỉnh Quảng Ninh, trên bao bì sản phẩm in song ngữ Việt, Trung nhưng hình ảnh na ná các nhãn hiệu của Trung Quốc như “cô gái xanh”, “cô gái tím” và “Lưu Diệc Phi”. Lạp xưởng H.D. được chào bán với giá rẻ hơn khoảng 100.000 đồng/thùng so với các sản phẩm từ Trung Quốc.

Một chủ hàng bán sỉ có kho hàng ở tỉnh Quảng Ninh và TP Hà Nội giải thích, Công ty H.D. đã mua bản quyền và thương hiệu từ Trung Quốc, sau đó thuê nhân công Trung Quốc sang Việt Nam gia công. Người này khẳng định, tất cả sản phẩm của H.D. đều có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm. Nếu mua từ 50 thùng trở lên, công ty sẽ xuất hàng từ kho ở Quảng Ninh, còn mua từ 5-10 thùng thì xuất từ kho ở Hà Nội.

Hiện nay, giá bán xúc xích, lạp xưởng tươi nướng đá nóng là 15.000 đồng/cây, mua 5 tặng 1. Như vậy, sau khi trừ đi chi phí, người bán sẽ lời khoảng 2 triệu đồng/thùng. Mức lời khá cao đã kích thích nhiều người kinh doanh món ăn đường phố này.

Cần phản ánh nếu thấy nguồn gốc mập mờ

Theo tìm hiểu của chúng tôi, một số doanh nghiệp lớn trong nước cũng sản xuất lạp xưởng tươi để nướng đá, giá 1,932 triệu đồng/thùng 28 gói (69.000 đồng/gói). Nếu so với lạp xưởng tương tự của Đài Loan (Trung Quốc), sản phẩm của Việt Nam có giá cao hơn khoảng 532.000 đồng/thùng, cao hơn 19.000 đồng/gói. Còn nếu so với các loại lạp xưởng của Trung Quốc thì lạp xưởng của Việt Nam có giá cao hơn khoảng 280.000 đồng/thùng và khoảng 14.000 đồng/gói.

Theo đại diện một doanh nghiệp ở TPHCM, muốn nhập khẩu vào Việt Nam, xúc xích và lạp xưởng tươi phải nằm trong danh mục được cơ quan chức năng cho phép và phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về an toàn thực phẩm. Đối với các sản phẩm có thành phần thịt động vật, đơn vị nhập khẩu phải làm thủ tục kiểm dịch động vật; hồ sơ nhập khẩu phải có giấy chứng nhận kiểm dịch do cơ quan thú y của Trung Quốc cấp và sản phẩm phải đáp ứng các yêu cầu kiểm dịch của phía Việt Nam.

Bên cạnh đó, nhà nhập khẩu cần cung cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm do nhà sản xuất Trung Quốc cung cấp và phải có kết quả kiểm nghiệm chất lượng. Sau đó, đơn vị nhập khẩu phải nộp hồ sơ công bố chất lượng sản phẩm cho Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) hoặc chi cục an toàn thực phẩm cấp tỉnh. Tuy nhiên, những sản phẩm đang được bày bán trên thị trường hiện nay đều không có nhãn phụ thể hiện các thông tin về đơn vị nhập khẩu, số công bố chất lượng sản phẩm.

Bà Phạm Khánh Phong Lan - Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TPHCM - khẳng định, xúc xích, lạp xưởng hay bất kỳ loại thực phẩm nhập khẩu nào cũng phải làm thủ tục công bố chất lượng sản phẩm, mới được thông quan. Công ty nhập khẩu đặt ở tỉnh nào thì nộp hồ sơ công bố chất lượng sản phẩm ở tỉnh đó. Nếu sản phẩm nhập khẩu lưu thông trên thị trường mà không có nhãn phụ tức là hàng nhập lậu và người tiêu dùng cần báo cơ quan chức năng để thanh tra, xử phạt.

Thực phẩm trôi nổi có thể chứa nhiều hóa chất bảo quản

Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh - nguyên giảng viên bộ môn công nghệ thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội - cho biết, có nhiều phương pháp để kéo dài hạn sử dụng của thực phẩm, trong đó an toàn nhất là chiếu xạ. Tuy nhiên, hàng nhập lậu qua đường tiểu ngạch thường bỏ qua quy trình này để giảm chi phí. Thay vào đó, người ta dùng các chất hóa học, phụ gia để bảo quản.

Theo ông, các sản phẩm không rõ nguồn gốc như xúc xích, lạp xưởng, xiên que thường được nhà sản xuất dùng các chất bảo quản thuộc nhóm nitrat và nitrit (như kali nitrat, kali nitrit, natri nitrat, natri nitrit) để giữ độ tươi, màu sắc, độ giòn dai và ức chế sự phát triển của vi khuẩn. Dù các hợp chất này được phép sử dụng trong thực phẩm với hàm lượng nhất định nhưng với hàng lậu, không ai biết hàm lượng này là bao nhiêu. Nếu hàm lượng vượt mức cho phép, chúng sẽ gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng. Việc chế biến thực phẩm có chứa nitrat và nitrit ở nhiệt độ cao có thể hình thành chất nitrosamine và một số loại nitrosamine có thể làm tăng nguy cơ ung thư.

“Nếu bảo quản ở ngăn mát tủ lạnh, lạp xưởng, xúc xích tươi có hạn sử dụng khoảng 75 ngày, còn nếu bảo quản ở ngăn đông (-12 độ C), hạn sử dụng khoảng 6 tháng. Nhưng một số loại lạp xưởng và xúc xích từ Trung Quốc đang được bày bán trên thị trường hiện nay có hạn sử dụng hơn 1 năm. Do đó, người dùng cần đặt nghi vấn họ đã dùng chất bảo quản gì để kéo dài hạn sử dụng” - phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh nói.

Trước tình trạng thực phẩm không rõ nguồn gốc được bán tràn lan trước cổng trường, gây ra một số vụ ngộ độc, phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh đề nghị phân định rõ trách nhiệm của từng đơn vị. Lãnh đạo nhà trường phải yêu cầu giáo viên vận động phụ huynh và học sinh không sử dụng các thực phẩm không được kiểm soát, đồng thời báo cáo với chính quyền và công an địa phương để tăng cường kiểm tra. Các cấp quản lý nhà nước cần kiểm soát chặt chẽ hàng hóa nhập khẩu, ngăn chặn tình trạng tuồn hàng lậu vào. Theo ông, việc kiểm tra nghiêm ngặt hàng hóa ở cửa khẩu là yếu tố then chốt để ngăn chặn hoặc kiểm soát hàng hóa nhập khẩu, trong đó có thực phẩm.

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI