Nghịch dây rút quần, bé trai nguy kịch vì "tự thắt cổ" mình

09/05/2025 - 20:43

PNO - Trong lúc nghịch dây rút, bé trai tự quấn quanh cổ, treo mình trên dây mắc màn khiến cơ thể tím tái, khó thở...

Bé trai bị
Bé trai bị dây rút siết vào cổ do nghịch ngợm - Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Ngày 9/5, thông tin từ Trung tâm Nhi khoa (Bệnh viện Bạch Mai), trong dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 vừa qua, các bác sĩ đã xử trí và cấp cứu thành công một trường hợp hy hữu do tai nạn trong sinh hoạt.

Đó là một bé trai 5 tuổi (ở Thường Tín, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng tím tái, lơ mơ. Gia đình bệnh nhân kể lại, trước khi vào viện 3 tiếng, trẻ cùng 2 anh (8 tuổi và 11 tuổi) chơi, xem tivi với nhau trong một phòng riêng.

Trích xuất camera, gia đình phát hiện, trẻ cầm theo một sợi dây rút dài khoảng 80cm. Trẻ nghịch ngợm, quấn xung quanh cổ và treo mình trên dây mắc màn chăng ngang phòng.

Khi phát hiện, trẻ có dấu hiệu tím tái, khó thở. Gia đình thổi ngạt, ép tim tại chỗ trong 5 phút thì trẻ tự thở trở lại, môi hồng nhưng lơ mơ không tỉnh nên gia đình bắt taxi đưa con vào một bệnh viện cấp cứu và sau đó chuyển tiếp lên Bệnh viện Bạch Mai.

Thời điểm tiếp nhận, bệnh nhi hôn mê, bóp bóng qua nội khí quản, xuất huyết dạng chấm rải rác vùng đầu mặt và có vết lằn đường kính 0,5cm dài 25cm ở vùng cổ trước.

Bệnh nhi nhanh chóng được cấp cứu và điều trị bằng phương pháp kỹ thuật cao “hạ thân nhiệt chỉ huy” (chủ động). Phương pháp này nhằm bảo vệ thần kinh, giảm thiểu các tổn thương não, các biến chứng tuần hoàn, hô hấp và tăng khả năng sống sót của người bệnh.

Bác sĩ Doãn Phúc Hải - Trung tâm Nhi khoa (Bệnh viện Bạch Mai) - người trực tiếp điều trị cho bệnh nhi chia sẻ: “Thân nhiệt của bệnh nhi được hạ nhanh xuống và kiểm soát duy trì ở mức 34°C, giảm tổn thương, tái tưới máu tại não, tăng tỉ lệ sống và hồi phục chức năng thần kinh. Sau 72 giờ điều trị hạ thân nhiệt chủ động, bệnh nhi được nâng thân nhiệt, làm ấm trở lại về mức bình thường và duy trì theo dõi trong 48 giờ”.

Khi thân nhiệt trở lại bình thường, bệnh nhi tỉnh dần và được rút ống thở. Dấu hiệu sinh tồn ổn định, tri giác nhận thức tốt. Sau 5 ngày nằm viện, bệnh nhi đã tỉnh táo hoàn toàn. Kết quả chụp tim, phổi, MRI sọ não, cột sống cổ không thấy bất thường.

Các bác sĩ cho hay, đây cũng là trường hợp đầu tiên trẻ 5 tuổi tự “thắt cổ” mà chúng tôi bắt gặp.

Qua trường hợp này, các bác sĩ khuyến cáo các bậc phụ huynh cần chú ý bảo vệ con khỏi những tai nạn hy hữu bằng cách hạn chế, loại bỏ các vật dụng có dây trong tầm với của trẻ. Với trẻ trong độ tuổi mẫu giáo, không để trẻ chơi một mình trong phòng có nhiều đồ vật tiềm ẩn nguy cơ tai nạn...

Đặc biệt trong dịp nghỉ hè sắp tới, các gia đình cần nâng cao cảnh giác, giáo dục trẻ, trang bị thêm cho mình những kiến thức sơ cứu cơ bản để phòng ngừa tai nạn thương tích có thể xảy ra.

H.Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI